Ảnh hưởng ngầm của châu Âu tại châu Á: Chớ có xem thường!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ đang ngày càng lo ngại về tình hình ở Châu Á – Thái Bình Dương. Không những công bố chiến lược trên biển tại khu vực này, Lầu Năm Góc đang bắt đầu đưa các loại khí tài của mình đến đây.
Ảnh hưởng ngầm của châu Âu tại châu Á: Chớ có xem thường!
Ấn Độ đã đặt mua 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.

Vậy nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng đây là khu vực mà Washington không thể phụ thuộc vào các đồng minh ở châu Âu, mặc dù Pháp và Anh có tham gia vào cuộc tập trận Thái Bình Dương RIMPAC của Mỹ, thậm chí cả Na Uy cũng cử tàu khu trục Fridtjof Nansen nhằm ủng hộ sự hiện diện của Mỹ tại châu Á.

Châu Âu có nhiều nước có lợi ích kinh tế ở châu Á, nhưng họ gần như sẽ không tham gia cùng với Mỹ để bảo vệ hòa bình và kiểm soát xung đột có thể xảy ra ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu tuyên bố rằng tham chiến ở Afghanistan là điều họ không thể làm được.

Châu Âu có tầm ảnh hưởng ngầm đối với vùng Châu Á - Thái Bình Dương nhờ các công ty quốc phòng.

Hiện tại, những bất ổn ở quanh Địa Trung Hải, sự lớn mạnh của IS và vấn đề xung đột Ukraine sẽ khiến quân đội các nước châu Âu tiếp tục đóng tại lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, dù Washington không mong rằng châu Âu sẽ đưa quân đội của mình đến châu Á, những nước này có một cách khác để ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự ở khu vực này.

Sự phát triển của thị trường châu Á đã mang lại quan hệ về chính trị và quân sự bền vững, lâu dài và quý giá đối với châu Âu. Thị trường này đang lớn mạnh một cách nhanh chóng bởi phần lớn các nước đang xây dựng quân đội hiện đại, không chỉ để bảo vệ lãnh thổ của mình mà còn thể hiện tầm ảnh hưởng và khẳng định sức mạnh của mình trong khu vực. Về mặt này, các công ty châu Âu đã thực hiện những chiến lược đúng đắn.

Ví dụ, về việc mua tàu ngầm, Úc và Singapore đã mua lại các tàu mới hoặc tàu được tân trang lại của Thụy Điển, trong khi Pakistan đã mang về tàu ngầm Pháp vào đầu những năm 2000. Hàn Quốc và Indonesia đều có trong tay loại tàu ngầm bán chạy nhất trong lịch sử là tàu Type 209 của Đức. Ấn Độ cũng sử dụng Type 209, còn Malaysia có những tàu Scorpene của Pháp. Hàn Quốc còn mua cả thế hệ tàu tiếp theo của Đức, Type 212.

Không chỉ những tàu ngầm thông thường, ngay cả các tàu tối tân cũng rất được ưa chuộng. Singapore mới đây đã đồng ý mua các tàu mới của Đức, còn Úc thì đang khiến nhiều hãng tàu châu Âu theo dõi từng ngày: Liệu họ sẽ mua tàu của Nhật Bản hay tự chế tạo tàu ngầm riêng? Indonesia thì mong muốn có một phiên bản cải tiến của tàu 209.

Tàu ngầm chỉ là một trong những ví dụ cho thấy các công ty châu Âu đã gây dựng quan hệ của mình ở thị trường quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu cũng rất được ưa chuộng: Ấn Độ mua Rafale của Pháp, Thái Lan mua Gripens của Thụy Điển, và Úc mang về các máy bay tiếp nhiên liệu của Airbus. Tàu chiến châu Âu cũng được nhiều nước đặt hàng.

Những thương vụ quốc phòng này không đơn giản chỉ là những giao dịch thương mại thông thường, chúng còn đi kèm với hoạt động hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng cho nước khách hàng và huấn luyện các kỹ sư tại trụ sở của công ty quốc phòng. Điều này tạo nên sự gắn kết lâu dài giữa hai nước bán và mua.

Sự gắn kết này có vai trò rất quan trọng khi các nước quyết định chọn đối tác để mua khí tài quân sự. Mỹ cũng đã được lợi từ các thương vụ quốc phòng, bởi chúng giúp củng cố quan hệ giữa các nước đồng minh và gây dựng kết nối với các lãnh đạo đương nhiệm và trong tương lai. Trước đây máy bay F-16 được hàng loạt nước châu Âu chào đón và mua về, và giờ đây Mỹ muốn lặp lại thành công này với F-35.

Mặc dù không trực tiếp triển khai quân và hợp tác quân sự, các nước châu Âu có tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương qua các thương vụ quốc phòng. Bên cạnh việc huấn luyện kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, quan hệ này sẽ mang lại những thông tin về quan điểm, góc nhìn và cách hành xử của các nước châu Á.

Điều này sẽ có lợi cho an ninh thế giới, bởi các nước châu Á đang ngày càng có vai trò lớn hơn về an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới, trong khi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, không chỉ ở Biển Đông.

Vấn đề địa lý là một trong những lý do Châu Âu không chú ý đến an ninh châu Á như Mỹ. Nhưng ngay cả những nước nhỏ của phương Tây cũng có ảnh hưởng đối với quân sự của các nước châu Á thông qua các công ty quốc phòng của mình. Việc tận dụng những mối liên hệ đó để giúp các nước châu Á có trách nhiệm hơn trong một khu vực mang tính chiến lược sẽ là một đóng góp lớn cho một thế kỷ 21 hòa bình và ổn định.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật