Bị rắn độc vào nhà tấn công

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngủ dậy, vừa đưa chân xuống giường, bé trai 3 tuổi nhà ở Bình Thuận đã giẫm phải một con rắn độc và lập tức bị cắn vào chân. Cú “đớp” khiến cậu bé phải nhập viện trong tình trạng lơ mơ.
Bị rắn độc vào nhà tấn công
Vết rắn cắn gây hoại tử. Ảnh: Minh Tiến.

Tại khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, vết thương sưng bầm, nổi bóng nước, ứ máu bầm đen hoại tử.

Do độc chất đã phát tán, các bác sĩ đã điều trị bằng oxy cao áp để giảm thiểu tổn thương và hoại tử mô. Kết quả sau một tuần điều trị, sáng nay, vết cắn mới bớt sưng, bệnh nhi dần tỉnh táo.

Gia đình cho biết, thủ phạm là một con rắn hổ mèo dài gần 2 m - một loại rắn độc thường xuất hiện ở các bụi rậm quanh nhà.

Tại Tây Ninh, khoảng 20 ngày trước, một học sinh lớp 5 cũng bị rắn cắn khi bước chân xuống giường, may mắn đây là loại rắn không độc. Một trẻ khác ở Định Quán, Đồng Nai, cũng bị rắn tấn công khi cho tay vào hộc bàn tìm bút.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Nhi Đồng 1, khẳng định, trường hợp cháu bé ở Bình Thuận mà bệnh viện vừa cứu sống không phải là ca đầu tiên vào bệnh viện vì bị rắn cắn ngay trong nhà.

Theo bác sĩ Tiến, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhất là vào mùa hè, những gia đình ở vùng quê cần phát hoang bụi rậm xung quanh nhà, tránh khi trời mưa to rắn chạy trú ẩn trong nhà. Nếu bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần theo dõi sát như là một trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 6 giờ sau khi bị nạn.

Rắn thường không chủ động tấn công người, nhưng theo các bác sĩ khi thời tiết quá nóng hoặc mưa quá nhiều, rắn có thể chui vào nhà trú. Trong trường hợp này, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cần cẩn thận hơn trước khi bước xuống giường, cho tay vào tủ quần áo...

Nếu chẳng may bị hoặc nghi ngờ bị rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế. Đặt nạn nhân nằm ở tư thế mà vị trí bị rắn cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc. Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước. Phủ gạc mát lên vết cắn để giảm đau, sưng và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế sớm là những việc cần xử trí nhanh.

Không nên băng bó kín phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi. Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì dễ gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật