Phe đối lập Syria muốn Mỹ cấp tên lửa đối phó cường kích Nga

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phe đối lập Syria kêu gọi Mỹ trang bị tên lửa phòng không sau khi cho rằng họ là mục tiêu của các vụ không kích Nga đang tiến hành ở Syria.
Phe đối lập Syria muốn Mỹ cấp tên lửa đối phó cường kích Nga
Cường kích Su-25 của Nga tham gia không kích ở Syria. Ảnh: Military

Ngày 2/10, Washington Post dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết chính phủ Mỹ đang xem xét đề xuất viện trợ tên lửa phòng không của phe nổi dậy Syria, sau khi liên tiếp nhận được lời kêu cứu từ lực lượng này rằng họ đang trở thành mục tiêu trong các cuộc không kích của Nga.

’Cầu cứu" của phe đối lập Syria

Hôm qua, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo cho biết các máy bay ném bom Nga đã thực hiện 14 vụ không kích trong một ngày, tiêu diệt "nhiều mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria", trong đó có một xưởng sản xuất bom và nhiều xe quân sự ở tỉnh Idlib, một sở chỉ huy ngầm của "quân khủ‌ng b‌ố" ở thị trấn al-Latamna thuộc tỉnh Hama, cùng một số mục tiêu khác ở Raqqa, sào huyệt của IS tại Syria.

Tuy nhiên, một tuyên bố chung của Mỹ và các đồng minh Pháp, Đức, Qatar, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ Anh được đưa ra sau đó cho rằng những cuộc không kích của Nga ở tỉnh Hama, Homs và Idlib "không nhắm vào mục tiêu IS" mà chủ yếu tập trung vào lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn. "Những hành động quân sự này đang làm leo thang tình hình và chỉ làm bùng thêm ngọn lửa cực đoan".

Tuyên bố chung này kêu gọi Nga ngừng việc không kích vào lực lượng nổi dậy ôn hòa và "tập trung nỗ lực vào chiến đấu chống lại IS". Lực lượng "nổi dậy ôn hòa" là khái niệm được Mỹ đưa ra nhằm chỉ những chiến binh Syria được CIA tuyển chọn và huấn luyện, trang bị vũ khí để tạo thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và IS.

Đại úy Mustafa Moarati, người phát ngôn lữ đoàn Tajamu al-Izza, một nhóm nổi dậy ôn hòa được Mỹ huấn luyện, cho biết các vị trí của họ ở thị trấn Latamneh đã bị trúng 15 quả bom trong ngày hôm qua, ngày thứ ba không quân Nga không kích liên tiếp vào khu vực này. Ông Moarati khẳng định không có phiến quân IS hay Mặt trận Nusra, lực lượng có liên hệ với al-Qaeda, trong thị trấn.

"Họ làm điều này vì hai lý do. Thứ nhất, vì chúng tôi là bạn bè với Mỹ và họ muốn thách thức Mỹ. Thứ hai, nhằm xóa sổ lực lượng nổi dậy trên mặt đất, để cho thế giới thấy rằng chính quyền as‌sad chỉ đang chiến đấu với phiến quân Hồi giáo, và đó là lý do khiến ông ấy phải tồn tại", Moarati nhận định.

Chỉ huy nổi dậy này cho biết lữ đoàn của ông đã nhận được tên lửa chống tăng TOW theo chương trình viện trợ ngầm của Mỹ, nhưng chưa được trang bị bất cứ loại vũ khí phòng không nào. Trước việc liên tục bị các máy bay ném bom Nga dội bom, ông Moarati cho rằng đơn vị của mình đang có "nguy cơ bị xóa sổ".

Hassan Haj Ali, chỉ huy lữ đoàn nổi dậy Suqour al-Jabal, cho biết đơn vị của ông đã nhiều lần cầu cứu Mỹ thông qua những người trung gian. "Chúng tôi cần một trong hai thứ. Hoặc là một chính sách rõ ràng của Mỹ nhằm ngăn chặn Nga ném bom người Syria, hoặc họ gửi cho chúng tôi tên lửa phòng không để chúng tôi có thể đối đầu với máy bay Nga".

Các cuộc không kích của Nga ở Syria tới ngày 1/10. Đồ họa: ISW/BBC

"Nếu họ không giúp, người của chúng tôi sẽ mất niềm tin vào họ, và sẽ càng làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan".

Hôm thứ năm, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của phương Tây cho rằng các cuộc không kích của Nga chủ yếu nhắm vào phe đối lập Syria chứ không phải IS, và đã gây ra thương vong về dân thường, RT đưa tin. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng họ luôn nhắm vào IS ở Syria, và tất cả các cuộc không kích đều dựa trên thông tin tình báo chính xác, tập trung vào các mục tiêu cách xa khu dân cư.

Trước đây, phe đối lập Syria đã nhiều lần kêu gọi Mỹ viện trợ tên lửa phòng không để chống lại chiến đấu cơ của quân đội chính phủ Syria. Mỹ đã bác bỏ những yêu cầu này vì lo ngại số tên lửa đó có thể rơi vào tay IS hoặc Nusra và được sử dụng để chống lại máy bay của chính Mỹ và liên quân.

Mối đe dọa với máy bay Nga

Theo các chuyên gia quân sự, một trong những hệ thống phòng không hiện đại của Mỹ có thể phù hợp với điều kiện tác chiến trên chiến trường Syria là tên lửa vác vai Stinger, hay còn gọi là FIM-92A, một loại vũ khí đơn giản, gọn nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm đối với các loại máy bay và trực thăng vũ trang.

Đóng vai trò chủ lực trong chiến dịch không kích hiện nay ở Syria của Nga là đội máy bay cường kích Su-25, loại máy bay có ưu thế về khả năng yểm trợ mặt đất và ném bom ở tầm gần. Khi đối phương không có các loại vũ khí phòng không hiện đại, Su-25 sẽ là một mối đe dọa cực lớn, bởi nó có khả năng bay chậm và mang theo nhiều bom đạn.

Ông Matt Schroeder, chuyên gia phân tích tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, cho rằng sự xuất hiện của tên lửa phòng không Stinger sẽ là một thay đổi lớn trên chiến trường. Nếu phe đối lập Syria sở hữu tên lửa Stinger, không quân Nga sẽ không còn dễ dàng thực hiện các vụ không kích có độ chính xác cao nữa.

Stinger là loại tên lửa vác vai có trọng lượng nhẹ, với tổng trọng lượng của tên lửa và ống phóng chỉ vào khoảng 15 kg, trong đó mỗi quả tên lửa chỉ nặng khoảng 10 kg. Stinger hoạt động theo cơ chế bắn-và-quên (tên lửa tự tìm đến mục tiêu mà không cần đến bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài), được trang bị đầu dò hồng ngoại thụ động không phát ra sóng vô tuyến trong quá trình tìm kiếm mục tiêu trên không.

Lính Mỹ sử dụng một hệ thống tên lửa vác vai Stinger. Ảnh: USAS

Với tốc độ, sự linh hoạt và độ chính xác cao, Stinger trở thành nỗi kinh hoàng đối với bất cứ loại máy bay tầm thấp nào. Theo tính toán của hãng sản xuất Raytheon (Mỹ), tỉ lệ thành công của Stinger là hơn 90%, nghĩa là cứ khoảng một tên lửa bắn ra là có một máy bay bị hạ.

Vào thập niên 1990, CIA đã từng cung cấp 1.500-2000 quả tên lửa Stinger cho lực lượng Mujahideen chống lại quân đội Liên Xô trên chiến trường Afghanistan. Các báo cáo của CIA cho thấy trong giai đoạn đó, mỗi ngày lại có một máy bay quân sự Liên Xô bị Stinger bắn hạ, cả trực thăng vũ trang và máy bay chiến đấu Mig.

Hiện Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc trang bị tên lửa phòng không cho phe nổi dậy Syria. "Đó là một câu hỏi phức tạp và câu trả lời thậm chí còn phức tạp hơn. Bất cứ quyết định nào chúng tôi đưa ra cũng sẽ có những luồng ý kiến phản đối, không chỉ từ phía Mỹ mà còn từ các nước đồng minh", một quan chức quân sự giấu tên của Mỹ chia sẻ.

Trong khi Mỹ chần chừ chưa ra quyết định, các đơn vị quân nổi dậy Syria đang tìm kiếm nguồn cung cấp tên lửa phòng không khác, đó là các quốc gia Arab láng giềng không có thiện cảm với chính quyền của ông as‌sad.

"Các lãnh đạo phe đối lập chúng tôi đang họp để bàn biện pháp đối phó. Chúng tôi hy vọng các nước Arab sẽ đáp ứng yêu cầu của phe đối lập, cung cấp tên lửa phòng không để chúng tôi có thể tự bảo vệ mình trước chiến đấu cơ của Nga", Bashar al-Zoubi khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Reuters.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật