Gạo tồn đầy kho, cho học sinh ăn mỳ tôm vì ngán thịt?

Applecat Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng ngày chúng tôi cho học sinh ăn thịt nhiều, các em ngán nên thỉnh thoảng đổi bữa cho các em ăn mì tôm - Phó hiệu trưởng Thường trực Trường PTCS Lũng Táo nói.
Gạo tồn đầy kho, cho học sinh ăn mỳ tôm vì ngán thịt?
Anh Vừ Mí Nô đang chỉ cho PV về những ghi chép trong cuốn sổ của mình khi làm việc tại trường.

Tiếp tục thông tin về vụ việc ăn chặn tiền học bổng và quà của học sinh vùng cao mà PV đã đăng tải, sau một ngày làm việc tại trường PTCS Lũng Táo, chúng tôi còn nhận thấy ngôi trường này có rất nhiều điểm bất cập khác.

Không chỉ có vấn đề học bổng, từ thiện, việc dân nuôi cấp tiền, cấp gạo cho học sinh cũng có rất nhiều điểm bất minh.

Gạo thừa vài chục tấn, học sinh vẫn phải ăn mỳ tôm

Sống trên địa hình hiểm trở của những khối đá tai mèo sắc lạnh, đất thâm canh ít ỏi nên người dân vùng cao tỉnh Hà Giang vất vả quanh năm vẫn luôn ở trạng thái "cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc". Cái bụng không no thì sao cái chữ có thể đến từng bản nghèo.

Chia sẻ với địa phương, với thầy cô trong việc "nhọc nhằn gieo chữ" cho các học sinh vùng cao, ngoài các đoàn từ thiện, Chính phủ cũng có chính sách trợ cấp tiền và gạo cho các em hàng năm.

Theo chính sách này, các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 ở các xã vùng cao giáp biên mỗi tháng sẽ được hưởng chế độ 15 kg gạo và 460 nghìn đồng. Dù được quan tâm chăm lo như vậy, nhưng các em học sinh trường PTCS Lũng Táo, Đồng Văn (Hà Giang) vẫn không thích đến trường.

Ghi chép của anh Vừ Mí Nô về số lượng học sinh ăn tại trường 2 bữa sáng - tối tại trường PTCS Lũng Táo.

Phải chăng, việc thường xuyên "quên" cấp học bổng, phát quà từ thiện kịp thời cho các em hay những bất cập trong cách quản lý của nhà trường lại vô tình khiến các em học sinh không mặn mà đến lớp học?

Từ năm 2011 đến nay, tổng sĩ số của cả trường luôn trên 250 học sinh, thế nhưng sĩ số thực ăn cơm tại trường trung bình chỉ vào khoảng 100 em.

Trong năm học 2014 - 2015, theo ghi chép của anh Vừ Mí Nô, người được UBND xã Lũng Táo giao nhiệm vụ theo dõi sĩ số của từng lớp để xuất – nhập kho thực phẩm ăn uống thì chưa một ngày nào số lượng học sinh ăn tại trường đầy đủ. Nhưng theo tìm hiểu, nhà trường vẫn luôn báo đủ lên trên và nhận đủ số gạo cũng như tiền trợ cấp hàng tháng cho các em.

Có lẽ vì thế, kho gạo trong trường luôn trong trạng thái đầy. Và để giải thích cho hiện tượng "tồn" gạo, Hiệu trưởng trường PTCS Lũng Táo, ông Bùi Văn L. cho rằng: "Hàng năm, dù có chia cho các em cũng không thể hết số gạo trong kho".

Vấn đề đặt ra ở đây là, chỉ những em học sinh nào đi học và ăn tại trường mới được hưởng số tiền và số gạo trợ cấp đó. Vậy, tiền và gạo thừa "chạy" đi đâu?

Nhận được câu hỏi từ PV, đại diện ban lãnh đạo nhà trường, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó hiệu trưởng thường trực cho hay: "Số tiền này nhà trường đã chuyển sang mua sắm trang thiết bị nhà bếp và đầu tư vào dụng cụ sinh hoạt cho các em".

Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu, gian bếp chật hẹp, hầu hết đồ đoàn ở đây đều được tài trợ. Và khi đặt vấn đề, nhà trường mỗi năm mất bao nhiêu cho việc mua sắm đồ bếp, bà Hiệu phó bâng quơ trả lời "không nắm được" và "chỉ kế toán mới biết"?!

Đáng nói, khi PV đề nghị được làm việc với kế toán sau khi làm việc với Ban giám hiệu. Không hiểu sao chỉ sau đó ít phút, kế toán đã báo vắng, dù trước đó vẫn có mặt tại trường.

Cho học sinh ăn mì tôm vì ngán ăn thịt?

Dù đã có văn bản chỉ đạo từ trên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn rằng không được để các em học sinh ăn mì tôm vào các bữa chính thế nhưng vào các tối chủ nhật, Trường PTCS Lũng Táo vẫn cho các em ăn mì tôm. Đáng nói, mỳ tôm các em ăn là mỳ tôm trần, không rau, không thịt...

Trong khi gạo chất đống trong kho, nhà trường lại để các em ăn mì tôm. Thiết nghĩ, đang tuổi ăn, tuổi lớn, liệu có đảm bảo dinh dưỡng cho các em khi ăn như thế này?

Kho gạo trên chục tấn tại Trường PTCS Lũng Táo.

Nhưng có lẽ suy nghĩ của chúng tôi và suy nghĩ của lãnh đạo nhà trường không... đồng điệu. Bởi theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó hiệu trưởng Thường trực cho hay, "Hàng ngày các em học sinh ăn thịt nhiều nên các em ngán, vì thế thỉnh thoảng đổi bữa cho các em ăn mì tôm".

Không những vậy, bà Hương còn giải thích thêm: "Ngày chủ nhật học sinh chỉ đến có khoảng 30 em, nhà bếp rất khó nấu cơm nên đành cho các em ăn mì tôm".

Nói như vậy, hóa ra các em học sinh phải chịu thiệt thòi chỉ vì cái khó của nhà trường?

Bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc về vấn đề ăn uống của học tại trường PTCS Lũng Táo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật