Nỗi lòng của ông chồng già lấy vợ trẻ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lúc cưới nhau, anh hơn chị 1‌8 tuổ‌i, lại đã “qua một lần đò”, nên bị nhiều người chê là chồng già. Chị lúc đó, có được anh là hạnh phúc tột cùng, chẳng quan tâm đến chuyện “chồng già, vợ trẻ”, thậm chí còn dắt chồng đi khoe chỗ này chỗ kia rằng mình sở hữu “món đồ cổ”, vô giá.
Nỗi lòng của ông chồng già lấy vợ trẻ
Ảnh minh họa

“Chồng già là chồng của mình. Chồng già thì được cưng”. Khổ nỗi, năm ấy chồng mới hơn bốn chục tuổi, trông còn ngon chán! Mãi hơn mười năm sau, chuyện “chồng già” mới thực sự là nguy cơ tiềm ẩn phá hạnh phúc gia đình.

Anh cảm thấy cuộc sống bị xáo trộn từ những bữa ăn. Những món ăn anh ưa thích như gà rán, lỗ tai heo, cà pháo chấm mắm tôm, thịt ba rọi, không còn thấy xuất hiện thường xuyên trên mâm. Thay vào đó là cá hồi chiên, cá điêu hồng hấp hẹ, bí đỏ xào tỏi… Lý do rằng anh “đã già”, nên thực đơn phải thay đổi để giữ gìn sức khỏe. Có món mới hấp dẫn dễ ăn, có món phải nhắm mắt vào mà nuốt.

Chẳng hạn món tủy heo nấu đậu xanh, ăn vài muỗng thì ngon, ăn nguyên chén là cực hình. Chị ép anh ăn cho hết, tuần hai bữa liên tục. “Tủy heo bổ dưỡng cho người già. Vừa trị bệnh đau cột sống vừa bổ những chỗ khác”, biết vậy nhưng anh vẫn thường “ói hò he” trước món này.

Các loại tôm, tép đồng, anh ớn tận cổ, bây giờ “nhảy xổ” lên mâm cùng các loại canh mướp, rau dền, rau đay. Các thức uống cũng thay đổi, bia, rượu mạnh bị thay bằng rượu vang, hoặc các loại rượu ngâm thuốc nam, thuốc bắc tạp pí lù và uống hạn chế, đúng bữa. “Anh nhớ uống nhiều nước nha. Người già mỗi ngày uống chừng hai lít nước tốt cho thận”.

Nhưng có những lúc chị không muốn anh là “người già”. Những bộ quần áo cũ hoặc lỗi mốt bị tống vào một bọc, đem cho mấy nhà hàng xóm nghèo. Anh bị kiểm soát chặt chẽ trước khi ra khỏi nhà, như kiểm soát an ninh trước khi lên máy bay. “Chiếc quần này không được, lụng thụng như mấy ông già”, “Chiếc áo kia không hợp. Thay ngay giùm em!”.

Có bữa chị bắt anh mặc quần jeans bó, áo kẻ sọc mốt xì-tin, trông cũng hợp với tạng người hơi ốm, nhưng còn cái mặt bên trên thì vẫn nhăn nheo như trái táo khô. Mỗi lần anh đi tập huấn, đi công tác xa nhà một tuần, mười ngày, chị lại tốn kém một mớ tiền để sắm đồ mới cho chồng. Thực lòng chiều vợ thì anh phải mặc, chứ mấy thứ đồ mới còn nguyên đai, nguyên bảng hiệu, nguyên nếp gấp, mặc trông “quê quê” thế nào.

Thời gian gần đây, chị thường dừng lại hơi lâu sau bàn làm việc của anh. Có lúc vỗ vai chồng nhắc nhở. “Anh ngồi thẳng lưng lên chút. Lom khom có khác gì ông già không!”. Bị nhắc riết, thành phản xạ có điều kiện, đang ngồi làm việc cứ thấy bóng vợ, anh tự động ngồi thẳng lưng lên, tất nhiên chẳng thoải mái chút nào. Từ khi nhà mua được chiếc xe máy mới, chị cấm tiệt anh sờ tới chiếc xe cũ.

Anh cự nự chiếc xe nó tình nghĩa với mình từ thủa hàn vi, giờ anh chạy vòng vòng cũng là ơn nghĩa với nó. Chị bảo tình nghĩa thì không quên, vì không bao giờ bán chiếc xe ấy, nhưng để anh ngồi lên chiếc xe cũ, trông “lè phè” lắm. “Đi đâu mời ông cứ lên xe mới cho nó đàng hoàng con người”.

Ôi trời! Chồng già ơi là chồng già! Bị áp bức đủ đường. Mấy đêm qua còn bị đập bôm bốp vào lưng vì tội ngáy to làm ảnh hưởng giấc ngủ người khác. Khi ngủ phải nằm ngửa ngay người, không được nằm co quắp, nhìn bần hàn lắm, xấu lắm.

Vợ chồng anh đã có những cuộc đối thoại thẳng thắn về những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống, mà cuối cùng phần thua và yếu lý luôn thuộc về anh. Chị đầy những lý do để biện minh cho những yêu cầu có phần hơi quá đáng của mình. Lý do chính là chị sợ chồng có những biểu hiện “già”, mà già thì lẩm cẩm, hay “quậy”. Anh nói, tới lúc c‌ơ th‌ể nó già thì già thôi, làm sao chống đỡ được quy luật tạo hóa. Chị quyết liệt, “Anh có nhìn thấy chồng chị N. không? Ông ấy bảy mươi hai rồi đó.

Vậy mà tướng tá như thanh niên, lên cầu thang còn xách đồ cho vợ chạy ầm ầm. Còn ông T. bạn đồng niên với anh đó, nhìn muốn… mắc cỡ. Người gì chưa già mà răng còn có mấy chiếc, tóc bạc phơ, người còm rom như cò ma….”. Nói tóm lại vợ anh đang muốn làm cuộc chiến chống lại “tuổi già” cho chồng. Anh cũng chẳng biết phản ứng bằng cách nào, vì khi sắp đi ngủ hoặc buổi sáng thức dậy đều được vợ đấm lưng, mát-xa cho.

Mỗi bữa vẫn được vợ chăm sóc từng miếng ăn, quần áo lúc nào cũng được ủi láng coóng. Trong hoàn cảnh như vậy, manh nha “nổi loạn” là nguy hiểm. Anh tự nhủ dù sao mình còn sung sướng hơn một số ông. Còn cái sự già, chẳng thèm ngó tới. Cứ để cho bà vợ có biện pháp với nó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật