Bình Dương phát triển du lịch nhà vườn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với lợi thế có nhiều khu vực với những loại cây đặc sản như măng cụt, bòn bon, bưởi… lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã quyết định chú trọng phát triển du lịch vườn, du lịch sinh thái.
Bình Dương phát triển du lịch nhà vườn
Du lịch vườn ở Bình Dương.

Bình Dương là nơi có nhiều vườn cây ăn trái ngon với những trái cây đặc sản như măng cụt, bưởi, bòn bon. Lại có lợi thế có ba con sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé là điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh vừa xây dựng những khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dọc theo các con sông, vừa có thể phát triển loại hình du lịch mạo hiểm thu hút nhiều du khách...

Cách đây 3 năm, UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 - 2016. Từ sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều hộ nông dân khôi phục vườn cây ăn trái Lái Thiêu trên địa bàn thị xã Thuận An, tạo ra hiệu ứng tốt, giúp hàng trăm hộ nông dân tại Bình Dương khôi phục lại vườn cây ăn trái.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thành công thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, sắp tới là bưởi Bạch Đằng sẽ giúp nhiều hộ nông dân bắt đầu tính toán đến việc làm du lịch dựa trên lợi thế vườn cây ăn quả của gia đình.

Để phát triển du lịch theo hướng bền vững vừa phù hợp với địa lý vùng, truyền thống và bản sắc vừa có tính khoa học, từ năm 2014, tỉnh đặt hàng trường đại học KHXH&NV TP HCM nghiên cứu đề án “Phát triển du lịch sinh thái và làng nghề tỉnh Bình Dương”.

Cuối tháng 8/2015, tỉnh Bình Dương phối hợp với trường này tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giải pháp cấp thiết để phát triển du lịch sinh thái và làng nghề tỉnh Bình Dương trong tình hình hiện nay”.

Cuộc tọa đàm dựa trên kết quả nghiên cứu của đề án trên. Trên cơ sở nghiên cứu hai vùng sinh thái vườn với trái cây đặc sản là bưởi Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên và măng cụt xã An Sơn, thị xã Lái Thiêu, cuộc tọa đàm rút ra những phương thức phù hợp để phát triển du lịch vườn ở đây. Đó là xây dựng du lịch sinh thái trên môi trường sinh thái tự nhiên của nhưng phải chú ý đến sinh thái môi trường từng nơi. 

Hiện nay xã Bạch Đằng đã thành lập Tổ hợp tác trồng bưởi với hàng chục thành viên. Diện tích vườn bưởi gần 10 ha. Nhiều hội viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đặc sản bưởi, nhiều hộ nông dân ở đây cũng đã bắt đầu sáng tạo thêm những món ăn như: Gỏi bưởi, rượu bưởi, kẹo bưởi... nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Còn ở xã An Sơn, thị xã Thuận An đang có hàng trăm ha măng cụt thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan.

Tuy nhiên, do tính chất của thời vụ, mùa măng cụt chỉ kéo dài 6 tháng, sau mùa trái cây, vùng Lái Thiêu không còn đặc sản gì bán cho du khách nên rất khó thu hút khách đến tham quan, mua sắm. Do đó, bà con nông dân xã An Sơn đang tiến hành đa dạng hóa các loại trái cây, giúp vùng đất màu mỡ này có hoa trái bốn mùa để thu hút du khách tham quan.

Tỉnh Bình Dương đang đặt quyết tâm xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, coi du lịch là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành du lịch tỉnh đến năm 2020 dự toán khoảng 11.700 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 5.400 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 6.300 tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật