Mức phạt cao có thể vượt quá thẩm quyền của lực lượng tuần tra trực tiếp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc tăng nặng một số hành vi vi phạm giao thông tại Dự thảo Nghị định thay thế, bổ sung Nghị định 171-CP và Nghị định 107-CP vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Không ít địa phương cho rằng, tăng nặng sẽ gây khó khăn cho công tác xử phạt, chấp hành của người dân, song cũng không ít người lý giải, tăng nặng sẽ góp phần răn đe, tạo “sức nặng” để ý thức chấp hành Luật Giao thông được nâng lên.
Mức phạt cao có thể vượt quá thẩm quyền của lực lượng tuần tra trực tiếp
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt vi phạm nồng độ cồn đang được đề xuất quá cao

Hành vi uống rượu bia bị đề nghị xử phạt quá nặng?

Sáng 21-9, tại hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định thay thế này, đại diện Phòng CSGT tỉnh Nghệ An cho rằng, nhiều mức phạt đưa ra trong dự thảo là quá cao, không khả thi. Cụ thể, xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, dự thảo đề nghị phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng với mức 2 (nồng độ cồn từ 50 - 80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở), tước giấy phép lái xe (GPLX) 4 - 6 tháng (mức cũ phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng).

Theo đại diện Phòng CSGT tỉnh Nghệ An, phần lớn người vi phạm nồng độ cồn đều ở mức 2, tuy nhiên, mức phạt 8 - 12 triệu đồng vượt quá thẩm quyền của lực lượng tuần tra trực tiếp. “Nếu vi phạm ở mức 2, theo dự thảo sẽ phạt từ 8-12 triệu đồng, mức phạt tiền này thuộc thẩm quyền của Giám đốc Công an tỉnh. Nhưng như vậy thì mỗi tỉnh, thành phải có đến 10 giám đốc mới ký hết được các quyết định xử phạt này. Đề nghị quy định mức 8 triệu đồng như nghị định 171 trước đây”, đại diện Phòng CSGT Nghệ An kiến nghị. 

Cùng quan điểm này, Thiếu tá Bùi Đức Thuận, Phó trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh cho rằng, trong dự thảo Nghị định mới có nhiều mức phạt vượt quá thẩm quyền của cấp Phòng CSGT, Trưởng Công an các quận, huyện… Khi phải trình lên Giám đốc công an tỉnh sẽ gây phiền hà lớn cho công tác xử phạt. Thiếu tá Bùi Đức Thuận cho hay, với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (tước GPLX từ 10 - 12 tháng) cũng cần cân nhắc lại, bởi vì mưu sinh nên lái xe có thể sẽ cố tình vi phạm, chạy chui lủi, đe dọa đến ATGT hơn. 

Sẽ tiếp thu và chỉnh sửa phù hợp

Trung tá Đặng Thanh Phong, Phó trưởng phòng CSGT Bắc Ninh bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, 5 năm mà có tới 5 lần sửa đổi Nghị định là khá nhiều. Bên cạnh đó, một số hành vi như lắp đặt còi vượt quá âm lượng theo quy định sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng sẽ khó khả thi. Rồi hành vi điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc bị phạt 3 triệu đồng cũng còn bất cập, bởi thực tế một số tuyến đường cao tốc không làm đường gom cho người dân đi lại. Do đó, nếu xử phạt thì chẳng khác nào CSGT phải đối đầu với người dân. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, tăng mức phạt để răn đe người vi phạm giao thông là đúng, nhưng phải cân nhắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Đặc biệt, việc sửa Nghị định cần tính kỹ, nếu không sát với thực tế sẽ sớm phải sửa đổi lần nữa, gây khó khăn cho chính lực lượng xử phạt.

Ông Nguyễn Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, dự thảo hướng tới 3 mục tiêu chính là tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau và bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới ATGT nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt. 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, những hành vi tiềm ẩn là nguyên nhân xảy TNGT gây hậu quả nghiêm trọng cần phải nâng mức xử phạt để răn đe, như hành vi uống rượu bia khi lái xe, chở hàng quá tải. Song, lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận, “Mức xử phạt cao nhưng khi giải quyết phải trình qua nhiều cấp thì hiệu quả cũng không cao”. Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp và hoàn thiện dự thảo Nghị định. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, quan điểm của tổ soạn thảo Nghị định lần này là phải dựa trên phương diện phát triển của đất nước và qua quá trình thực tiễn ở địa phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật