“Nhập nhèm” xã hội hóa công trình giáo dục và lạm thu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khoản thu xã hội hóa của nhiều trường thật sự đã trở thành áp lực đầu năm cho không ít phụ huynh, trở thành chuyện nhập nhèm với lạm thu.
“Nhập nhèm” xã hội hóa công trình giáo dục và lạm thu
ảnh minh họa

Vài năm trở lại đây, việc xã hội hóa giáo dục được các trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cho công tác dạy và học. Tuy nhiên, không ít cơ sở giáo dục vẫn chưa thực hiện đúng quy định, đưa ra nhiều khoản thu lớn và chưa có được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh học sinh. Từ lý do này, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc, hoài nghi. Họ sợ nếu làm không khéo, việc xã hội hóa giáo dục sẽ tiếp tay cho tình trạng lạm thu.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao việc Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh bị phụ huynh phản ánh lạm thu. Theo thông tin phản ánh, năm học 2015-2016, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3 của trường quy định mỗi phụ huynh trong lớp nộp 3 triệu đồng tiền ủng hộ sắm sửa nhiều hạng mục cho nhà trường.

Cụ thể, 1,5 triệu đồng sử dụng hỗ trợ các hạng mục cơ sở vật chất cho 5 năm học của mỗi học sinh. 1,5 triệu đồng còn lại là tiền khen thưởng và hỗ trợ các hoạt động trong suốt năm học. Mặc dù nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3 đã lên tiếng giải thích và khẳng định đây là khoản thu tự nguyện, nhưng thông tin trên vẫn chưa đủ thuyết phục.

Sau đây là ý kiến của một vài phụ huynh xung quanh khoản thu trên của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu mà phóng viên VOV ghi nhận được:

 “- Tôi nghĩ khoản thu tự nguyện 3 triệu quá áp lực cho phụ huynh. Gia đình mà có 2 em đi học như vậy sẽ là khoản thu quá cao bởi vì đầu năm phụ huynh còn phải lo nhiều chi phí và nhiều khoản thu khác nữa.

- Tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện mà phụ huynh đóng chứ nếu đưa một mức cào bằng như vậy rất khó. Nhiều gia đình khá giả đóng 20, 30 triệu cho con là chuyện bình thường; nhưng với nhiều gia đình, 3 triệu đối với người ta cũng là một khoản cần cân nhắc lại.

- Phụ huynh nộp cho nhà trường cũng nghi ngờ lắm. Người ta không biết khi lấy tiền ra chi tiêu những khoản đó thì có đúng như vậy không”.

Sau buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Phòng Giáo dục – Đào tạo Quận 7 phát hiện nhiều điểm trái quy định trong quá trình thu tiền ủng hộ các công trình của cha mẹ học sinh, nên đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp 1/3 phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã thu của phụ huynh trước đó.

Hiện phòng Giáo dục – Đào tạo Quận 7 đã có văn bản báo cáo vụ việc của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu lên Ủy ban nhân dân quận để xin ý kiến chỉ đạo.

Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo Quận 7 cho biết: “Thu tự nguyện nhưng phải đúng với tinh thần. Có nghĩa là phụ huynh tự nguyện đóng góp chứ không phải Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định mức đóng 1,4 hay 1,6 triệu cho mỗi phụ huynh. Sau khi thông báo cho toàn trường và phụ huynh về những hạng mục chuẩn bị trang bị cho nhà trường, Ban đại diện và nhà trường phải xin ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp là phòng giáo dục – đào tạo hay ủy ban nhân dân quận. Cách làm của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chưa đúng với quy định”.

Không riêng gì Trường Tiểu học Võ Thị Sáu mà nhiều trường học khác tại thành phố, Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng đang mắc phải những sai sót này. Một phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Hồng Hà ở quận Bình Thạnh cho biết, vào ngày họp phụ huynh đầu năm học 2015-2016, chị phải đóng 1,2 triệu đồng hỗ trợ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và trường. Được biết sang học kỳ 2, số tiền phải đóng cho mục này là khoảng 600 ngàn đồng. Tất cả các khoản thu đều không có giấy tờ, chỉ đưa ra lấy ý kiến biểu quyết tại cuộc họp.

Phụ huynh này bức xúc: “Mình cũng muốn lên tiếng nhưng là số ít, sợ lên tiếng con sẽ bị đối xử nên thôi im lặng, đằng nào mình cũng phải đóng tiền”.

Đa phần các phụ huynh bức xúc đều cho rằng, họ không hài lòng với cách làm việc nhập nhằng của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp cũng như trường vì mặc dù mang tiếng tự nguyện nhưng chưa có sự đồng thuận cao. Khoản thu xã hội hóa của nhiều trường thật sự đã trở thành áp lực đầu năm cho không ít phụ huynh.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nói: “Việc xã hội hóa cần thực hiện đúng theo các hướng dẫn, thông tư, quy định để đảm bảo rằng công tác xã hội hóa này phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy và học tập. Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, phụ huynh muốn đóng góp thực hiện các công trình cho nhà trường thì mọi việc phải được bàn bạc trong phụ huynh từ cấp lớp đến cấp trường và phải được thống nhất ở đại hội ban đại diện cha mẹ học sinh. Sau khi đã thống nhất sẽ thông báo rộng rãi đến toàn thể phụ huynh học sinh của trường. Sự đóng góp hoàn toàn tự nguyện, không mang tính cào bằng”.

Việc Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường hỗ trợ nhà trường xã hội hóa giáo dục thông qua các hạng mục công trình là chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, nếu lạm thu và làm sai quy định, công tác này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín nhà trường

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật