Yêu thơ như thể... Trinh Đường

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sinh thời, Trinh Đường là người rất chịu khó sưu tầm thơ hay của bàn dân thiên hạ. Trong hàng chục cuốn sổ tay mà ông để lại, có tới già nửa là những câu thơ đặc sắc của các bạn viết ở khắp mọi miền đất nước mà ông sưu tầm được. Số lượng thư từ ông gửi đến các tòa báo, đến các tác giả trẻ nhằm trao đổi và chia sẻ ý nghĩ, cảm xúc của mình về một câu thơ hay, về một ý thơ cần chỉnh sửa nào đó... thật nhiều vô kể.

Cũng chẳng có gì mới mẻ khi ta khẳng định rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc rất yêu thơ. Dường như, trong đời, ai nấy đều ít nhiều có lần nổi hứng làm thơ, và trong số ấy, không ít người còn coi thơ như cơm ăn, nước uống. Dẫu vậy, bằng sự trải nghiệm của chính mình, tôi vẫn muốn quả quyết rằng, nhân vật mà tôi đề cập tới đây, dù tài năng được thừa nhận tới đâu, thì đã và vẫn mãi xứng đáng được liệt vào danh sách một trong những người yêu thơ nhất.

Vâng, yêu đến mấy thì cũng chỉ đến thế... là hết.

Đó là nhà thơ Trinh Đường, người nếu còn sống thì năm nay cũng đã bước vào tuổi 92 (ông sinh năm 1917, mất năm 2001).

Hồi còn ở khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội), mặc dù căn hộ ông ở rất nhỏ hẹp, song ông vẫn dành một phần "đất" để lập "Ngôi đền Thơ". Theo nhà thơ Võ Văn Trực cho biết thì "hễ có bạn văn chương nào đến chơi, đàm luận học thuật, xin hãy thắp một nén hương lên... Ngôi đền trước khi ngồi vào bàn trà".  

Sau này, trong những ngày cuối đời, khi Trinh Đường chuyển về một ngôi nhà ở thôn Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm), ông cũng cho lập một bàn thờ… Thơ ở tầng hai.

Nhiều bạn bè đến thăm ông hẳn còn nhớ: Trong giai đoạn ông tập trung biên soạn bộ sách "Một thế kỷ thơ Việt", như để thúc giục mình, ông đã cho khắc một tấm đá hoa cương dòng chữ "Thơ Việt Nam thế kỷ XX" và đặt tấm đá này lên bàn thờ… Thơ.

Sinh thời, Trinh Đường là người rất chịu khó sưu tầm thơ hay của bàn dân thiên hạ. Trong hàng chục cuốn sổ tay mà ông để lại, có tới già nửa là những câu thơ đặc sắc của các bạn viết ở khắp mọi miền đất nước mà ông sưu tầm được. Số lượng thư từ ông gửi đến các tòa báo, đến các tác giả trẻ nhằm trao đổi và chia sẻ ý nghĩ, cảm xúc của mình về một câu thơ hay, về một ý thơ cần chỉnh sửa nào đó... thật nhiều vô kể.

Một số cây bút ở Đà Nẵng cho hay, có thời kỳ, tuần nào họ cũng nhận được thư của Trinh Đường, kèm theo đó là những bài thơ. Thư là của ông, còn thơ, cũng có khi là của ông, nhưng đa phần là của các tác giả khác. Ông gửi vì ông thấy tâm đắc, muốn mọi người cùng đọc và trao đổi.

Là một người yêu thơ đến nồng nhiệt, những năm 1995, 1996, mặc dù đã ở tuổi xấp xỉ tám mươi, song ông vẫn hăm hở làm tập tuyển đồ sộ "Một thế kỷ thơ Việt" và để khuyến khích người làm thơ khắp nơi trong nước gửi bài về, ông lập hòm thư lưu ký nhằm gánh hộ mọi người tiền... tem thư. Chuyện ngỡ nhỏ, ai dè, thoạt đầu, ông chỉ phải nộp bưu phí mất 50 nghìn đồng, nhưng đến lần thứ hai, chị nhân viên Bưu điện yêu cầu nhà thơ phải nộp... 200 nghìn đồng. Nhà thơ thắc mắc thì được chị nọ giải thích: Vì số người gửi bài tăng gấp bốn, gấp năm lần. Thế là Trinh Đường phát hoảng, phải tính "kế" khác, vì cứ đà này thì lương hưu của ông cũng không kham nổi. 

Với Trinh Đường, kiếm tiền là kiếm tiền, làm thơ là làm thơ. Đây là hai việc chẳng liên quan, dính dáng gì đến nhau. Chính bởi quan niệm thế mà khi cho xuất bản 2 tập thơ "Quán trọ" và "Hội hóa trang", ông đã cho ghi ở góc cuốn bìa sách mấy chữ "Thơ không bán". Có người thấy vậy nói: "Nếu bác không muốn bán thì cứ việc không bán. Cần gì phải đề thế". Trinh Đường giải thích: "Đề như thế để khỏi lo phát hành, mà mình cũng thoải mái, mạnh tay hơn khi ký tặng những người yêu thơ". Tất nhiên, ông nghiêm túc nói vậy, nhưng có kẻ lại đùa. Sách có trong tay, họ lấy bút đề thêm cho dòng chữ "sách không bán" thành "sách không bán được". Chuyện đến tai Trinh Đường nhưng ông chẳng giận.

Là người cần mẫn tham gia các buổi sinh hoạt thơ, Trinh Đường đồng thời cũng là người thích đọc thơ, truyền bá thơ trong công chúng. Nhà thơ Ngô Quân Miện từng kể: Có lần ông dẫn bảy, tám nhà thơ trong nhóm thơ của mình đến đọc thơ phục vụ một đơn vị quân đội. Đoàn được bố trí đi trên một chiếc xe Jeep của Tổng cục Hậu cần. Hôm ấy, mặc dù nước lũ lên to, song do quá nôn nóng nên các nhà thơ cứ thúc "bác tài" cho chiếc xe băng qua ngầm. Ai dè, nước suối chảy siết đã cuốn chiếc xe xuống suối. Phải rất vất vả, các nhà thơ mới thoát nạn, leo được lên bờ. Sổ sách, giấy tờ đều ướt sũng. Mặc dù rét run như cầy sấy, ngay tối hôm ấy, Trinh Đường vẫn yêu cầu anh em trong đoàn tổ chức cuộc liên hoan thơ với anh em bộ đội.

Yêu thơ, thích đọc thơ, Trinh Đường cũng là người ráo riết trong việc thôi thúc anh em làm thơ năng cầm bút. Thậm chí, để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, có lúc ông còn ép anh em phải có thơ ngay tức thì.

Nhà thơ Quang Huy từng có lần rơi vào cảnh ngộ này và mặc dù anh đã dùng đến mẹo giả đau dạ dày, song nhà thơ đàn anh vẫn quyết... không tha. Ông tức tốc kiếm bằng được một chai mật ong (một trong những phương thuốc chữa đau dạ dày) và bắt Quang Huy phải uống để... làm thơ. "Khi nào làm xong bài thơ mới được đi ngủ" - Ông dứt khoát yêu cầu vậy. Còn bản thân Trinh Đường, có lần đi thâm nhập thực tế với anh em công nhân nuôi ong, ông bị ong đốt sưng húp mặt mũi, vậy mà đêm đến, ông vẫn chịu khó thắp đèn, ngồi trong màn hì hụi viết.

Với Trinh Đường, là một nhà thơ thì phải coi trọng việc sáng tác, mọi thứ khác chỉ là "chuyện vặt". Nhà thơ Thanh Thảo từng kể: Hồi Trinh Đường làm biên tập viên NXB Giải phóng, anh từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, khi gặp Trinh Đường thì được ông cho biết, tập thơ của anh đã được ông biên tập chu đáo và đã xong khâu ma-két, nhưng có "lệnh" yêu cầu dừng lại, chưa in. Trinh Đường cho Thanh Thảo biết, ông rất bất bình trước cái "lệnh miệng" này.

Song suốt buổi trò chuyện với tác giả trẻ là Thanh Thảo khi đó, nhà thơ đàn anh chỉ nói về "sự cố" nói trên có một lần, rồi thì vui vẻ chuyển sang nói chuyện thơ, "sôi nổi hồn nhiên như không có chuyện gì xảy ra". Điều này khiến Thanh Thảo rút ra kết luận: "Tôi đã học được ở ông điểm này: Hãy hạnh phúc vì những gì mình có, hãy cứ sung sướng với Thơ, rồi ra, đừng quá quan tâm tới những phiền toái hay "tai nạn"- tất cả đều là lặt vặt so với thơ".

Cũng đồng quan điểm này, nhà thơ Thanh Quế cho hay: Trong dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV (năm 1989), trong khi nhiều đại biểu túm tụm nhau lại để bàn về nhân sự, nào là phải bỏ phiếu cho người này, quyết không bỏ cho người kia, thì Trinh Đường tranh thủ cơ hội lò dò tìm đến từng nhà văn, thì thầm vào tai từng người rồi đưa cho họ một tờ giấy nhỏ. Có người đứng ngoài không biết chuyện, cứ ngỡ Trinh Đường đang vận động tranh cử cho ai đấy. Hóa ra là ông đang triển khai kế hoạch cho một tập sách tiểu luận. Và tờ giấy mà ông đưa cho từng người kia chỉ ghi vẻn vẹn dòng chữ (mà ông yêu cầu các tác giả cùng tham gia giải đáp), đó là: "Làm thế nào để có thơ hay?". Tất nhiên, cũng có người cho câu hỏi ông đặt ra là hơi... luẩn quẩn (họ lý lẽ rằng: Nếu biết làm thế nào để có thơ hay thì thơ còn gì là "thiêng", là "huyền bí" nữa), song không ai phủ nhận sự tâm huyết nhất mực với thơ của Trinh Đường.    

Như một sự "đáp đền" của số phận, lòng yêu thơ, nhiệt tình với thơ dường như đã giúp cho Trinh Đường một sức dẻo dai, bền bỉ đến kinh ngạc, khiến cho con người mảnh khảnh, dáng đi xiêu vẹo, ngỡ tưởng gió thổi là bay ấy đã chỉ phải chấm dứt hành trình của đời mình ở tuổi… 84. Và, nhiều trường hợp, thơ đã khiến ông gần như… tái sinh trong những tình huống mà ai cũng ngỡ là… nến sẽ tắt.

Theo chính những điều mà Trinh Đường thổ lộ với nhà thơ Trần Phương Trà thì ngoài các tập thơ đã xuất bản, ông còn một tập thơ chưa đặt tên, với số lượng trên dưới 80 bài, là những thi phẩm ông sáng tác trong "ba lần nằm viện, bắt đầu từ đại phẫu thuật 10/1999 đến hè thu năm nay (tức năm 2001)".

Tác giả Nguyễn Nhã Tiên quả là tinh tế khi trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 7/10/2001, sau khi kể lại sự yêu thơ rất mực của Trinh Đường, đã đưa ra giả thiết: "Thơ có khi cũng là một thứ dược liệu có khả năng nâng ông đứng dậy".

Cũng vẫn theo tác giả Nguyễn Nhã Tiên kể (trong bài viết đăng trên tạp chí Sông Hương số tháng 11/2001), thì trong thời gian biên soạn cuốn "Thơ Việt Nam thế kỷ XX chọn lọc và bình luận", sau khi chuyển giao cho nhà xuất bản tập 1, sợ bệnh tình khiến mình khó lòng có thể đeo đuổi được tập 2, nhà thơ Trinh Đường đã gửi bản thảo và bàn giao phần công việc còn lại cho nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Nhưng, theo cách nói của tác giả "Những nghị lực hay cái "quyền năng" của nàng Thơ đã "nhiệm mầu" nâng ông dậy một cách khỏe khoắn lạ thường", khiến nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi sau đó phải vui vẻ mang trả lại chồng bản thảo dày cộm cho ông.

Nhà thơ Vân Long cũng đã kể lại ấn tượng của ông trong lần cuối đến thăm Trinh Đường. Khi ấy, Trinh Đường đã rời bệnh viện về nhà chờ ngày… trời gọi đi. Vân Long đến, thấy lão nhà thơ nằm bất động, không có dấu hiệu gì của người đang sống. Quá sợ hãi, ông bèn đứng dậy, đưa tay ra trước mũi lão nhà thơ, xem cụ có còn thở không. Nghe tiếng dịch ghế, Trinh Đường tỉnh lại. Ông lào phào hỏi ai đấy? Sau khi biết khách là một nhà thơ, Trinh Đường xoay sang nói chuyện thơ, rồi ông khoe ông mới làm được chùm thơ mới.

Khi thấy Trinh Đường toan cất tiếng đọc, Vân Long vội giành lấy tập bản thảo, đọc cho ông nghe. Cứ thế, tiếng thơ khiến người bệnh hồi tỉnh dần, thậm chí, thoạt đầu ông còn nằm nghiêng, chống một tay để "nhìn rõ" câu thơ, sau đó thì "Ngồi thẳng dậy, đôi mắt phát lộ những tia sáng". Ở đây, Vân Long đã có những liên tưởng rất ngộ nghĩnh: "Tôi thấy gai người như mình là một gã phù thủy đọc thần chú cho xác chết sống dậy, hoặc như người Ấn Độ thổi sáo cho chú rắn ngóc đầu lên. Ông lại bị chính thơ hớp hồn" (Báo Văn nghệ số ra ngày 6/10/2001).

Sinh thời, nhà thơ Trinh Đường từng không ít lần gặp tai nạn hút chết. Ngoài cái lần xe bị nước lũ cuốn đã kể ở đầu bài viết thì còn lần xe mất phanh đổ dốc ở Hoàng Liên Sơn. Phải chăng vì biết nhà thơ đang trên đường đi nói chuyện thơ hoặc đi lấy tư liệu để làm thơ, nên Thần Chết đã buông tha ông?

Nói như người đời, mọi sự đam mê đều phải trả giá. Về mặt này, điều bất ưng của nhà thơ Trinh Đường có lẽ là ở việc ông không chăm lo được chu đáo cho đời sống của chính mình và của vợ con.

Nhà thơ Đông Trình đã có một so sánh đáng suy ngẫm: "Nếu có ai đó cần biết ở đồng bằng sông Cửu Long có những cây bút trẻ nào, hãy đến gặp Trinh Đường xin địa chỉ. Nhưng đã có lần tôi hỏi ông: Thằng nhóc con anh năm nay học lớp mấy rồi, ông nói mình đi luôn nên cũng không rõ lắm".

Về việc này, trong một lần trao đổi với bà Lê Thị Hải, vợ nhà thơ Trinh Đường, tôi cũng được bà cho hay: "Ông nhà tôi đi thực tế miết, mấy khi ở nhà. Mà có về nhà thì cũng… mệt rồi, nên cũng không trò chuyện được nhiều với các con". Tuy nhiên, theo bà Hải, các con bà đều "thương bố cả cuộc đời vì thơ. Thơ là trên hết"

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật