2.600 người chết khi di cư vào châu Âu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm ngàn người di cư bất chấp những hiểm nguy rình rập đang tìm cách tràn vào châu Âu khiến toàn khu vực này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai.
2.600 người chết khi di cư vào châu Âu
Hàng ngàn người di cư chen lấn tại ga tàu Keleti ở thủ đô Budapest, Hungary ngày 2.9 để tìm cách vào EU. Ảnh: DM

Theo số liệu thống kê mới nhất, số lượng người di cư tràn qua các đường biên giới của Liên minh châu Âu (EU) đã lên đến gần 340.000 người trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng 123.500 người so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần của dòng người di cư tìm cách tới châu Âu để mưu cầu an sinh sau khi phải đối mặt với chiến tranh và nghèo đói ở Trung Đông, châu Phi và châu Á.

Nguy cơ hỗn loạn

Chỉ trong 2 ngày đầu tuần, cảnh sát Đức đã thống kê được hơn 3.500 người di cư vượt qua biên giới phía Nam, khu vực giáp với Áo để vào nước này. Theo người phát ngôn Cảnh sát liên bang, những người di cư đã tới Đức bằng những chuyến tàu từ Hungary, đi qua Áo vào bang Bavaria ở miền Nam nước Đức. Với tình trạng hiện nay, nhà chức trách Đức ước tính sẽ có khoảng 800.000 người di cư đổ vào Đức trong năm nay. Giới chuyên gia đánh giá rằng châu Âu hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Bất chấp những khó khăn, hiểm nguy đe dọa đến tính mạng, dòng người nhập cư từ Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác trên thế giới vẫn như thác lũ đổ về EU. Tại các quốc gia ở khu vực phía Tây Balkan như Hy Lạp, Herzegovina, Macedonia, Serbia, Bosnia, Albania, Montenegro, ngoài việc dòng người rời bỏ quê hương để tìm cách vào châu Âu đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn, thì những cư dân ở các nước Trung Đông tràn vào đây để tìm điểm trung chuyển từ đó tìm cách vào EU cũng đã gây ra bất ổn đối với những nước này.

Xem thêm: VTC14_Chuyện Đông chuyện Tây_Thảm kịch di cư ở Địa Trung Hải
//

Trước tình hình nguy cấp mà châu Âu đang phải đối mặt, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia liên quan mở rộng các kênh di dân an toàn và hợp pháp, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần thể hiện rõ hơn quyết tâm giải quyết các xung đột và những vấn đề liên quan, vốn đang đẩy những người di cư vào tình cảnh không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn. Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nước có hành động chống lại những băng đảng buôn người.

Những cái chết được báo trước

Chỉ riêng ngày 2.9, Hải quân Italy, Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy, các tàu của Tổ chức Bác sĩ không biên giới và một số tàu của Cơ quan kiểm soát biên giới thuộc Liên minh châu Âu đã giải cứu được gần 3.000 người di cư đang trôi dạt trên biển trên hàng chục con tàu đang hướng về phía các cảng của Italia.

Đây là đợt giải cứu số người người di cư lớn nhất trong một ngày từ trước tới nay của các lực lượng cứu hộ. Hầu hết số người này đến từ Syria, Eritrea, Afghanistan, Somalia, Gambia và Nigeria. Đáng chú ý là một tàu hải quân Italia đã phát hiện 6 xác người nhập cư trong hầm của một con tàu cũ chở 781 người ở ngoài khơi đảo Sicily. Bộ Nội vụ Italia ước tính sẽ có khoảng 20.000 người di cư nữa tới Italia bằng đường biển và đang tích cực tìm kiếm chỗ trú ẩn cho họ tại các trại tị nạn, vốn đã trở nên quá tải.

Hãng tin Dailymail của Anh cho biết, trước đó, một chiếc xe tải khác chở th‌i th‌ể 71 người nhập cư bị bỏ lại tại khu vực biên giới giữa Hungary và Áo vừa được phát hiện cũng đã gây rúng động toàn châu Âu. Điều tra của cảnh sát cho hay những người này đã bị nhồi nhét trong chiếc xe với khoảng không gian là 5 người/m2 khiến họ bị ngạt thở và tử vong. Chỉ 2 ngày sau vụ việc ở biên giới Hungary và Áo, cảnh sát Áo lại phát hiện một chiếc xe tải chở 26 người tị nạn, trong đó có 3 trẻ nhỏ, trong tình trạng mất nước nghiêm trọng.

Ngày 30.8, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hy Lạp cũng đã đưa lên bờ gần 2.500 người di cư đang lênh đênh trên biển trong khuôn khổ 70 cuộc tìm kiếm và cứu nạn tiến hành cuối tuần qua. Ngoài đường biển, những người di cư còn tìm cách vượt biên trên bộ từ nước láng giềng Macedonia. Lực lượng biên phòng Hy Lạp đã buộc phải sử dụng lựu đạn gây choáng để kiềm chế dòng người tị nạn liều mạng vượt biên bằng mọi giá.

Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm nay, có đến 2.600 người chết khi băng qua Địa Trung Hải để đến châu Âu, biến khu vực này trở thành điểm chuyển tiếp chết chóc nhất trên thế giới. Theo Tổ chức quốc tế về di cư, con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

EU đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn cấp các bộ trưởng nội vụ và tư pháp của liên minh này vào ngày 14.9 tới tại Bỉ để thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư đang leo thang tại châu lục này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật