Lê Công Vinh - người đàn ông khóc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bóng đá thường xuyên mang đến những điều nghiệt ngã nhất: Đó là bàn thắng ở phút bù giờ, ở chính những thời khắc cuối cùng của trận đấu. Nó có thể khiến kẻ thắng vỡ òa, hoặc khiến cho phía bên kia tưởng chừng đã nắm chắc chiến thắng, bỗng tuột khỏi.
Lê Công Vinh - người đàn ông khóc
Ảnh minh họa

Trận đấu tuyển Việt Nam - Iraq đêm 8.10 đã minh chứng cho sự nghiệt ngã ấy. Tuyển Việt Nam có bàn thắng của Công Vinh nhưng đánh mất chiến thắng ở đúng những giây cuối cùng. Công Vinh cũng có phần lỗi trong bàn thua ấy và hình ảnh đọng lại là khuôn mặt đẫm nước mắt của đội trưởng đội trưởng đội tuyển Việt Nam…

Từ giọt nước mắt tuổi thơ cay đắng

Nhìn Lê Công Vinh như quỳ xuống sân cỏ, đầu cúi gằm như giấu đi những giọt nước mắt tiếc nuối sau trận đấu ấy, tôi nhớ lại cũng hình ảnh Lê Công Vinh khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt cách đây tròn 8 năm.

Đó là một buổi chiều tháng 10.2007, trước khi đội tuyển U.23 dưới sự dẫn dắt của A.Riedl sang Thái Lan dự SEA Games 24, Công Vinh hẹn tôi tại Trung tâm HLTTQG (Nhổn). Có lẽ đây là lần đầu tiên, Vinh chia sẻ với báo giới những gì thuộc về bí mật, về tuổi thơ cay đắng của mình, về những vật lộn trong giai đoạn đầu của sự nghiệp. Đó là những câu chuyện hoàn toàn bất ngờ về người cha của Công Vinh từng bị kết án, đi tù tới 8 năm chỉ vì nghe người ta xúi đi vận chuyển chất ma túy. Đó là câu chuyện về mẹ, bà Tuệ từng là văn công xinh đẹp nổi tiếng khu IV nhưng vì con nhỏ, chồng đi tù đã phải tự bươn trải bằng cách vào tận vùng Quỳ Châu buôn đá đỏ. Đó là những câu chuyện về người bạn câm điếc từ thiếu thời, về cô em gái đầy cá tính Khánh Chi (sau này là một hotgirl) hay chị Ngọc phải vào tận Đắc Lắc kiếm sống (cho đến bây giờ dù là có em trai là một cầu thủ nổi tiếng, Ngọc vẫn đi bán vé số kiếm sống qua ngày)…

Xem lẫn hồi ức ấy, Vinh khóc. Khóc như để trải lòng. Không dễ để một chàng trai, lúc ấy đã rất nổi tiếng như Công Vinh có thể khóc tự nhiên đến như vậy, trước một người xa lạ, là tôi.

Sau cuộc gặp gỡ ấy, loạt bài “Tuổi thơ cay đắng của Lê Công Vinh” với 6 kỳ ra liên tiếp. Kỳ đầu tiên có cái tít trên trang nhất: “Lê Công Vinh và chuyện người cha đi tù”. Tháng 11.2007, Vinh gặp tôi ở Korat - Thái Lan, Vinh chỉ nói: “Em cũng sốc vì tít bài ấy, nhưng không sao, vì nó đúng là sự thật”.

Tuổi thơ đầy dữ dội và cay đắng, con đường sự nghiệp của Vinh cũng trắc trở. Vinh luôn bị so sánh với Quyến, luôn bị xếp ở… chiếu dưới hay nói cách khác “chỉ là cái bóng” của Quyến. “Tôi đã từng có lúc như phát điên, đập đầu vào tường vì cảm thấy những gì mình cố gắng đã không được ghi nhận…” Vinh nói như thế và điều quan trọng là cầu thủ này không buông xuôi. “Quyến bẩm sinh - Vinh khổ luyện” là câu nói cửa miệng của nhiều người yêu bóng đá Nghệ An. Đó cũng là hai cách để người ta đi đến thành công và thực tế Vinh đã chứng minh được một thứ chân lý bóng đá: Khổ luyện mới là con đường đi đến thành công lâu bền chứ không phải bẩm sinh. Ở tuổi 31, Vinh vẫn thi đấu tốt, vẫn đủ sức so tài với những cầu thủ đôi mươi là nhờ chế độ sinh hoạt, luyện tập chuyên nghiệp tới mức khổ luyện của mình.

Giọt nước mắt thắng - thua

Hóa ra, Công Vinh là người… hay khóc nhất V.League. Một chấn thương nặng trong màu áo CLB Hà Nội mùa bóng 2012, Công Vinh bật khóc khi nhân viên khiêng cáng đưa anh ra khỏi sân. Ngày chia tay SLNA, trận đấu cuối cùng V.League năm 2013, sân Vinh mưa như trút nước. Đứng dưới trời mưa sầm sập và để nước mưa quất vào mặt, Công Vinh đưa hai tay chào từ biệt NHM Nghệ An và khóc…

Thế nhưng hình ảnh Lê Công Vinh khóc tu tu sau trận đấu lượt về bán kết AFF Cup 2014 sau thất bại trước Malaysia khiến dư luận “nổi sóng”. Tại giải đấu đó, trong trận lượt đi tuyển Việt Nam đã thắng 2-1 và tưởng chừng sẽ dễ dàng chiến thắng ở lượt về trên Mỹ Đình. Cuối cùng thì tuyển Việt Nam thua 2-4 và bị loại. Thua một cách tức tưởi, Công Vinh đã không giấu được những giọt nước mắt của mình.

Nhưng bóng đá nghiệt ngã ở chỗ đó, thắng thua đôi khi chỉ chênh nhau tích tắc. Sân Mỹ Đình là nơi ghi dấu Công Vinh. Đây chính là nơi A.Riedl nhìn ra một Công Vinh tài năng từ JVC Cup 2003 để lần đầu gọi Vinh vào đội tuyển U.23. Sân Mỹ Đình cũng là nơi Lê Công Vinh đánh đầu tung tưới Thái Lan ở những giây cuối cùng trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 lần đầu đưa tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch.

Và ở trận đấu đêm 8.10, Cũng lại là sân Mỹ Đình, cũng lại là những giây cuối cùng, cũng lại là trận đấu mà Công Vinh ghi bàn nhưng lần này khác biệt: ĐT Việt Nam đánh mất 3 điểm ở những giây cuối. Trước tình huống Thanh Hiền để bóng chạm tay, Công Vinh đã bất cẩn đưa bóng vào giữa sân thay vì cần phải đá ra biên câu giờ. Một quả penalty có phần nghiệt ngã với đội tuyển của ông Miura và với riêng Công Vinh.

Và Vinh lại khóc, không biết đây là lần thứ bao nhiêu Vinh khóc. Đó là giọt nước mắt của tiếc nuối, của trách nhiệm, là những giọt nước mắt mà bóng đá Việt Nam đang rất cần. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật