Việt Nam, Ấn Độ nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng chậm của thị trường mới nổi

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự giảm mạnh của giá hàng hóa toàn cầu cho thấy một số nền kinh tế đang phát triển bay cao trước đây nay lại đang là nạn nhân của điều đó. Mặc dù vòng xoáy đó diễn ra trên diện rộng, nhưng vẫn còn một số điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam, Ấn Độ nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng chậm của thị trường mới nổi
Ảnh minh họa

Chắc chắn, việc đầu tư trên các thị trường mới nổi không dành cho những người yếu tim. Viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt tiền tệ và sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi với tốc tộ chóng mặt.

Theo một số ước tính, trong vòng 13 tháng, từ cuối tháng 6/2014 đến cuối tháng 7/2015, dòng vốn thoái khỏi các thị trường này lên tới hơn 940 triệu USD. Kể từ đầu năm đến nay, các quỹ ETF đầu tư vào các thị trường mới nổi cũng mất ít nhất 19 tỷ USD.

Sự kết thúc của “đại chu kỳ hàng hóa” đã khiến một loạt các nền kinh tế gặp khó khăn mà tại đó tình hình của các nhà đầu tư đã trở nên xấu đi.

Theo chuyên gia kinh tế Alex Wolf tại Standard Life Investments, sự bất ổn này cũng đã tạo ra một số cơ hội. Một số quốc gia được hưởng lợi rõ ràng thông qua việc tăng hiệu quả tài sản, thúc đẩy tiêu thụ thực tế, hoặc giảm trợ giá và phân bổ lại chi tiêu tài khóa cho hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là tùy thuộc vào từng quốc gia.

Một báo cáo công bố tháng 10 của Moody’s Investors Service cho thấy các thị trường mới nổi có sự phân hóa về khả năng phục hồi, nhấn mạnh rằng một số quốc gia có điều kiện tốt hơn để "chống chọi với cơn bão". Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tránh đầu tư vào các tài sản rủi ro tại thị trường mới nổi, các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil hay Nam Phi đang đối mặt với rủi ro cao.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn đều cho rằng Ấn Độ là một câu chuyện ngoại lệ. Nền kinh tế có GDP khoảng 2 nghìn tỷ USD này có rủi ro rất thấp nhờ sự tăng trưởng kinh tế vững vàng hơn và việc cải cách chính sách đang có tác động tích cực.

Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10 đã hạ dự báo tăng trưởng của Ấn Độ xuống 7,3% từ mức 7,5% trước đó, nhưng ông Wolf cho rằng quốc gia này sẽ tiếp tục cải thiện theo tính chu kỳ.

Trong các thị trường sơ khai, Standard Life cho rằng có thể hy vọng vào thị trường Việt Nam khi Việt Nam có dấu hiệu kháng cự tốt và thị phần xuất khẩu đang tăng.

"Việt Nam đã có hoạt động xuất khẩu mạnh trong giai đoạn nhu cầu nước ngoài ở mức rất yếu. Ngoài ra, việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động khá tích cực cho Việt Nam từ cả góc độ thương mại tới góc độ tái cơ cấu bắt buộc như một phần của hiệp định," ông Alex Wolf nhận định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật