Bộ lạc có đôi mắt của loài cá

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người dân thuộc bộ lạc Moken sinh sống dọc vùng biển Andaman giữa Thái Lan và Myanmar được cả thế giới biết đến bởi khả năng kỳ lạ: nhìn rõ mọi vật ở dưới nước bằng… mắt thường.
Bộ lạc có đôi mắt của loài cá
Một gia đình người Moken

Điều gì đã tạo nên khả năng siêu việt ấy? Phải chăng chính cuộc sống gắn liền với biển đã ban cho người Moken đôi mắt của loài thủy tộc?

Nhìn rõ mọi vật dưới nước

Nếu người bình thường lặn xuống đáy biển mà không đeo kính lặn hoặc mặt nạ thì đôi mắt gần như bị mù. Hình ảnh nhìn thấy sẽ rất mờ bởi mắt người vốn chỉ thích nghi với môi trường không khí. Thế nhưng, người Moken có thể nhìn thấy rõ những con sò, trai, hải sâm và cả con ốc nhỏ xíu ở độ sâu 3 - 4m nước mà không cần đến mặt nạ hay kính bơi.

Từ bao đời nay, người Moken đã sử dụng khả năng này để tìm kiếm thức ăn dưới đáy đại dương. Giới khoa học gọi họ là “Bộ lạc có đôi mắt của loài cá”.

Moken là một bộ lạc thổ dân bán di cư. Họ sinh sống dọc bờ biển Andaman thuộc hải phận của Thái Lan và Myanmar. Các nhà khoa học tin chắc rằng, tổ tiên của người Moken đã gắn chặt cuộc sống với biển, từ đời này sang đời khác, họ xem biển là đất liền và nhà của họ là những chiếc thuyền.

Sau thảm họa sóng thần xảy ra tại châu Á năm 2004, người ta đã vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng không có người Moken nào là nạn nhân của sóng thần cả. Có lẽ sự hiểu biết và kinh nghiệm sinh sống trên biển đã giúp họ thoát khỏi thảm họa kinh hoàng đó.

Thế nhưng, người ta lại không thể giải thích được vì sao cả những em bé 5 - 7 tuổi trong bộ lạc này cũng có được khả năng nhìn rõ mọi vật dưới nước như các loài thủy tộc. Trong môi trường nước, mắt của các em tinh gấp 3 lần mắt của trẻ em Châu Âu, vì thế có thể phân biệt được những vật thể đường kính nhỏ hơn 1,5mm. Điều gì đã tạo nên khả năng kỳ lạ này?

Bí quyết được phát hiện

Mãi đến mới đây, sau khi trở lại bờ biển Andaman lần thứ 3, nhóm nghiên cứu của GS.Anna Gislen thuộc Trường Đại học Y khoa thành phố Lund (Thụy Điển) mới phát hiện ra bí quyết nhìn dưới nước của người dân bộ lạc Moken: Khi lặn, họ đã thu hẹp đồng tử lại. Ngoài ra, họ còn có khả năng nén thuỷ tinh thể để cho chúng trở nên dày hơn, nhờ thế có thể bẻ cong được dòng ánh sáng đi vào. Hai quá trình này giúp cho hình ảnh dưới nước trở nên sắc nét hơn trong mắt họ.

Theo nhóm nghiên cứu, có được khả năng này là do sự thích ứng của mắt người Moken trong môi trường nước hơn hẳn mắt người bình thường. Tất cả các loài động vật có vú, kể cả con người đều hiện hữu cơ chế đặc biệt này nhưng ở nhiều cấp độ khác nhau. Và có thể, đối với người Moken, sự đáp ứng của phản xạ được phát triển mạnh và ngay lập tức bởi một số dây thần kinh thị lực.

Howard Howland, nhà sinh học thần kinh thuộc Đại học Cornell (New York, Mỹ) lý giải, kỹ năng thu hẹp đồng tử và nén thủy tinh thể để nhìn rõ mọi vật dưới nước là hoàn toàn có thể học được, dù là học một cách vô thức. Kỹ năng này dần dần được tiến hóa lựa chọn cho các thế hệ sau. Điều này giúp giải thích tại sao trẻ em Moken ngay từ khi còn nhỏ cũng đã ít nhiều có kỹ năng này.

Theo các nhà khoa học, trong giai đoạn dưới 10 tuổi, khả năng thu hẹp đồng tử, nén thuỷ tinh thể của các em vẫn còn tương đối yếu, nó sẽ mạnh dần lên khi đến tuổi trưởng thành. Những nghiên cứu về đôi mắt đặc biệt của người Moken cho thấy khả năng đáp ứng của con người với môi trường thiên nhiên để tồn tại là vô tận./.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật