Tuần này: Các ngân hàng trung ương Châu Á đối phó với khả năng tăng lãi suất của Mỹ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các ngân hàng trung ương Châu Á sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này khi những nhà hoạch định chính sách thảo luận về biện pháp đối phó trước khả năng Mỹ tăng lãi suất vào tháng 9/2015.
Tuần này: Các ngân hàng trung ương Châu Á đối phó với khả năng tăng lãi suất của Mỹ
Ảnh minh họa

Trong tuần này, các ngân hàng trung ương tại Nhật Bản (BoJ), Ấn Độ (RBI), Australia (RBA) và Thái Lan (BoT) sẽ có những cuộc họp chính sách quan trọng ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ.

Các cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh chỉ số PMI của Trung Quốc vừa được Markit công bố giảm từ 49,4 điểm xuống 47,8 điểm trong tháng 7/2015 do hoạt động sản xuất của các nhà máy nhỏ và vừa suy giảm mạnh nhất trong 15 tháng qua.

Quốc gia nào sẽ hạ lãi suất?

Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Thái Lan được dự đoán sẽ giữ mức lãi suất trong cuộc họp cuối tuần này, nhưng các chuyên gia chưa thể đưa ra kết luận gì cho cuộc họp ngày 4/8 của Ấn Độ và Australia.

Theo Barclays, sự cải thiện trong lượng mưa thời gian gần đây của Ấn Độ (qua đó tác động tích cực đến ngành nông nghiệp quan trọng của nước này) có thể khiến Thống đốc Raghuram Rajan giữ nguyên tỷ lệ lãi suất tại 7,25% trong cuộc họp tới đây.

Ngược lại, Moody Analytics cho rằng những tác động của giá hàng hóa sẽ khiến Ấn Độ giảm lãi suất đi 25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 4/8, đợt cắt giảm thứ 4 trong năm nay.

Giá cả hàng hóa tiếp tục giảm khiến lạm phát tại Ấn Độ có thể suy yếu trong những tháng tới. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp và doanh số bán hàng suy giảm có thể khiến RBI phải giảm lãi suất.

Hiện tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số đang là vấn đề lớn đối với RBI. Chỉ số giá bán buôn đã giảm từ đầu năm đến nay, còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn đứng ở mức 5,4%, cao nhất trong vòng 8 tháng qua.

Tại Australia, AMP Capital nhận định những tuyên bố gần đây của RBA cho thấy nước này chưa vội hạ lãi suất. Tăng trưởng việc làm tại Australia cao hơn dự đoán và việc chính phủ đang nỗ lực hạn chế đầu tư bất động sản khiến lãi suất có thể sẽ giữ nguyên ở mức thấp 2% như hiện nay.

Tuy nhiên, hàng loạt những yếu tố tiêu cực như triển vọng đầu tư ảm đạm, tăng trưởng kinh tế chậm, đồng tiền tăng giá mạnh và lạm phát ở mức thấp khiến việc tăng lãi suất tại Australia ít có khả năng xảy ra.

Gặp vấn đề về kinh tế

Đồng Rupiah của Indonesia ở mức thấp kỷ lục trong vòng 17 năm qua đang khiến nền kinh tế Đông Nam Á này gặp nhiều khó khăn và báo cáo tăng trưởng quý II công bố vào ngày 7/8 tới đây có thể cho thấy một tình hình tồi tệ hơn.

Khảo sát của Reuters dự đoán tăng trưởng GDP của Indonesia đạt khoảng 4,6%, thấp hơn mức 4,7% trong quý I/2015. Đây sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý III/2009.

Australia cũng công bố tình hình giao dịch thương mại và doanh số bán lẻ tháng 6/2015 vào ngày 4/8 cùng với quyết định của RBA.

Moody Analytics dự đoán thâm hụt thương mại của Australia dự kiến sẽ vẫn ở mức khoảng 2,9 tỷ Đôla Úc (2,11 tỷ USD), cao hơn so với mức thâm hụt 2,8 tỷ Đôla Úc của tháng 5/2015. Nguyên nhân chủ yếu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia là quặng sắt giảm giá mạnh.

Hãng AMP’Oliver dự báo doanh số bán lẻ của Australia có thể tăng khoảng 0,3%, tương đương mức tăng của tháng trước đó. Đồng thời, số liệu thị trường lao động công bố ngày 6/7 được dự báo sẽ cho thấy việc làm tăng 5.000 người, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 6% lên 6,1%.

Bên cạnh đó, báo cáo thương mại của Malaysia ngày 5/7 cũng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi số liệu tuần trước cho thấy dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua và có nguy cơ xuống dưới ngưỡng tâm lý 100 tỷ USD.

Hãng Moody Analytics dự đoán thặng dư thương mại của nước này sẽ giảm từ 5,5 tỷ Ringgit xuống còn 4,5 tỷ Ringgit (khoảng 1,18 tỷ USD) do giá dầu thô đi xuống (Malaysia là một quốc gia xuất khẩu dầu thô). Với việc đồng Ringgit giao dịch ở mức thấp nhất trong 17 năm qua, lĩnh vực nhập khẩu của quốc gia này sẽ phải chịu rất nhiều áp lực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật