Tú tài Trung Quốc với “Hội chứng hậu thi cử”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có lẽ mùa hè năm nay là mùa hè dài nhất và “xả láng“ của Han Yuheng - cậu tú tài 1‌8 tuổ‌i ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Cậu không còn phải làm bài tập, không phải đến lớp luyện thi. Cậu còn những ba tháng trời “ăn chơi“ trước khi nhập trường ĐH.
Tú tài Trung Quốc với “Hội chứng hậu thi cử”
Thí sinh ở Trùng Khánh "cụng ly" với thầy giáo (giữa) sau khi thi xong ĐH. (Ảnh: CFP)

“Hội chứng hậu thi cử”

Sau hai tuần lễ ngủ và lướt mạng miệt mài, Han bắt đầu thấy chán. Han đọc văn học cổ điển Trung Quốc vốn là sở thích của cậu nhưng những tác phẩm này cũng chẳng "lôi kéo" cậu được lâu. Buổi sáng Han đi chạy bộ nhưng cũng thấy thật buồn tẻ. Cậu chơi game online nhiều tiếng đồng hồ cho đến khi mẹ cậu nổi cáu. Trước đây Han thường than phiền về bài vở chất đống và không có thời gian rảnh. Giờ thì cậu có nhiều thời gian để tha hồ sử dụng nhưng Han lại bối rối chẳng biết làm gì.

Tình cảnh của Han cũng là tình cảnh chung của nhiều tú tài Trung Quốc sau khi tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH ngày 7-9/6 vừa qua. Những điều Han đang phải chịu đựng được các nhà tâm lý gọi là “hội chứng hậu thi cử”.
 

Hai thí sinh ở tỉnh Hà Bắc ôm nhau vui mừng sau khi hoàn thành bài thi (Ảnh: CFP)

Theo Yin Zongyu, cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục quận Tây Thành (Bắc Kinh), đặc điểm chính của “hội chứng hậu thi cử” là các thí sinh cảm thấy quá thư giãn và tham gia vào nhiều hoạt động giải trí như xem đĩa DVD, chơi game trên máy tính, chat và la cà quán bar buổi tối.

Một số nhà hàng lẩu ở Trùng Khánh đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các lớp tốt nghiệp trung học sau kỳ thi ĐH, thậm chí họ đặt trước cả tuần. Các bác sĩ ở Trùng Khánh cho biết hàng năm họ đều tiếp nhận nhiều tú tài say rượu sau khi thi xong ĐH. Với hầu hết những thí sinh này, đây là lần đầu tiên họ uống rượu và giải trí suốt đêm. 

Khảo sát trực tuyến của trang web báo Nhân dân nhật báo về chủ đề "Bạn làm gì sau khi thi ĐH" cho thấy 77,2% trong số 13.411 người được hỏi cho biết họ ngủ, tiệc tùng và tham gia các hoạt động giải trí khác. Chỉ 15% cho biết họ xin tư vấn về du học và chuẩn bị cho cuộc sống ĐH. Đặc biệt, chỉ 7% dành thời gian tìm hiểu và quyết định ngành học ở ĐH.

Ruan Dandan, SV năm thứ nhất ở Quảng Châu, cho biết cô đã ngủ li bì suốt mấy ngày sau khi thi xong ĐH hồi năm ngoái. Cô cảm thấy chẳng có việc gì để làm trừ việc ngủ suốt ngày và xem tivi. Ruan cảm tưởng như mọi suy nghĩ và phản xạ của cô đều chìm xuống và cô đang mất phương hướng trong cuộc sống. Nhiều bạn bè cùng lớp của Ruan cũng có chung cảm giác này sau khi thi ĐH.
 

Thí sinh ở TP Thành Đô hớn hở sau khi hoàn thành kỳ thi ĐH. (Ảnh: CFP)

Trong khi đó cũng có nhiều thí sinh bị trầm cảm. Ruan Miaoyu, SV năm thứ hai trường ĐH Trung Sơn (Quảng Châu), cho biết cô từng trải qua một thời kỳ khó khăn sau khi thi xong ĐH. Có lúc cô cảm thấy tự tin và hy vọng sẽ đạt kết quả tốt, lúc khác cô lại tràn lên nỗi lo lắng trượt thi. Bố mẹ Miaoyu thì liên tục hỏi cô đã làm bài thế nào, điều này khiến cô càng thêm bối rối và mất ngủ nhiều đêm.

Còn Ye Zhining (hiện là SV một trường ĐH ở Hong Kong) đã đóng cửa giam mình trong nhà và ngồi tưởng tượng lại xem mình đã trả lời các câu hỏi như thế nào sau khi thi ĐH. Cậu không làm bài tốt lắm và chìm vào nỗi thất vọng. Cậu không thể vui vẻ và rất sợ bị người khác coi thường nếu trượt thi.

Đối phó cách nào?

Nhà tâm lý Cui Yonghua ở bệnh viện Anding Bắc Kinh khuyên rằng các sỹ tử nên giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình bằng cách trò chuyện với bố mẹ và bạn bè. Nhờ đó, họ sẽ tạm quên đi những ký ức thi cử.

Liu Yingqiu, giáo viên trung học ở Thẩm Dương, cho rằng các thí sinh nên lên kế hoạch đi chơi nếu không muốn ngồi nhà đợi ba tháng dài dằng dặc trôi qua đến khi nhập học. 

Các thí sinh có thể theo đuổi những sở thích hoặc rèn kỹ năng mới như học tiếng Anh, tin học, một môn thể thao mới, học lái xe hoặc tìm việc làm thêm. Cô bạn Liu Sihua (hiện là SV năm thứ nhất trường ĐH Liêu Ninh, Thẩm Dương) là một ví dụ tiêu biểu.
 

Một thí sinh ở tỉnh Hồ Nam ôm mẹ vì mừng đã thi xong ĐH. (Ảnh: CFP)

Liu Sihua cũng từng chịu "hội chứng hậu thi cử". Cô kể rằng trước khi thi thì được bố mẹ và thầy cô ra sức động viên. Còn khi thi xong thì Sihua cảm thấy trống rỗng và cô đơn vì không ai an ủi mình. May mắn là trước khi nhập học ĐH, Sihua làm trợ giảng tại một trung tâm dạy tiếng Anh trong một tháng. Mỗi ngày, Sihua dậy lúc 6 giờ sáng và đi 30 phút xe buýt đến chỗ làm. Nhờ đó, cô cảm thấy như thể mình vẫn đang trải qua những ngày đi học phổ thông, chỉ khác là bây giờ cô phải làm việc nửa ngày. Sihua thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn nhiều. Dù bị mẹ phàn nàn nhưng cô vẫn thích làm vì có thể kiếm thêm thu nhập.

Các chuyên gia giáo dục gợi ý rằng các thí sinh cũng nên dành thời gian chuẩn bị cho cuộc sống ĐH. Trên thực tế, nhiều thí sinh gặp khó khăn trong việc bắt nhịp với trường học vì đã chơi quá nhiều trong kỳ nghỉ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật