Đóng lò phản ứng hạt nhân, nhưng chông gai còn phía trước

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bình Nhưỡng đã "thò chai rượu" khi đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon. Nhưng cuộc mặc cả "chân giò" và "chai rượu" sắp tới sẽ còn biến hoá khôn lường.
Đóng lò phản ứng hạt nhân, nhưng chông gai còn phía trước
Ảnh minh họa

Cuối tuần qua, một sự kiện được dư luận thế giới rất quan tâm đã diễn ra: Đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon.

Thứ bảy (14/7/2007), Bình Nhưỡng ra tuyên bố. Hôm sau, chủ nhật, phái đoàn thanh sát 10 người của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bay đến ngay hiện trường xem xét. Và sáng sớm thứ hai, Tổng thư ký IAEA ông ElBaradei chính thức tuyên bố xác nhận sự chính xác của sự kiện trên. Chủ nhân của giải thưởng Nobel Hoà bình 2005 thở phào nhẹ nhõm. Những ai đang theo dõi và chờ đợi một nền hoà bình ổn định ở Đông Bắc Á cũng vui mừng đón nhận như một tín hiệu tốt lành.

Đây là sự kiện nóng hổi. Sự kiện có ý nghĩa báo hiệu bước khởi đầu trên con đường chông gai nhằm hạ nhiệt một điểm nóng ẩn chứa nhiều hiểm hoạ của một thế giới còn nhiều bất trắc và nghi kỵ nhau. Vì lò phản ứng Yongbyong, cách Bình Nhưỡng 100km, không phải là lò bình thường. Lò công suất 5 Megawatt này thuộc loại lò chạy bằng nhiên liệu Uranium tự nhiên (gồm 99,7% là đồng vị Uran nặng – U238). Các hạt nhân U238, sau khi "đốt" trong lò, sẽ biến thành các hạt nhân Plutoniun. Pu239 là loại chất nổ đặc hiệu cho loại bom huỷ diệt nguyên tử.

Tàu Han Chang (Hàn Quốc) cập cảng Ulsan (Triều Tiên) mang theo 6.200 tấn dầu nhiên liệu.

Ở Yongbyong đã có sẵn một nhà máy tái chế Plutonium. Theo tính toán, Bình Nhưỡng có thể đã có trong tay đủ lượng Plutonium để chế tạo trên dưới 10 quả bom nguyên tử. Và thực tế, ngày 9/10/2006, một quả bom đầu tiên đã được thử, gây một chấn động dưới lòng đất và đánh mạnh vào tâm trạng lo lắng của loài người.

Tiếng nổ đó đã khởi phát một cuộc chiến ngoại giao mới giữa CHDCND Triều Tiên và phía đối lập, trước hết là Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Khi cương, khi nhu, một cuộc mặc cả leo thang dồn dập diễn ra.

Nói theo cách dân gian, đã bao lần "ông rút chân giò" và "bà thò chai rượu". Washington đưa ra lời hứa: Gỡ bỏ phong toả 25 triệu USD của CHDCN Triều Tiên ở ngân hàng Macau, Seoul hứa “tặng thưởng” 50.000 tấn dầu. Cầm được trong tay 25 triệu USD và nhìn thấy tận mắt chuyến tàu đầu tiên chở 6.200 tấn dầu cập bến, Bình Nhưỡng thực hiện ngay việc đóng của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon.

Đợt mặc cả trao đổi "chân giò" và "chai rượu" ở pha thứ nhất này xem như xong. Nhưng ai cũng biết rằng, pha một ấy đã diễn ra ròng rã 5 năm, nếu tính từ năm 2002, khi Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước không lan truyền vũ khí hạt nhân, khởi động lại lò phản ứng và tách xong lượng Plutonium từ 8.000 thanh nhiên liệu.

Vì vậy, con đường tiếp theo nhằm giải quyết toàn diện cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Triều tiên còn lắm chông gai. Sau khi đóng cửa lò phản ứng, Bình Nhưỡng sẽ đối diện với những yêu cầu hóc búa: Lần lượt thông báo công khai và ngừng tất cả các cơ sở hạt nhân khác, trong đó quan trọng nhất là nhà máy tách Plutonium và cả nhà máy làm giàu Uranium, nếu có. Tiếp theo là sẽ chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và quay về với Hiệp ước không lan truyền vũ khí hạt nhân mà họ đã rút lui trước đây v.v...

Ngược lại, Mỹ và các nước đồng minh cũng phải đáp ứng những đòi hỏi không hề dễ chút nào từ Bình Nhưỡng: Cung cấp một lò phản ứng nước nhẹ, dĩ nhiên không thể sản xuất được nhiên liệu cho bom nguyên tử, chỉ để sản xuất điện. viện trợ đủ 1 triệu tấn dầu. Đặc biệt, Bình Nhưỡng muốn được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủ‌ng b‌ố và các nước chịu cấm vận kinh tế. Muốn được bảo đảm an ninh khi không còn "lá chắn" hữu hiệu nào trong tay mình v.v... Ngay trước mắt, Bình Nhưỡng yêu cầu một cuộc hội đàm trực tiếp với Mỹ, một động thái ngoại giao mà Mỹ vẫn luôn lẩn tránh.

Quả là một núi chướng ngại trên con đường phía trước đối với cả hai phía. Trong đó một chướng ngại lớn, chướng ngại tinh thần, là mối nghi kỵ lẫn nhau kéo dài bao nhiêu thập kỷ, khó xoá nhoà trong một sớm một chiều.

Rõ ràng, nói như ông ElBaradei, việc đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyong là ”một bước quan trọng trong tuần này nhưng chặng đường trước mắt còn dài”. Và con đường đi đến đích cuối cùng còn là một "quá trình phức tạp".

Vì vậy, bàn cờ chính trị để dập tắt lò lửa chiến tranh ở Đông Bắc Á còn lắm nước biến hoá khôn lường, còn nhiều cung bậc đổi chác "chân giò, chai rượu" dấm dứ, dai dẳng, lên thác, xuống ghềnh. dư luận chắc hẳn sẽ còn trải qua nhiều phen "thở phào nhẹ nhõm” và “lo lắng thót tim".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật