Làng đổi mạng sống... lấy gạo

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng sớm, chúng tôi lên xe về thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị). Qua những con đường mới mở, trên từng phiến đá lô nhô, đến 8 giờ sáng chúng tôi mới đặt chân tới đình làng. Người lớn đã đi làm hết, chỉ còn lại những đứa trẻ và các cụ già.
Làng đổi mạng sống... lấy gạo
Ảnh minh họa

Nghề... gia truyền

“Sợ chứ... nhưng bọn trẻ lớn lên như bản năng rồi cũng làm như cha, như anh chúng. Chẳng ai cấm, không có cái ăn nên phải liều mà làm thôi...” - anh Hoàng, một người từng rà phế liệu ở làng này thở dài. Từ khi bị mìn nổ cụt mấy ngón tay, kèm căn bệnh tim, anh Hoàng không đi nhiều như trước mà “truyền nghề” lại cho con.

Nói đến cái chết ai cũng rùng mình nhưng đối với người dân nơi đây, tin người nào đó thiệt mạng cũng không gây bất ngờ vì cuộc sống của họ luôn phải đối mặt với cái chết. Họ buộc phải truyền nghề cho con, bởi đi rà phế liệu kiếm được 15.000-20.000 đồng/ngày, còn ở nhà biết lấy gì mà ăn. Gần như toàn bộ trẻ em trong làng được “đào tạo nghề” từ khi mới 10 tuổi.

Theo hướng dẫn của anh Hoàng, chúng tôi chạy xe về phía rừng cách làng khoảng 15 km. Ở đấy, anh em Nguyễn Văn Vấn (12 tuổi) và Nguyễn Văn Hóa (13 tuổi) trong bộ quần áo lem luốc đang rà phế liệu. Đây là năm thứ ba hai em đi rà phế liệu. Bố của các em đã mất vì cái nghề các em đang sống nhưng hai em lại tiếp tục theo nghề để nuôi thân và đỡ đần mẹ.

Trở lại khu làng, chúng tôi gặp chị Trần Thị Gái, mẹ của hai em nêu trên. Chị cho biết: “Hôm nay tôi mệt nên để hai cháu đi với nhau. Cha chúng mất được một tuần, tui đã phải đi tiếp chứ không đành ngồi nhà nhìn mấy đứa nhỏ đói ăn. Tui cũng biết là nguy hiểm cho các cháu nhưng biết sao giờ...”.

Chị Mai Thị Thương, người trong làng tâm sự chị đã tận mắt chứng kiến cái chết của chồng lúc rà bom. Khi đó, chị cùng đi với anh nên bị mảnh đạn văng vào tay nhưng may mắn sống sót. Giờ chị vẫn phải bám trụ với nghề để nuôi con và bốn đứa con của chị đều đi rà phế liệu như chị.

Kiếp mồ côi

Đi quanh làng, điều khiến chúng tôi bất ngờ là những câu trả lời na ná nhau khi hỏi những đứa trẻ về bố mẹ chúng: “Bố mẹ cháu mất rồi...”.

Trong một căn nhà lụp xụp, mệ Hường đang chuẩn bị bữa ăn cho hai đứa cháu ruột và bốn đứa con của chị hàng xóm tên là Chìa. Bữa cơm chỉ có đĩa muối, hai miếng đậu hũ, một đĩa rau muống. Vậy mà bọn trẻ vẫn giành nhau chí chóe khiến mệ Hường phải chia phần.

“Cha mẹ chúng mất rồi. Trước đây, tui cũng đi rà phế liệu nhưng giờ già yếu nên chuyển qua nhặt ve chai, lâu lâu mới đi một bữa... Chị Chìa cũng đi rà phế liệu cách làng hơn 50 km, phải dựng trại 13-14 ngày trong rừng nên nhờ tui nuôi con giùm...” - mệ Hường cho biết. Nhìn mấy đứa con của chị Chìa, mệ trầm ngâm: “Chúng mà lớn thêm chút nữa rồi cũng sẽ đi rà phế liệu giúp mẹ chứ bây giờ mẹ nó đôi lúc phải nhịn đói nuôi con”.

Không đi rà phế liệu nhưng mỗi sáng, những đứa con của chị Chìa (nhỏ nhất năm tuổi, lớn nhất chín tuổi) đều thức dậy từ sớm, đi bộ 7 km ra thị trấn Cam Lộ nhặt ve chai... “Mong mau lớn để đỡ đần giúp mẹ” là ước mơ của con lớn chị Chìa.

Em Tuyền, 14 tuổi bộc bạch: “Mỗi ngày đi rà em chỉ mong tìm được nhiều phế liệu, còn chuyện... chết chóc thì chẳng để ý”. Bà ngoại của Tuyền, 87 tuổi, ngồi dưới mái nhà thủng lỗ chỗ, một nửa được che bằng bạt nói: “Con rể tui chết rồi, giờ chỉ còn mẹ nó. Tui ở nhà nhìn hai mẹ con đi rà phế liệu mà chỉ biết cầu trời...”.

Trời đã về chiều, những đứa trẻ trong làng lại ùa ra đón mẹ, đón anh chị. Và những đứa trẻ không còn cha mẹ thì ngồi co ro bên hiên nhà khiến ai trông thấy cũng cảm thấy xót xa.

Chúng tôi chia tay khu làng với những đứa trẻ mồ côi, những người vợ mất chồng. Sớm mai, những người phụ nữ, những đứa trẻ lại tiếp tục lên đường, tiếp tục công việc mưu sinh mà không biết ngày mai có còn thấy ánh bình minh...

Ông HOÀNG PHƯƠNG, Trưởng thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền: Một thôn mà có trên chục người chết vì rà phế liệu

Cả thôn có 172 hộ dân thì có đến 54% hộ nghèo. Gần 100% người dân ở đây sống bằng nghề rà phế liệu, có trên chục người chết vì nghề này. Chính quyền cũng đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền cho bà con nhưng người dân không thể bỏ nghề. Đất canh tác ít nên họ chỉ biết làm nghề ấy dù vẫn biết đi rà phế liệu cũng như ra chiến trường...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật