Mong mỏi của vùng đất “sáu không“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có những vùng quê mà dường như tất cả mọi thứ đều là vấn đề “thời sự“. Thời sự bởi đó là nỗi mong ngóng, chờ đợi hằng này của người dân về những điều giản dị, chính đáng: điện, đường, nước sạch.... Câu chuyện mà những người dân Bình Chuẩn (Con Cuông, Nghệ An) kể, thấy rõ sự gian nan ở vùng đất được mệnh danh là “sáu không“...
Mong mỏi của vùng đất “sáu không“
Ruộng biến thành ao, mùa này dân bản Tông Phay (xã Bình Chuẩn) phải ăn ngô thay lúa

"Bóp miệng" để mua ánh sáng 

Nghe bảo trước đây  từ thị trấn Con Cuông muốn lên Bình Chuẩn chỉ có mỗi cách là lội bộ từ sáng sớm đến chiều tối mới tới nơi. Bây giờ có xe máy, từ Con Cuông lên tới bản gần nhất của Bình Chuẩn khoảng 50km, nhưng chắc phải mất hơn ba tiếng đồng hồ. 

Qua khỏi cây cầu treo ở Con Cuông, tới địa phận xã Bồng Khê đã thấy toàn đường đất lổm nhổm ổ gà cuộn mù bụi đỏ. Già An (bản Hồng Điện, xã Đôn Phục) chỉ tay về phía con suối The Phèn – nơi con đường từ Đôn Phục về Bình Chuẩn đã bị nó cắt làm đôi. Từ Đôn Phục, điện thoại bắt đầu mất sóng. Có đoạn đường bùn nhão ngập nửa bánh xe, đoạn lại chênh vênh trơn trượt, sểnh một chút là lao ngay xuống vực. Xe cài số 2, gầm gừ chồm lên giật xuống liên hồi. Về sau, Kha Văn Duyễn ở bản Tông Phay (xã Bình Chuẩn) bày cách: đi xe máy lên đây tai nạn ngã xe như bỡn nên đừng có sợ bẩn mà xắn quần. Bùn ngập tới đâu thì đến suối giặt sạch, rồi tới bản cũng khô hết. Có người sợ bẩn xắn quần, ngã xe bị ống xả nóng thét cán cháy sém cả chân. 

Trạm phó Trạm y tế xã Bình Chuẩn Kha Thị Hùng nhớ lại: Bây giờ còn có xe máy mà đi, chứ cách đây vài năm ở Bình Chuẩn chưa có xe máy. Có bệnh nhân đau ruột thừa phải cáng bộ băng rừng. Đi miết cả ngày, tới được bệnh viện huyện Con Cuông thì người bệnh cũng vừa tắt thở. Mới đây, có sản phụ bị sót nhau, băng huyết nặng phải cáng đi cả đêm. Trời lại mưa xối xả, nước suối dâng cao tới ngang lưng. Cả bệnh nhân và y tá phải lội bùn tới bụng. May mà lần đó mẹ tròn con vuông. Dân bản ở đây không phải ai cũng đi được xe máy nên bây giờ có bệnh nhân cấp cứu thì phải thuê xe ôm mất vài ba trăm nghìn là ít. 

Cái nạn khổ vì không có đường chưa hết, khổ vì không có điện còn cực hơn. Trạm y tế xã xây khang trang, bóng điện đã lắp sẵn nhưng chưa bao giờ được sáng. Gặp những ca tai nạn xe máy hay choảng nhau sứt đầu mẻ trán giữa đêm thì chỉ còn nước soi đèn pin để khâu vá. Mới đây thấy cực quá, trạm y tế xã bèn hùn nhau với Trạm kiểm lâm huyện ở Bình Chuẩn mua một chiếc máy nổ. Nhưng nào có dám chạy, vì dầu đắt quá, mà trạm thì chẳng lấy đâu ra kinh phí để bù vào mấy khoản này. 

Choạng tối, tôi lần tới nhà trưởng bản Tông Phay Hoàng Đức Hiền. Nhà Hiền thuộc loại khá giả nên mới có tiền mua tuốc bin (dân bản gọi là điện cù) kéo điện từ dưới suối Nặm Chon về dùng. Điện cù chỉ dùng thắp sáng, nhưng rất tù mù. Bản Tông Phay có 100 hộ thì chỉ có 1/3 có tiền mua điện cù. Còn lại là dùng đèn dầu. Như vậy là còn khá, chứ như bản Quắn, bản Quẽ thì 90% vẫn phải dùng đèn dầu.

Một số bản như bản Xiềng, bản Đình, bản Mét may mắn hơn mới chỉ có 50% số hộ được dùng điện cù công suất lớn do huyện lắp đặt ở hồ thuỷ lợi Nà Cỏ, nhưng cũng chỉ được dùng từ 7 đến 11 giờ tối. Chủ tịch xã Lô Văn Phong ngán ngẩm cho biết người muốn thắp điện thì nhiều mà công suất máy thì nhỏ khiến cái “máy cù” ở đập Nà Cỏ ấy phải chạy quá sức nên cứ hỏng liên tục. Cán bộ xã phải chạy lăng xăng hết cấp này cấp khác xin tiền từ năm ngoái đến nay mới có kinh phí sửa chữa. 

Để có nguồn điện cù ở dòng khe  Cố, khe Chà Lan, khe Chon thắp sáng, người Bình Chuẩn phải trả giá cả bằng tính mạng. Vì không có tiền mua dây điện tốt, họ phải dùng cả dây diện trần luồn sơ sài qua các bụi cây rừng. Vài năm qua, đã có ba người Bình Chuẩn thiệt mạng vì vướng phải dây điện. Người thắp đèn dầu cũng cực không kém. Mỗi lít dầu mazut bây giờ lên tới 15.000đ. Nếu là dầu hoả thì còn đắt hơn. Mỗi hộ thắp ít mỗi tháng cũng đốt hết vài ba lít dầu. Thế nên nhiều hộ phải bóp mồm bóp miệng chẳng dám mua nổi con cá mắm để tiền mua dầu thắp. 

62% số hộ dân ở Bình Chuẩn thuộc diện nghèo. 1.400 khẩu thường xuyên đói giáp hạt. Trên 70% số hộ (cả xã có 793 hộ, 3.900 khẩu) phải thường xuyên dùng đèn dầu.

Vợ trưởng bản Hoàng Đức Hiền dọn ra bữa cơm tối chỉ hai bát xôi (khàu niêu) dành cho tôi và Hiền, một bát canh bí và mấy con cá suối bé bằng ngón tay mà chiều nay Hiền mới đánh lưới được dưới suối. Thức ăn như vậy gọi là khách quý mới có đãi. Vợ và mẹ Hiền không ăn. Xong bữa, chị ta lẳng lặng đến mời tôi một chén rượu nếp đầy. Về sau, anh Vạn - cán bộ Kiểm lâm Con Cuông nằm vùng ở Bình Chuẩn giải thích đó là hành động phụ nữ người Thái thể hiện sự quý mến với một người khách lần đầu đến nhà. Vạn cho biết thêm, dân bản ở đây ăn mùa này chỉ có ăn xôi nếp rẫy chấm với bột tôm hoặc cà muối.

Họ bảo như vậy đi làm rẫy mới no được lâu, chứ ăn gạo tẻ vừa nhanh đói, mà ở đây cũng chẳng kiếm đâu ra gạo tẻ. Thức ăn thì kiếm được thức gì dùng thức đó. Chợ không có nên đến con cá mắm - thứ thực phẩm rẻ rúng dưới xuôi đưa được lên đây cũng quý như vàng, tới giá 35.000đ/kg. Thịt ba chỉ 70.000đ/kg. Một lít xăng 18.000đ… Cái gì cũng đắt đỏ như thế nên chỉ nhà nào có đám hiếu hỉ mới dám mua ăn. 

Vạn dẫn tôi tới nhà Vi Văn Liêng (bản Mét) nghỉ vì nhà Liêng rộng nhất bản. Nhà Liêng ngủ không ai mắc màn, trời nóng, muỗi lại nhiều nên tôi không tài nào ngủ được. Tờ mờ sáng, Lô Thị È - vợ Vi Văn Liêng đã dậy sớm nựng (hông) một chõ xôi to. Mặt trời mới ló qua khỏi dãy Pu Pốp, nắng đã chói chang. Vi Văn Liêng đánh liền hai bát tô xôi chấm muối kèm mấy quả cà rồi vác rựa lên rẫy. 

Cứ mưa lên phòng chủ tịch ngồi khóc 

Tới được ngã ba bản Quắn dẫn ra con đường nối QL7 sang QL 48 đi qua Bình Chuẩn. Tưởng đã thoát nạn, ai ngờ tới bản Tông Phay lại vấp một quãng nước lênh láng như ao, bùn sục tới đầu gối chặn ngang lối đi vào UBND xã. Mấy đứa trẻ nhà Vi Văn Thuyết (bản Tông Phay) đang lội nghịch lấm lem chạy về nấp sau cánh gà nhà sàn gọi to: “Hươn mi khách” (nhà có khách). Vi Văn Thuyết đang thẫn thờ trông ra vạt nước bạc trắng phía cạnh nhà buồn bã kể: Đó là cái ruộng của nhà mình và nhà Kha Văn Duyễn; Dinh Văn Duệ….

Cả ruộng nhà bà Xuân, bà Khuê, ông Giao… cũng ngập hết. Năm ngoái ruộng ấy còn cấy lúa, nhưng cán bộ lái máy xúc, máy ủi về làm đường, lấp đất chặn tịt ngang con khe Noong Cành chảy từ thường nguồn rừng Pu Pốp về ngang bản Tông Phay này. Nước lũ ở khe Noong Cành không chảy ra suối Nặm Chon được nữa mà dồn ứ lại ở bản Tông Phay khiến cho ruộng bị ngập sâu hàng mét. Giếng nước cũng ngập, chuồng lợn, chuồng bò của hơn một chục hộ dân bản Tông Phay cũng trôi lềnh bềnh. Nhà Vi Văn Thuyết 3 tháng nay phải bắt súc vật nuôi nhờ ở nhà hàng xóm. Còn nước thì phải xuống tận khe suối Nặm Chon để gùi về để dùng. Từ nay đến tháng mười, dân Tông Phay chỉ có giã ngô, giã chút lúa nương ra ăn dần chứ không có lúa ruộng nước nữa. 

Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn Lô Văn Phong lắc đầu ngao ngán: “Ngập hết! Bà con Tông Phay cứ hễ mưa lớn là chạy lên phòng chủ tịch xã ngồi bệt xuống mà khóc. Ta hoảng quá gọi điện cho ông chủ thi công ở dưới xuôi thì hắn cứ bảo là anh cứ từ từ, tôi đang làm đây! Thế mà đường làm từ năm 2008 đến giờ vẫn chưa vào đâu. Bà con bản Quắn, bản Quẽ tưởng được ăn mừng vì có đường mới cho đỡ khổ, ai ngờ lại khổ hơn”. 

Rời Bình Chuẩn, tôi có đặt ra cho người dân và cán bộ nơi đây một câu hỏi, mà khi đặt xong ra, tôi tự thấy hớ hênh, đó là họ mong ước gì. Tất nhiên, họ trả lời mong ước "sáu không" thành "sáu có". Những mong ước vô cùng chính đáng nhưng biết bao giờ mới thành hiện thực?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật