Cầu vượt thép: Nhiều bất cập!

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TP HCM và Đồng Nai đã đưa vào sử dụng hàng loạt cầu vượt thép nhưng giảm ùn tắc nơi này thì phát sinh nơi khác, thậm chí còn gây tai nạn giao thông.
Cầu vượt thép: Nhiều bất cập!
Ùn ứ thường xuyên tại nút giao thông Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP HCM) Ảnh: GIA MINH

Từ năm 2013 đến nay, TP HCM đã đưa vào hoạt động 6 cầu vượt thép ở những nút giao thông trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe.

Xung đột giao thông

Nút giao thông Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ và Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), kể từ khi có cầu vượt thép đến nay, tình trạng ùn tắc giao thông tại đây đã được cải thiện. Tuy nhiên, dễ nhận thấy nhược điểm của 2 cây cầu này là giảm ùn tắc trên đường Cộng Hòa (trục đường chính) nhưng lại khiến áp lực giao thông dồn về các tuyến đường phụ cận, phát sinh những điểm kẹt xe mới.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo, đoạn giao nhau giữa những tuyến đường nhánh dẫn ra khu vực 2 cây cầu vượt thép nói trên thường xuyên ùn ứ do các hướng lưu thông bị xung đột. Các phương tiện đi trên những tuyến đường như Hoàng Hoa Thám, Thăng Long, Bình Giã, Út Tịch..., khi ra đường Cộng Hòa gặp ngay trụ cầu chắn trước mặt và bị xung đột với dòng xe đi đến cầu vượt hoặc từ cầu vượt đổ xuống, gây ùn tắc. Ngoài nguyên nhân các tuyến đường này khá hẹp thì cũng phải kể đến cầu vượt thép đã tạo thành nút thắ‌t c‌ổ chai ở 2 đầu cầu, gây ùn tắc cục bộ tại các ngã tư trong khu vực này. Vào giờ cao điểm, lượng phương tiện từ những tuyến đường phụ cận liên tục dồn đến càng là‌ּm tìn‌ּh trạng kẹt xe trở nên trầm trọng hơn. “Tại nút giao thông Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ, cứ đến giờ cao điểm là hàng ngàn phương tiện từ các tuyến đường Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Cộng Hòa, Thăng Long... dồn đến cầu vượt thép, gây kẹt xe triền miên” - một người dân phản ánh.

Trong khi đó, cây cầu này nằm trên trục giao thông theo chiều dọc của đường Cộng Hòa nên chỉ giảm ùn tắc trên cầu chứ không giải quyết được toàn bộ nút giao. Tương tự, tại cầu vượt thép ngã sáu Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 (quận 10), làn xe trên cầu tương đối hẹp trong khi khu vực nút giao lại nhỏ nên cũng thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Tuy trên cầu không bị ùn tắc nhưng áp lực lại dồn về phía hai đầu cầu và những ngã tư kế tiếp ở hai bên cầu. Phía dưới cầu, hướng rẽ trái vào đường Nguyễn Tri Phương, các phương tiện bị xung đột với dòng xe từ đường Lý Thái Tổ và những tuyến hẻm đâm ra. Theo quan sát của chúng tôi, các hướng lưu thông này không theo một quy luật nhất định mà cứ châu đầu vào nhau, gây ra cảnh hỗn loạn và ùn tắc cục bộ.

Cầu vượt thép ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) khá thông thoáng do chỉ có ô tô được phép lưu thông nhưng mật độ không nhiều. Ngược lại, phía dưới cầu luôn bị ùn tắc do lượng phương tiện từ 4 hướng đường Điện Biên Phủ và Xô Viết Nghệ Tĩnh đổ vào vòng xoay. Để cân đối mật độ giao thông tại khu vực này, đầu năm 2014, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho phép xe 2 bánh (trừ xe thô sơ) được phép lưu thông qua cầu nhằm giảm kẹt xe. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó lại hủy bỏ khiến ùn tắc tái diễn.

Xem thêm TP.HCM: Cầu vượt thép trăm tỷ sửa 2 lần đã lại xuống cấp
//

Vừa sử dụng đã xuống cấp

Cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức (giáp ranh quận 9 và quận Thủ Đức) cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập, chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm ùn tắc cho nút giao thông này. Dù xa lộ Hà Nội đã được mở rộng nhưng do mật độ xe container, xe tải... lưu thông dày đặc, khi đi đến cầu vượt thép đã bị ùn lại vì 2 đầu cầu được thiết kế khá hẹp, tạo thành nút thắ‌t c‌ổ chai. Việc tổ chức giao thông phía dưới cầu vượt ở nút giao này cũng có nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể, lượng phương tiện ở 2 hướng trên xa lộ Hà Nội rất đông nhưng tín hiệu đèn cho phép xe đi thẳng và rẽ trái quá chênh lệch: Thời gian đèn xanh cho rẽ trái chỉ khoảng 25 giây, đi thẳng khoảng 30 giây nhưng thời gian chờ đè‌n đ‌ỏ trung bình trên 1 phút đã gây ra tình trạng dồn ứ. Không chỉ vậy, hướng lưu thông từ đường Lê Văn Việt rẽ trái ra xa lộ Hà Nội lại xung đột với hướng từ đường Võ Văn Ngân đi qua ngã tư nên khu vực này thường xuyên bị ùn tắc. Thực tế, tại nút giao thông này đã xảy ra hàng chục vụ kẹt xe nghiêm trọng dù không phải giờ cao điểm.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng việc xây dựng cầu vượt thép là giải pháp trước mắt nhằm giải quyết bài toán kẹt xe cho TP HCM nhưng cần nghiên cứu kỹ chứ không nên làm theo phong trào. “Mục đích của việc xây dựng cầu vượt thép nhằm giải quyết bài toán kẹt xe và giảm kinh phí đầu tư nhưng hiện giá thành không giảm mấy so với cầu bằng bê tông, thậm chí về lâu dài có thể còn cao hơn” - TS Sanh nói. Theo ông, ngoài nguồn vốn ban đầu, cầu vượt thép phải rất tốn kém để bảo trì, sữa chữa; đó là chưa nói nếu không được quản lý và nghiệm thu nghiêm ngặt thì chất lượng sẽ rất thấp, dẫn đến mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Một chuyên gia giao thông đang giảng dạy tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM cho biết cầu vượt thép ở ngã tư Thủ Đức với vốn đầu tư 227 tỉ đồng, dù mới đưa vào khai thác được 2 năm nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp. Mặt đường bị bong tróc và khu vực dưới chân cầu đã bắt đầu xuất hiện vệt lún và rạn nứt. Trước tình trạng trên, UBND TP HCM đã yêu cầu đơn vị thi công sửa chữa 2 lần nhưng về lâu dài, cây cầu này sẽ còn tiếp tục sửa chữa, thậm chí phải đầu tư thêm kinh phí để gia cố.

Đây là nút giao thông cửa ngõ phía Đông TP với lượng xe lưu thông rất đông nên theo các chuyên gia giao thông, cần xây dựng cầu bê tông ở khu vực này thì sẽ bảo đảm an toàn và đỡ tốn kém trong việc duy tu bão dưỡng. “Hiện toàn TP đã có 6 cầu vượt thép được lắp đặt, TP nên ngồi lại để đánh giá nó có thực sự tốt và tiết kiệm hơn so với cầu vượt bê tông hay không” - một chuyên gia giao thông kiến nghị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật