Người ta ai rồi cũng phải lớn

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không phải ký, vì nó không hoàn toàn là thật. Không phải truyện, vì nó không hoàn toàn là giả. Viết lãng đãng cho … một điều gì đó còn khắc khoải trong lòng.
Người ta ai rồi cũng phải lớn
Ảnh minh họa

Nó sắp 1‌8 tuổ‌i. Chính xác thì nó được 17 tuổi 7 tháng và 6 ngày. Nhưng nó thích được ưỡn ngực rống lên rằng nó sắp 1‌8 tuổ‌i. Bởi vì, 1‌8 tuổ‌i nghĩa là nó đã trưởng thành. Oai lắm chứ. Làm người lớn ấy. Nhưng đôi khi nó cũng không chắc lắm là nó có muốn làm người lớn hay không. Đôi khi nó vẫn tự hỏi mình, làm người lớn có gì vui không nhỉ? Dĩ nhiên nó chưa có câu trả lời, bởi vì nó vẫn còn chưa là người lớn được. Nó chỉ mới 17 tuổi 7 tháng và 6 ngày thôi.

Nó đứng trước gương và ngắm mình thật kỹ. Con bé trong gương nhìn nó mĩm cười. Cái nụ cười sao … trẻ con đến thế. Nó mím môi tự hỏi: “Làm người lớn rồi, nó còn biết mĩm cười thế này chăng?” Một ngày nào đó, nó sẽ có câu trả lời; nó chỉ lo lắng, lúc ngày đó đến, nó có còn nhớ đặt câu hỏi ?!

Hôm nay là ngày đầu tiên nó trở lại trường học. Hôm nay cũng là ngày cuối cùng của mùa hè cuối cùng trong đời học sinh của nó. Nó sắp bước vào lớp 12.

Nó từ bãi giữ xe của trường đi ra thì đụng ngay Lân, thằng bạn tri kỷ đang thong thả đi vào. Hắn trợn mắt nhìn nó. Nó hất đầu, cười:
– Khỏe không? Hè rồi ông biến đi đâu vậy?
Hắn dường như là không nghe nó nói gì hết, chong chong nhìn nó và phán một câu xanh rờn.
– Bà đó hả? Vậy mà tui cứ tưởng thằng “boy” nào chứ.
Nó ngượng ngùng đưa tay lên vuốt mái tóc tém mới hớt tuần trước, rồi bất thần vỗ lên vai hắn một cái thật mạnh.
– “Boy” cái đầu ông.
Hắn nhăn nhó:
– Ồ, hình như tui lầm thiệt. Đúng là một thằng “boy” nào đó chứ không phải nhỏ bạn của tui.
Nó đưa nắm đấm dứ dứ vào mặt hắn:
– Còn giỡn…
Hắn cười cầu tài:
– Lâu ngày không gặp bà, không nói giỡn cho vui chẳng lẽ… chửi lộn.
Nó trề môi:
– Ông mà dám chửi lộn với tui.
– À, trước thì không biết chứ ngay bây giờ tui biết tui chỉ cần nói một câu thôi là bà nổi xung lên liền.
– Câu gì?
– Cái đầu bà cắt xấu quắc.
Nó trợn mắt, chưa kịp phản ứng thì hắn đã nhanh miệng nói thêm.
– Nhưng bà mặc áo bỏ vào thùng vậy trông… được hơn.
– Thiệt?
– Thiệt.
Rồi hắn nháy nhó cười.
– Trông giống mấy bé cấp 2.
Lần này thì hắn không đợi phản ứng của nó đã lủi đi mất dạng. Nó chỉ còn biết đứng trơ đó và cười trừ. Rồi nó đút tay vào túi quần, ngông nghênh bước qua sân trường để lên phòng học.

Hôm nay chưa phải là ngày khai giảng chính thức nên bọn học sinh chúng nó không bị bắt buộc mặc áo dài, cũng không cần mặc đồng phục thể dục của trường. Ban đầu nó cũng định chơi quần jeans với áo thun rồi. Chẳng hiểu sao lúc mở tủ quần áo, nhìn bộ đồng phục thời cấp 2, nó thấy bâng khuâng và nhớ nhớ một cảm giác gì đó, rất xa. Nó khoác lên người chiếc quần tây xanh và áo sơ mi trắng, xắn tay áo lên cao đến ngang khuỷu tay. Nó nhìn mình trong gương và mĩm cười thích thú. Lâu lắm rồi nó không thấy mình như một cô bé con với chiếc đuôi gà lỏng nhỏng đung đưa sau ót, ánh mắt ngang tàng, cái hất đầu kênh kiệu và vẻ bất cần đời rất… trẻ con; hình như từ ngày nó vào cấp 3.
Buổi đầu tiên vào trường, chúng nó chỉ làm mỗi 3 việc: chép thời khóa biểu, thay đổi chỗ ngồi và… nghe thông báo về học phí cùng các khoản tiền phụ trội. Chẳng có mấy đứa chịu ngồi im nghe thầy chủ nhiệm nói gì trên bục giảng. Mọi người còn đang bận tán láo. Không trách chúng được, gần 3 tháng qua không gặp nhau, quả thật, chúng có rất nhiều chuyện để… khoe. Nó cũng đang hỏi dồn dập nhỏ bạn thân, người đi học luyện thi đại học suốt 3 tháng hè vừa rồi. Lớp 12, năm cuối cấp, chúng nó phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Trong đó, cái đáng quang ngại nhất đương nhiên là cánh cửa vào đại học. Nó không quá lo lắng, nhưng biết thêm nhiều thông tin thì cũng không hẳn là thừa. Chúng nó đang rôm rã bàn luận. Thầy chủ nhiệm tằng hắng làm chúng phải ngưng ngang để ngước nhìn lên.

– Thầy muốn tất cả các con đứng lên và ra xếp hàng ngoài hành lang lớp học.

Chúng nó nhìn nhau, chắc mẫm: “Bị phạt đứng nguyên buổi rồi.” Chẳng đứa nào tỏ ra bẽn lẽn như kẻ phạm lỗi bị người ta bắt gặp. Chúng nó đã quen. Cái lớp này nguyên là con ghẻ của trường, nơi tập hợp những thành phần “bất hảo” và “bất trị”. Nó thản nhiên đi xuống cuối hàng bên phía nữ, dù nó chẳng phải là người cao nhất. Nó thích được đứng chót. Cảm giác có người phả hơi vào sau gáy mình quả không thoải mái chút nào.
Sau khi hàng ngũ đã chấn chỉnh ngay ngắn, thầy nhìn chúng nó và hỏi:
– Ai trong các con bị cận thị và cần ngồi ở những bàn đầu?
Một hai đứa nhìn nhau và bước ra. Thầy bảo họ:
– Các con tự rải ra ngồi bàn đầu tiên của 3 dãy ghế.
– Ngồi ở đâu cũng được ạ?
– Ừ, chỗ nào các con thấy thích và thấy thuận tiện. Thầy để các con tự mình quyết định. Các con lớn rồi, phải học cách tự quyết định.
Chúng nó nhìn thầy, ngạc nhiên. Thầy không để ý đến ánh mắt của chúng nó, thản nhiên quay ra nói tiếp:
– Giờ đến các con trai. Các con gần 1‌8 tuổ‌i rồi, nghĩa là các con đang bắt đầu trưởng thành, nên thầy sẽ nói chuyện với các con như những người lớn với nhau. Mình là đàn ông, mình cần nhường nhịn phụ nữ và phải biết ga-lăng. Các bạn nữ mặc áo dài đi học, các con rõ ràng thấy là nó rất vướng víu, nếu các bạn ấy ngồi ở phía trong thì sẽ rất bất tiện mỗi lúc cần bước ra ngoài. Thầy không bắt buộc các con làm việc này việc kia nhưng thầy tin, các con là những người biết suy nghĩ nên các con sẽ biết việc gì mình nên làm, phải không?

Lần đầu tiên trong suốt 3 năm học chung, nó thấy đám con trai bẽn lẽn cúi đầu len lén nhìn nhau. Rồi không ai bảo ai, cả đám bước vào lớp, không tranh giành, không phân bua, chúng tủa ra mỗi đứa ngồi một bàn chứ không tụm lại, ở hai dãy bàn bên hông thì chúng ngồi vào chỗ sát tường, còn dãy bàn chính giữa thì chúng ngồi vào chỗ ở giữa. Sau đó không lâu, nó có hỏi Lân về chuyện này.
– Lần đó mấy ông có âm thầm bàn với nhau trước không?
– Làm gì có.
– Tui nhớ mấy ông đâu thích ngồi những chỗ khó chịu đó. Hai năm kia cãi cọ với đám con gái suốt.
– Giờ cũng đâu có thích.
– Vậy sao lần đó lại tự nguyện chọn?
– Vì nó là chuyện nên làm.
– Hồi xưa không thấy nó là chuyện nên làm?
– Không thấy.
– Giờ tự nhiên thấy?
– Ừ.
Nó ngẫm nghĩ và chợt nhận ra một điều. Người ta thường không biết lúc nào mình “lớn” cho đến khi người khác đối xử với mình như “một người lớn”.

Sau đám con trai, đến lượt con gái vào lớp nhận chỗ. Nó không cần liếc dọc liếc ngang, nó hiên ngang đi thẳng xuống cái bàn cuối cùng trong cái góc cuối cùng của lớp học, nơi nhóm bạn nó đã tề tụ đông đủ. Hồi nãy đứng ngoài hành lang, tụi nó đã ngầm trao đổi với nhau rồi.

Như một sự thật hiển nhiên, người ta ai cũng phải có một nhóm bạn nào đó để “thuộc về”. Nơi người ta tìm đến để biết mình là ai và cảm thấy mình không hề lạc lỏng trong thế giới này. Nó cũng có một nhóm bạn. Một nhóm bạn thật sự nhưng đôi lúc nó vẫn thấy mình lạc lỏng đến không ngờ.

Lúc đi ngang chỗ ngồi cũ, nó thấy Tấn, thằng bạn chung bàn năm ngoái, đang nháy mắt với nó và chỉ xuống chỗ trống bên cạnh hắn:
– Chỗ của bà.

Nó nhìn hắn và thấy mình vui vẻ ngồi xuống. Sau đó nhóm bạn chất vấn nó, giận dỗi trách móc sao nó lại tách ra riêng. Nó chỉ cười và xin lỗi rối rích. Nó không thể nói cho họ hiểu cái cảm giác bình an khi ngồi gần Tấn.

Xin đừng vội hiểu lầm. Tấn không phải là người trong mộng của nó. Nó không phải là đối tượng mà hắn nhắm đến. Hai đứa cũng chẳng tỏ vẻ gì là bạn của nhau. Bước ra khỏi khuôn viên cái bàn học, hai đứa như hai người xa lạ, không bao giờ bắt chuyện thậm chí là không nhìn nhau nửa con mắt. Tại sao ư? Nó vẫn nghĩ, cố tình kết thân với một người con trai trong khi biết rõ người con gái mà hắn đang đeo đuổi cực kỳ ghét mình nghĩa là… sĩ nhục người con trai ấy. Tấn không phải là hạng người đáng bị sĩ nhục.

Phải đến những tháng cuối năm học, Tấn mới bắt đầu chủ động nói chuyện với nó và tụi nó mới công khai là bạn. Tại sao ư? Hắn đã thôi đeo đuổi cô bạn kia. Nhưng điều nó vẫn thắc mắc lại là chuyện khác.
– Tại sao ngày xưa ông lại thích ngồi chung bàn với tui?
– Vì tui thấy dễ chịu.
– Nhưng Hồng thì không mấy dễ chịu à.
– Có hai điều Hồng không bao giờ thay đổi được dù có trở thành bạn gái của tôi hay không.
– Hai điều gì?
– Tình cảm của tôi dành cho Hồng. Và cách nhìn người của tui.
Nó định hỏi xem thật ra hắn nhìn nó ra sao, nhưng cảm thấy hình như điều đó là… không cần thiết. Nó ngập ngừng một lúc rồi mới hỏi tiếp.
– Tôi hỏi ông thêm một điều này nữa được không?
– Bà cứ hỏi.
– Ông biết chuyện cá độ của đám con trai trong lớp về tôi.
Hắn ngạc nhiên.
– Bà cũng biết?!?
Nó chỉ cười chứ không trả lời.
– Tại sao ngày xưa ông nhất định không chịu nhường chỗ ngồi cho bọn hắn?
Hắn chậm rãi trả lời.
– Vì tôi thấy bà không đáng bị đem ra cá độ.
Nó im lặng nhìn Tấn, quan sát một cách khá tò mò. Hắn thấy nhột nên quắc mắt hỏi nó.
– Nhìn cái gì?
Nó mĩm mĩm nháy nháy mắt.
– Tôi biết ông có thể là một người bạn nhưng không ngờ ông còn là một người bạn tốt.
Hắn nhún vai và cười hề hề.
– Ai nói tôi là bạn của bà.
Nó trợn mắt lên nhìn hắn, xong cũng phải bật cười thích thú. Vậy là, nó có thêm một người bạn.
Nhưng đó là chuyện của 6 tháng sau.
Ngày 2 tháng 9, cả khối 12 lục đục kéo nhau vào trường để học quân sự. Suốt ba ngày sau đó, tụi nó phải chịu trận, ngồi trân mình ngoài sân trường hứng nắng, hứng bụi và… hứng những lời giảng về cứu thương cùng lắp ráp súng trường.

Để đảm bảo tất cả học sinh đều có cơ hội thực hành, người ta chia các lớp ra làm hai đội, một buổi sáng và một buổi chiều. Nó rơi vào đội buổi chiều. Trong hai ngày đầu, nó không gặp được thầy chủ nhiệm bởi vì thầy chỉ đến trường vào buổi sáng. Nhưng theo lời đội buổi sáng thì… thầy rất tuyệt vời. Tuyệt vời làm sao? Nó không mường tượng được. Chỉ biết rằng, chưa hết khóa học quân sự, toàn bộ đám con gái trong đội buổi sáng đã đồng loạt ngồi thầy bằng “bố”. Họ nói, thầy như một người cha thứ hai vậy.

Nó cực kỳ thắc mắc.

Ngày 4 tháng 9, khóa học quân sự cuối cùng đã… gần kết thúc. Buổi sáng, tất cả khối 12 đều phải vào trường để… thi. Đó là lần đầu tiên nó gặp thầy sau cái hôm vào trường nhận lớp.

Thầy ra tận sân sau và xin phép vị sĩ quan để được nói chuyện riêng với nó. Nó vốn là lớp trưởng. Thầy dẫn nó lên lớp học. Lúc đi ngang sân trường nơi đám học sinh của những lớp khác đang ngồi la liệt chờ đến lượt thi, thầy dừng lại từng nơi và xin phép từng vị sĩ quan để hai người có thể lấy lối đi lên cầu thang. Nó nói nhỏ.
– Thầy đâu cần phải xin phép trịnh trọng như vậy.
– Con nói vậy là sai. Nếu những việc nhỏ nhặt mà con không cố gắng làm cho đúng đắn thì làm sao có thể làm tốt những việc lớn hơn.
Nó nhìn quanh và thấy đám học sinh đang trố mắt nhìn thầy… kinh ngạc. Chắc tụi nó nghĩ, thầy sao dư hơi làm chuyện không đâu. Thậm chí mấy vị sĩ quan cũng lúng túng không tự nhiên khi trả lời thầy. Nó lại nói nhỏ.
– Nhưng người ta đâu xem trọng điều thầy đang làm.
– Chỉ cần mình biết việc mình đang làm là đúng. Người khác nghĩ gì không quan trọng.

Nó im lặng, khẽ cúi đầu. Thầy vừa dạy nó một bài học làm người. Nó không chắc mình tiếp thu được bao nhiêu nhưng nó biết một điều, nó sẽ không bao giờ quên bài học này. Nó nhìn dáng thầy từ phía sau lưng. Và tự nhiên nó hiểu tại sao đám bạn gái đều gọi thầy bằng “bố”. Thầy rất giống một người cha thứ hai.

Sau khi hai thầy trò vào đến lớp học, thầy bắt đầu nói với nó về tình hình của lớp. Nó thật sự kinh ngạc. Thầy chỉ mới nhận lớp có ba ngày. Nó là lớp trưởng suốt hai năm. Vậy mà, những điều thầy biết còn nhiều hơn nó hiểu.

Qua thầy, nó mới biết, hóa ra người có hoàn cảnh khó khăn nhất lớp không phải là Hằng mà là Tố Châu. Người xứng đáng được lãnh học bổng “Giúp bạn hiếu học vượt khó” của trường không nên là Ngân mà nên là Thanh. Thậm chí thầy còn biết, lớp của nó có 6 bạn mà bố mẹ đã ly hôn (trong khi nó nghĩ chỉ có 3); rồi có 3 bạn chỉ còn lại bố hoặc chỉ còn lại mẹ (nó chỉ biết có 1). Cuối cùng, thầy kết luận.

– Con cần quan tâm đến tình hình lớp nhiều hơn. Con là lớp trưởng. Các bạn cần con. Thầy hy vọng con có thể quản lý được lớp học. Nhưng mà con yên tâm, con không bao giờ một mình. Bất cứ lúc nào cần, con hãy đến tìm thầy. Thầy luôn sẵn lòng giúp con.

Nó nghe thầy nói và chợt buồn, bởi vì nó vừa nhận ra, nó mãi mãi không thể gọi thầy tiếng “bố” như những người bạn khác. Người ta chỉ gọi “bố” khi người ta muốn mình trở nên bé nhỏ, mỏng manh và cần sự bao bọc. Nó thì không thể. Thầy hoàn toàn không muốn nó trở nên bé bỏng.

Nó lại nghiệm ra một điều, người ta thường không biết lúc nào mình “lớn” cho đến khi người khác nhìn mình và mong đợi mình trở thành “người lớn”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật