“Giải phẫu” kính thiên văn Hubble

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 12-5 (giờ VN), tàu vũ trụ Atlantis mang theo bảy phi hành gia đã được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm vũ trụ Kennedy (Florida, Mỹ) để “giải phẫu” kính thiên văn Hubble. Đây được xem là sứ mạng khó khăn và nguy hiểm nhất con người từng thực hiện trên quỹ đạo Trái đất.

Tàu con thoi Atlantis rời bệ phóng - Ảnh: Reuters

Phi hành gia John Grunsfeld và Michael Massimino là hai trong số bảy “thợ hàn vũ trụ” đã lập kỷ lục đến thăm kính thiên văn Hubble lần thứ hai. Chỉ huy tàu Atlantis là phi hành gia Scott Altman, từng là cựu phi công máy bay chiến đấu F-14 của hải quân Mỹ, và cũng từng một lần bay tới kính Hubble.

Sau khi bay lên quỹ đạo, tàu Atlantis sẽ kết nối với kính thiên văn Hubble bằng cánh tay robot, tạo điều kiện cho các phi hành gia dễ dàng tiếp cận kính thiên văn. Trong 11 ngày, họ sẽ thay thế sáu con quay định vị, bộ pin, sửa chữa hai thiết bị bị vỡ, lắp mới hai camera và nâng cấp bộ cách nhiệt cho kính Hubble.

Sứ mạng hiểm nguy

Được đưa lên quỹ đạo từ năm 1990, kính thiên văn Hubble được đánh giá là một trong những thiết bị khoa học quan trọng nhất trong lịch sử thiên văn học. Hubble chính là thiết bị đầu tiên xác định độ tuổi vũ trụ (13,7 tỉ năm), thiết bị đầu tiên phân tích môi trường hóa học của bầu khí quyển các hành tinh ngoài Hệ mặt trời, cũng là một trong hai kính thiên văn chụp được những bức ảnh đầu tiên về các hành tinh quay quanh những ngôi sao ngoài Hệ mặt trời, và là dụng cụ tối quan trọng để giải mã bí ẩn của vật chất tối.

Các chuyên gia NASA thừa nhận đây là một nhiệm vụ nguy hiểm đối với các phi hành gia. Theo ước tính của NASA, khả năng tàu Atlantis va phải rác vũ trụ là 1/221, cao hơn khá nhiều lần so với một sứ mạng không gian thông thường. Hàng trăm nghìn mảnh rác vũ trụ đang bay trên các quỹ đạo quanh Trái đất, và tập trung nhiều ở quỹ đạo của kính thiên văn Hubble (cách mặt đất 560km). Các lá chắn của Atlantis đủ khả năng đẩy bật các mảnh vụn nhỏ, nhưng các mảnh vụn lớn có thể gây hư hại vỏ tàu.

Hơn nữa, nếu tai nạn xảy ra, các phi hành gia sẽ không thể trú ẩn trên Trạm không gian quốc tế ISS. Do đó, tàu con thoi Endeavour đã được chuẩn bị để sẵn sàng lên giải cứu họ trong trường hợp xấu nhất. Đây là lần đầu tiên một biện pháp dự phòng như vậy được thực hiện. Các phi hành gia sẽ thực hiện tổng cộng năm cuộc đi bộ ngoài không gian, mỗi cuộc kéo dài tới sáu giờ rưỡi để sửa chữa kính Hubble.

“Sẽ không có thời gian để thở và ngắm nhìn xung quanh - phi hành gia John Grunsfeld cho biết - Sẽ chỉ có công việc và công việc. Và đó sẽ là một cuộc chạy đua marathon trên quỹ đạo”.

Xứng đáng với mọi nỗ lực

Tổng chi phí cho sứ mạng sửa chữa kính Hubble lần này lên đến 1 tỉ USD. Song giới khoa học cho rằng lợi ích từ sứ mạng này xứng đáng với đồng tiền bát gạo bỏ ra, cũng như xứng với những khó khăn và nguy hiểm trong quá trình thực hiện của nó. Bởi như các nhà thiên văn học nhận định nếu việc sửa chữa thành công, kính thiên văn Hubble sẽ mạnh hơn gấp 90 lần so với phiên bản ban đầu và có thể hoạt động kéo dài ít nhất đến năm 2014.

“Lần sửa chữa này sẽ biến Hubble từ một thiết bị già cỗi quặt quẹo thành kính thiên văn mạnh nhất từ trước đến nay” - nhà khoa học Leckrone tỏ ra hào hứng. Kính Hubble được nâng cấp sẽ cung cấp những thông tin về những khoảnh khắc diễn ra Big Bang, cho phép các nhà thiên văn học thực hiện các nghiên cứu mới về năng lượng tối và vật chất tối - những bí ẩn lớn nhất trong vũ trụ - và tiếp tục tìm kiếm những thiên hà xa xôi ngoài tầm quan sát của nó trước đó. Hai thiết bị mới được các phi hành gia đưa lên lần này sẽ cho phép ngược thời gian 600-500 triệu năm sau vụ nổ Big Bang vốn đánh dấu sự khai sinh của vũ trụ.

Khoa học gia David Leckrone của NASA nhìn nhận sẽ không ai cho rằng sứ mạng sửa chữa kính thiên văn Hubble là một thất bại ngay cả khi các phi hành gia không thể hoàn thành được 100% công việc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật