Hai cuốn sách hay về Trung Quốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
I. Bàn về Trung Quốc (Nguyên bản “On China” của Henry Kissinger, Nguyễn Quang Huy dịch, Đào Tuấn hiệu đính, 542 trang, khổ 16x24, Cty CP Sách Thái Hà và NXB Công an Nhân dân 2015).
Hai cuốn sách hay về Trung Quốc
Ảnh minh họa

Đây là cuốn sách thứ 13 của H. Kissinger, một người đã quá nổi tiếng, từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 với Lê Đức Thọ (nhưng ông Thọ từ chối), nhà nghiên cứu chính trị - quan hệ quốc tế, người từng nắm giữ chức Cố vấn An ninh quốc gia, Ngoại trưởng của Mỹ trong hai đời Tổng thống R. Nixon và J. Ford.

Khi viết cuốn sách này, đã 88 tuổi, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sức làm việc ghê gớm của H. Kissinger. Trung Quốc trong mối quan hệ với Mỹ là một trong những đề tài chủ chốt và xuyên suốt trong sự nghiệp làm chính trị cũng như nghiên cứu của H. Kissinger. Điều đó không có gì lạ. Ông là người “mở đường” đầu tiên cho mối quan hệ này, là phái viên chính thức của chính quyền Mỹ đến Bắc Kinh sau mấy chục năm đóng băng quan hệ giữa Trung Hoa đại lục với Hoa Kỳ. Sự kiện ấy có thể nói đã làm thay đổi thế giới, mặc dù không hoàn toàn đúng như lời nhận định của H. Kissinger: “quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở thành một yếu tố trung tâm trong cuộc tìm kiếm hòa bình thế giới và sự thịnh vượng toàn cầu”.

Sau hơn 50 lần tới Trung Quốc, H. Kisinger càng thêm tự tin khi viết cuốn sách này: “Là nỗ lực một phần dựa trên những đối thoại với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhằm giải thích cách tư duy dựa trên khái niệm của người Trung Quốc về những vấn đề của hòa bình, chiến tranh và trật tự quốc gia, mối quan hệ với cách tiếp cận người Mỹ là theo từng trường hợp và thực dụng hơn”. H. Kissinger là nhà hoạch định chinh sách đối ngoại có vai trò đặc biệt của Mỹ. Ông đã tạo nên dấu ấn trong lịch sử, nhưng cũng để lại nhiều hình ảnh không mấy tốt đẹp, là bậc thầy về cơ hội và các thủ đoạn xảo trá.

Không kể Phần kết, cuốn sách có đến 18 chương. H. Kissinger có tham vọng khái quát về lịch sử, địa chính trị và cách thức quan hệ ngoại giao của Trung Quốc suốt một chặng dài lịch sử. Có thể với nhiều bạn đọc, thì suốt từ chương 1 đến chương 7 là hơi dài dòng, thừa thãi và có lẽ không là thế mạnh của H. Kissinger. Và ông cũng đầy tham vọng khi viết lại chặng đường 40 năm kể từ khi ông bí mật đến Bắc Kinh cho đến tận sau thế kỷ 21 hàng chục năm. Nhưng dù cho năng lực tư duy cao đến đâu, câu trả lời về tương lai của mối quan hệ ấy trong trật tự thế giới cũng không thể được H. Kissinger chỉ ra xác đáng và hoàn toàn có thể tin cậy H. Kissinger kêu gọi đầy mơ hồ và cảm tính dù ông vẫn bị xem là người có nhiều cảm tình với Trung Quốc: “Cả hai bên cùng nên mở lòng nhìn nhận các hoạt động của bên kia như một phần bình thưởng của đời sống quốc tế, tự thân nó không phải là nguyên nhân gây báo động… “Cuốn sách này không dự đoán rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ cần phải tiến xa hơn việc tiến hành chính sách kình địch nước lớn hay sự bất đồng về ý thức hệ. Mà cuốn sách này chỉ tranh luận rằng, hai quốc gia đều nợ chính bản thân họ và cả thế giới một nỗ lực làm điều đó…”.

***

Hiển nhiên đây là một cuốn sách đáng đọc. Chỉ tiếc người dịch dù đã rất cố gắng vẫn để còn không ít lỗi. Chẳng hạn, có lẽ do nhân viên đánh máy vừa uống nước khoáng Kim Bôi hay đi nghỉ ở Kim Bôi (Hòa Bình - Việt Namnên đã để “Dulles lập lại cam kết của Mỹ bảo vệ Đài Loan, bao gồm những vị trí có liên quan như Kim Bôi, Mã Tổ…”. Vẫn có nhiều câu dịch tối nghĩa, điều đó thật đáng tiếc cho cuốn sách có giá trị này.

II. Gã Khổng lồ mất ngủ (Tác giả Susan L. Shirk, Vũ Tú Mạnh và Trần Hà Trung dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2015, 477 trang).

Susan L. Shirk, tác giả cuốn sách về Trung Quốc này là thế hệ sau của H. Kissinger, nhưng họ giống nhau ở chỗ, cũng giảng dạy Đại học, là nhà khoa học chính trị, cũng tham gia chính quyền và vì thế, rất am hiểu về Trugn Quốc. Bà từng là Phó Trợ lý Ngoài trưởng Mỹ phụ trách mảng quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống B. Clinton, thành viên Ban lãnh đạo của Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung. Điểm giống nhau của họ nữa là viết sách. Susan Shirk đã xuất bản hàng chục tác phẩm, tất cả đều viết về Trung Quoc.

Cuốn sách này xuất bản năm 2007, trước 4 năm cuốn sách của H. Kisinger - 2011. Bà bắt đầu viết nó khi đang là nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu cao cấp tại Đại học danh tiếng Stanford (niên khóa 2004 - 2005). Khi ra mắt bạn đọc năm 2007, theo bà, nó trùng hợp với ba sự kiện lớn của Trung Quốc: Các cuộc nổi dậy ở Tây Tạng, trận động đất kinh hoàng khủng khiếp ở Tứ Xuyên và Olympic Bắc Kinh 2008, với sự chuẩn bị và đầu tư rất lớn và chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên nó chỉ được viết ra với động lực là “liệu lập trường quốc tế mang tính xây dựng có bền vững ở Trung Quốc không, nơi mà chủ nghĩa dân tộc đang được củng cố, các cuộc biểu tình của quần chúng đang gia tăng, thông tin qua mạng Internet và truyền thông thương mại ngày càng nở rộ…”. Bà cũng hy vọng rằng: “Việc hiểu rõ hơn những chuyển động phức tạp vào nội bộ chính trị Trung Quốc có thể giúp những nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và các quốc gia khác đưa ra những chính sách phù hợp hơn, những chính sách giúp Trung Quốc hành xử như một cường quốc có trách nhiệm như nước này tuyên bố”.

Cuốn sách gồm 9 chương, trong đó dành cho Nhật Bản và Đài Loan 2 chương riêng bởi đây là những điểm nóng trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc nói chung và giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nói riêng. Mặc dù cuốn sách đặt trọng tâm trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống B. Clinton, nhưng với tư cách là nhà Trung Quốc học đương đại, mối quan hệ Mỹ - Trung trong những năm đầu của thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ 21 cũng vẫn được bà quan tâm và nghiên cứu sâu sắc. Susan Shirk là cây bút mạnh mẽ và thẳng thắn, đây là điểm khác so với cách viết của H. Kissinger. Không dùng thủ thuật ngoại giao ve vuốt, hai mặt, bà khẳng định: “”Cơ hội tốt nhất để tránh thù địch với Trng Quốc là khám phá “hộp đen chính trị” Trung Quốc”. Bà rất khách quan khi nhìn nhận: “Trung Quốc không giống như thời CHND u ám của Mao Trạch Đông vốn là nỗi e sợ của Mỹ dưới thời chiến tranh Lạnh. Trung Quốc ngày nay tỏ ra ôn hòa và thân thiện hơn”.

Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng: “Lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình thế oái oăm: đất nước ngày càng phát triển và thịnh vượng, họ lại càng thấy bất an và đe đọa. CHND Trung Hoa ngày nay là một chế độ độc tài đễ đổ vỡ, sợ hãi chính người dân của mình…”.

Có lẽ cũng là ý nghĩ chung của nhiều người dân tại nhiều quốc gia khác, câu hỏi liệu Trung Quốc có trỗi dậy một cách hòa bình, liệu họ có phải là cường quốc hành xử có trách nhiệm vẫn xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là mối quan tâm trong suốt sự nghiệp của S. Shirk. Bà nhận thấy, ngay cả khi 2 nước cố tránh chiến tranh quân sự thì chỉ cần có chiến tranh Lạnh cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho Hoa Kỳ và toàn thế giới. Điều tưởng chừng nghịch lý lại là xác đáng: Sự yếu ớt của Trung Quốc mới là mối nguy cho Hoa Kỳ. Uy tín mỏng manh của Đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc và khả năng dễ bị tổn thương của giới lãnh đạo Đảng sẽ khiến Trung Quốc hành xử liều lĩnh, đặc biệt là khi gặp khủng hoảng vì tăng trưởng kinh tế suy giảm cùng với các vấn đề nội tại phát sinh. Điều đáng lo ngại nữa là khi ấy, sẽ là điều kiện tốt cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan kích động và phát triển.

S. Shirk đã gợi ý những cách để Trung Quốc tự cứu mình, đồng thời Hoa Kỳ có thể làm gì để học cách sống chung với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Đó là những quan điểm đáng chú ý, mặc dù chỉ trong có vài năm, một số việc đã khác bởi sự biến chuyển vẻ như ngày càng tiêu cực trong chính sách của Trung Quốc hiện nay.

***

Đây là cuốn sách hay, dễ đọc. Được dịch nghiêm túc và có phần chú giải công phu, khoa học. Riêng tôi, chỉ tiếc, tên cuốn sách có vẻ là cuốn tiểu thuyết bán chạy nào đó. Tại sao không dùng tên nguyên bản: “China: The Fragile Superpower” với cái tên tôi tạm dịch là “Trung Quốc siêu cường dễ vỡ?”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật