Lâm Đồng: Chè cổ về đâu?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vài năm qua, những gốc chè cổ gần trăm năm tuổi tại Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã lọt vào tầm ngắm của các “đại gia” sành chơi bonsai, cây kiểng. Nạn đào trộm gốc chè lúc âm ỉ, lúc bùng phát đã khiến vùng chè cổ này lâm nguy.
Lâm Đồng: Chè cổ về đâu?
Một gốc chè cổ có nguy cơ… thành “điểm ngắm” của kẻ gian

Tan hoang vùng chè cổ

Vùng chè cổ Cầu Đất được người Pháp trồng vào năm 1926 gắn với việc hình thành sở trà đầu tiên tại Việt Nam, hiện nay còn lại khoảng 45ha do Công ty CP Chè Cầu Đất quản lý, khai thác. Ngoài giá trị kinh tế, vùng chè cổ này còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với ngành chè Việt Nam, là địa chỉ tham quan thú vị của du khách mỗi khi lên Đà Lạt.

Vậy nhưng, từ khi thú sưu tầm gốc chè cổ làm bonsai, cây kiểng rộ lên thì vùng chè cổ này không còn yên bình. Trở lại vùng chè cổ vào dịp này, những người tâm huyết với việc bảo tồn chè cổ không khỏi xót xa khi thấy cảnh những gốc chè bị bứng đi, để lại nhiều hố đất loang lổ, nhánh cành bị chặt bỏ nằm ngổn ngang.

Bên cạnh đó là hàng chục gốc chè có đường kính gốc từ 30 - 40cm, tán rộng 2 - 3m, thân rêu mốc đã bị cắt cành, bới gốc, có cây đã được quấn bầu đất chưa kịp tuồn đi vẫn còn nằm phơi nắng, phơi sương.

Ông Nguyễn Đăng Phương, Giám đốc Công ty CP Chè Cầu Đất cho biết, nạn đào trộm chè đã âm ỉ từ nhiều năm qua nhưng gần đây rộ lên với hàng loạt vụ quy mô lớn, số lượng người tham gia đông, có vụ đến 20 người, đào trộm 20 gốc trong một đêm. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, kẻ trộm đã đào mất khoảng 300 gốc chè cổ.

Chè cổ vào chậu cảnh

Theo tìm hiểu, những tay trộm chè cổ hầu hết là người dân địa phương (ở các xã Xuân Trường, Trạm Hành) hoặc từ thị trấn Dran (huyện Đơn Dương) và TP Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). Họ lập thành nhóm, tối thiểu là 4 người để lẻn vào vườn đào trộm, khiêng gốc chè ra khỏi khu vực Cầu Đất là có đầu nậu đến chở đi.

Tùy theo kích cỡ gốc và dáng cây mà các đầu nậu trả công cho người đào từ 500.000đ đến 2 triệu đồng/gốc. Sau khi mua được gốc chè, đầu nậu mang về cho vào chậu lớn, đường kính 1 – 1,5m để chăm sóc, cắt tỉa cành rồi mang đi tiêu thụ với giá 5 – 7 triệu đồng/gốc, thậm chí những gốc to, tán đẹp còn được “hét” giá 10 – 15 triệu đồng. Đa số khách hàng mua chè cổ là từ TPHCM và các “đại gia” sành chơi bonsai ở Đà Lạt.

Trong vai người đi lùng mua chè cổ cho người quen, chúng tôi ghé một điểm tập kết gốc chè tại huyện Di Linh (trên quốc lộ 20, đường Đà Lạt đi TPHCM). Ông chủ chừng 50 tuổi mời chào: “Mua đi chú, loại này vừa đẹp, vừa dễ chăm, đang mốt đấy. Lấy loại vừa thì 3 triệu đồng, loại đẹp 5 triệu đồng…”.

Sau khi nhìn qua một lượt không thấy những gốc chè to như ở Cầu Đất, chúng tôi hỏi dò thì được ông chủ cho biết: Ở đây chỉ bán gốc chè đào ở khu vực Di Linh, Bảo Lộc, gốc nhỏ và thân cao hơn. Loại chè gốc to, tán rộng, dáng vẻ rêu phong, cổ mốc thì chỉ có ở vùng Cầu Đất – Đà Lạt. Loại đó thỉnh thoảng mới có mối đến gửi bán, giá cao hơn chè cổ Di Linh nhiều…

Theo quan sát của chúng tôi, hai bên quốc lộ 20 qua các huyện Đức Trọng, Di Linh và thị xã Bảo Lộc có đến cả chục điểm bán gốc chè cổ như vậy.

Tại Đà Lạt, điểm bán gốc chè cổ không nhiều và “kín đáo” hơn các điểm bán trên quốc lộ 20, nhưng nếu có nhu cầu thì cũng không khó khăn lắm để kiếm một gốc chè về làm cảnh.

Chè cổ vẫn ra đi

Ông Nguyễn Đăng Phương cho biết, công ty rất khó đối phó với những kẻ đào trộm vì hầu hết họ là người địa phương, am hiểu địa hình và đường đi lối lại. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ của công ty lại mỏng, chỉ 5 người bảo vệ 45ha chè cổ. Kẻ trộm lại thường lợi dụng thời điểm đêm khuya hoặc lúc trời mưa gió để hành nghề nên việc tuần tra gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, chính quyền hai xã Xuân Trường và Trạm Hành cũng chưa hỗ trợ tích cực cho Công ty CP Chè Cầu Đất trong việc ngăn chặn và xử lý nạn trộm chè cổ. Có trường hợp dùng máy cày vận chuyển gốc chè cổ bị bắt quả tang, tạm giữ phương tiện và tang vật giao cho Công an xã Xuân Trường xử lý. Nhưng do “thẩm quyền công an xã hạn chế”, không có kho bãi nên chỉ vài ngày sau, Công an xã Xuân Trường đã thông báo trả lại phương tiện cho chủ, trả gốc chè về cho Công ty Chè Cầu Đất cùng với lời hứa “đang kết hợp với Công an TP Đà Lạt tiếp tục điều tra làm rõ vụ án”.

Từ đó đến nay đã nhiều tháng trời trôi qua nhưng vụ việc vẫn chưa tiến triển. Không hài lòng với cách xử lý của địa phương, Công ty CP Chè Cầu Đất đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Công an TP Đà Lạt vào cuộc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật