Cò viên chức giáo dục lộng hành ở Thủ đô

Applecat Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Bây giờ giá sàn tụi nó phát ra đã là 200 triệu đến 250 triệu rồi. Trên này đang có phong trào chạy ác lắm, giá ngày càng cao“.
Cò viên chức giáo dục lộng hành ở Thủ đô
Trung tá Nguyễn Văn Dũng, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự và Hải, người “dẫn mối“ đến ông Dũng gặp gỡ phóng viên

Cuối tháng Tám, thông qua một giáo viên mầm non đang được mời “chạy” viên chức với giá 150 triệu ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tôi được gặp ông Triệu (công an viên xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn).

Sau giờ làm việc, tại cửa Ủy ban xã Hồng Kỳ, ông Triệu tiếp chúng tôi khá nhiệt tình, hào hứng khoe khoang về độ chắc chắn của đường dây chạy viên chức mà ông là một mắt xích, đã “giúp” được nhiều người vào viên chức ngành giáo dục…

150 triệu - 250 triệu đồng/phi vụ

Quán nước đông người, ai cũng dễ dàng nghe thấy cuộc trao đổi nhạ‌y cả‌m của chúng tôi, nhưng chẳng ai quan tâm, trừ bà chủ quán tên Duyên.

Ông Triệu nói oang oang: “Hơi tiếc cho nhà em, trước đây khoảng nửa tháng em gặp anh thì chỉ mất 120 triệu là ngon. Giờ mới chạy thì phải chấp nhận cái giá hơi cao. Nhớ là phải bằng giỏi trở lên, bằng trung bình và khá thì đừng chạy năm nay, khó lắm”.

Tôi hỏi: “Tại sao lại khó, anh có biết không?”.

Ông Triệu đáp: “Vì họ cơ cấu đủ rồi. Năm nay làm chặt hơn các năm trước. Nếu chấp nhận chạy thì 150 triệu dành cho bằng giỏi nhé! Anh không trực tiếp làm, nhưng thằng em con nhà bà dì của anh sẽ đưa em xuống tận nhà người trực tiếp giúp được. Anh chưa thấy ông này trả lại tiền bao giờ, chắc chắn nhúng tay vào là đỗ. Họ thu trước 70%, thành công thì thu nốt, không đỗ trả lại không thiếu một xu”.

Nói rồi ông Triệu gọi điện thoại cho người em tên Hải, hiện làm lái xe của một công ty trên địa bàn H.Sóc Sơn. Hải hẹn tôi 10g trưa 25/8 có mặt tại một địa điểm trước cửa khu đô thị Ciputra (Q.Tây Hồ - Hà Nội) để gặp người trực tiếp nhận tiền chạy viên chức nhà nước.

Ông Triệu vừa đi, chúng tôi chưa kịp rời quán nước thì bà Duyên gọi lại nói: “Giá đấy không chạy được đâu. Bây giờ giá sàn tụi nó phát ra đã là 200 triệu đến 250 triệu rồi. Trên này đang có phong trào chạy ác lắm, giá ngày càng cao.

Huyện Sóc Sơn vừa đuổi một lô giáo viên mầm non không được vào biên chế nhà nước, các giáo viên này đang cuống cuồng chạy khắp nơi, nên giá cao lắm. Em cứ thử gặp xem có ăn thua gì không, chứ theo chị thì giá đó không thành công đâu.

Ở xã này, thằng Triệu chả tên tuổi gì mà chạy được. Phải là H. bạn chị, quan hệ nó rộng. Nếu em muốn thì chị gọi nó ra đây để kết nối".

Vừa nói, bà Duyên vừa bấm điện thoại gọi cho ông H., nhưng ông này bận trông cháu không ra được, bảo chúng tôi vào nhà. Do tôi phải đi gấp, nên bà Duyên thống nhất, sáng hôm sau sẽ trả lời tôi về việc kết nối với đầu mối của ông H.

Đúng hẹn, bà Duyên gọi điện thoại bảo tôi lên gặp mặt trực tiếp người có khả năng chạy trót lọt rất nhiều viên chức ở H.Sóc Sơn. Bà Duyên nói, tôi sẽ phải giao hồ sơ, giao tiền luôn để làm cam kết giữa các bên…

Nếu thành công, bà Duyên sẽ nhận khoảng năm triệu tiền hoa hồng. Nếu không thành công, chúng tôi không mất đồng nào. Giá của “phi vụ” này là 250 triệu.

"Không đỗ trả lại tiền"

Trở lại với đường dây của ông Triệu. Khoảng 11g trưa ngày 25/8, tại quán cà phê số 236 đường Hoàng Quốc Việt, chúng tôi tiếp cận với người trực tiếp giao, nhận tiền. Khác với sự lộ liễu, công khai khi gặp ở H.Sóc Sơn, người thanh niên tên Hải tỏ ra hết sức cảnh giác.

Anh ta chủ động chọn quán cà phê và vị trí kín đáo, đón tôi ngay từ cửa, kèm tôi từng bước, đề phòng bị ghi âm, ghi hình. Hải ngồi ghế đối diện, xếp tôi ngồi cùng một thanh niên bặm trợn. Người thanh niên này chỉ có duy nhất một nhiệm vụ là “canh me” tôi và chiếc điện thoại.

Không mất nhiều thời gian chờ đợi, cuối cùng nhân vật chính cũng xuất hiện trong bộ sắc phục của quân đội. Anh ta đeo lon trung tá, trước ngực có một tấm biển nhỏ xíu đề tên Nguyễn Văn Dũng.

Hải giới thiệu: “Đây là người anh mà em đã nói với chị từ trước. Anh ấy sẽ giúp người nhà chị vào được viên chức H.Sóc Sơn”… Trung tá Dũng bắt tay tôi, giật mấy cái thật mạnh rồi ngồi xuống ghế. Người thanh niên đi cùng Hải vỗ vai tôi hỏi: ”Điện thoại có ghi âm không đấy?”. Tôi nói: “Hết pin mà”, rồi chìa ra cho anh ta kiểm tra. Sau khi thấy “an toàn”, ông Dũng mới bắt đầu “vào việc”.

Ông Dũng hỏi thẳng: “Em có nhu cầu chạy cho ai? Biết giá cả chưa?”, tôi đáp:“Anh Triệu nói giá của anh đưa ra là 150 triệu. Em thấy mọi người trên đó đang mời em chạy với giá 200 đến 250 triệu, em lo là giá của anh đưa ra không đúng. Em không biết tỷ lệ thành công là bao nhiêu phần trăm?”.

Ông Dũng cười nhạt, nói: “Anh mà ra tay có khi giá không đến 150 triệu đâu. Em đừng tin bọn nó vống giá trên trời như thế. Năm nay sẽ coi chặt hơn rất nhiều đấy. Anh có thể khẳng định, qua cửa anh là chắc chắn nhất. Tỷ lệ thành công là 99,9%. Không đỗ trả lại tiền”.

Ông Dũng cho biết, hiện ông là giảng viên tại Học viện Kỹ thuật quân sự, số 234 đường Hoàng Quốc Việt. Để an toàn, ông Dũng khuyên chúng tôi không nên trao đổi qua điện thoại hoặc ở quán cà phê, tránh bị công an phát hiện, mà “cần trao đổi gì, em cứ đến thẳng nhà anh”.

Chiều cùng ngày, ông Dũng nhắn cho chúng tôi địa chỉ nhà riêng tại khu tập thể Học viện Kỹ thuật quân sự (P.Xuân Đỉnh - Hà Nội). Trong cuộc gặp tại nhà riêng, ông trao đổi thoải mái hơn hẳn.

Tuy nhiên, lúc này số tiền để chạy vào viên chức mầm non H.Sóc Sơn đã tăng lên 200 triệu đồng. Ông Dũng giải thích: “Anh cũng không ngờ năm nay giá cao đến thế, nhưng anh đã hỏi lại chắc chắn rồi, số tiền 200 triệu sẽ chia đôi, cấp huyện 100 triệu, cấp trên 100 triệu(?). Tiền giao cùng hồ sơ. Giấy biên nhận có thể thoải mái viết rõ nội dung giao dịch “chạy viên chức”.

Đỗ hay không thì cũng phải hủy biên nhận sau hai ngày báo điểm". Ngoài ra, ông Dũng còn gợi ý, nếu chúng tôi biết có trường hợp nào có nhu cầu chạy, cứ môi giới cho ông, mỗi trường hợp chạy thành công, chúng tôi sẽ nhận được hoa hồng xứng đáng.

Huyện Sóc Sơn - Hà Nội vừa cắt hợp đồng gần 200 giáo viên chưa thi đỗ viên chức ngành mầm non. Mặc dù huyện đã tổ chức gặp mặt, thậm chí họp báo công khai để khẳng định huyện không có gì sai, nhưng những giáo viên bị mất việc lại khăng khăng theo kiện đến cùng.

Họ đóng góp tiền bạc, thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi của mình. Gặp nhà báo, một số giáo viên nghẹn ngào: ”Để xin được việc làm sau khi học xong ngành Sư phạm mầm non, nhiều người trong chúng tôi phải chi một khoản tiền lớn. Làm ba năm chưa gỡ được số tiền ấy, giờ đã bị mất việc.

Bi hài nhất là trong hoàn cảnh thế này mà vẫn có người rủ chúng tôi “chạy” 200 triệu để được ở lại ngành giáo dục. Tôi định cầm cố hai cái sổ đỏ của hai bên nội, ngoại để vay đủ số tiền chạy vào viên chức cho đỡ mang tiếng bị đuổi việc".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật