Người đi điền dã hàng vạn lần để viết sách

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong 28 năm, ông Đinh Thanh Dự thực hiện hàng chục nghìn cuộc điền dã từ núi Giăng Màn giáp Lào đến đèo Đá Đẽo vào các làng bản của người dân tộc thiểu số và viết sách về người Nguồn ở Minh Hóa, Quảng Bình.
Người đi điền dã hàng vạn lần để viết sách
Ông Dự bên chồng bản thảo của mình.

Ông Dự năm nay 72 tuổi. Thời trai trẻ, sau khi tốt nghiệp cử nhân văn khoa ĐH Sư phạm Vinh, ông về làm việc ở huyện Minh Hóa. Tại đây, ông bắt đầu nghiên cứu các gia phả cổ và trở nên say mê những nét chữ lạ, vốn văn hoá cha ông người Nguồn truyền lại. Rồi ông lao vào viết sách. Cuộc điền dã đầu tiên là chuyến đi vào vùng đồng bào Rục (xã Thượng Hoá). Sau chuyến đi, ông có nhiều bài viết khoa học về sự cần thiết bảo tồn, phát triển tộc người này.

Sách viết từ làng nghèo 

Tiếp sau chuyến đi đó là hàng chục nghìn cuộc điền dã từ núi Giăng Màn giáp Lào đến đèo Đá Đẽo, các chuyến lội bộ vào tộc người Mã Liềng, Si, Mày, Khùa và làng bản nơi người Nguồn sinh sống. Kết quả là ông đã có cuốn sách đầu tay Truyện cổ người Nguồn xuất bản năm 1993 (đứng tên tác giả  cùng giáo sư ngôn ngữ học Trần Trí Dõi). Năm 1994 ông cho ra đời cuốn Thơ ca dân gian Nguồn (đứng tên tác giả cùng tiến sĩ Võ Xuân Trang).

Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian đánh giá về ông: "Ông đã khái quát được địa bàn sinh sống, sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Nguồn, các giá trị văn hoá truyền thống, các giá trị về văn nghệ dân gian". Miệt mài từ năm 1993 đến nay, ông viết 26 tập sách với hơn 100.000 trang in. Ngoài sách, ông còn viết bài cho hàng trăm tạp chí chuyên ngành.

Người vợ của Đinh Thanh Dự tần tảo với bốn sào ruộng, còn ông đi viết bằng vốn liếng từ đồng lương hưu ít ỏi. Nhiều khi hết tiền, vợ phải bán thóc để chồng có tiền đi thực tế viết sách. Khi ông đi, bà cùng bốn người con ở nhà vay mượn để rau cháo nuôi nhau, chờ vụ lúa sau.

Những thành quả đáng tự hào

Những tác phẩm đầu tay của ông Dự.


Không phụ lòng người thân, hầu như năm nào ông cũng cho ra đời một đầu sách, và những giải thưởng lần lượt xuất hiện. Hội Văn hoá văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao giải cho những cuốn Văn hoá người Nguồn Minh Hoá, Thơ ca dân gian Nguồn, Bảo tồn phát huy văn hoá người Nguồn, Truyện cổ người Nguồn, Phong tục lễ hội dân gian Chứt, Nguồn ở Quảng Bình, Thơ ca dân gian Nguồn. Đặc biệt gây ngạc nhiên trong giới nghiên cứu là hai tập Từ điển tiếng Nguồn công bố năm 2007 với 11.058 từ.

Ông Đinh Thanh Dự nói: "Cả đời tôi ao ước viết, nghiên cứu để Nhà nước công nhận người Nguồn là một dân tộc. Các nhà dân tộc học đã tổ chức hội thảo ở Quy Đạt, Minh Hoá, họ có nhiều quan điểm tương đồng và công nhận những trang sách tôi viết. Đó là phong tục, tập quán, từng chi tiết cuộc sống, từng mảnh vỡ khảo cổ, từng di vật tiền sử của tổ tiên dân tộc tôi được gom góp, chắt chiu qua nhiều thế hệ".

Ông Dự cho rằng trước đây, do nhiều yếu tố, người ta đã sai lầm khi ghép kho di sản riêng biệt của người Nguồn vào nền văn hoá Hòa Bình. Khi nói về tính pháp lý để công nhận dân tộc Nguồn, nhà văn Hữu Phương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, cho rằng: "Việc thẩm định cộng đồng người Nguồn có phải là một dân tộc hay không là quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nhưng tầng văn hoá đặc sắc của người Nguồn thì vẫn còn đó. Vẫn còn đó tiếng nói bền vững, các sinh hoạt văn hoá riêng biệt và giá trị văn nghệ dân gian phong phú của người Nguồn".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật