Đi tìm lời giải cho tình trạng lạm phát thấp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tốc độ lạm phát trong vòng 1 năm qua đang có xu hướng giảm mạnh, và số liệu thống kê mới đây cho thấy CPI tháng 6/2015 chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,55% so với tháng 12/2014. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát thấp hiện nay?
Đi tìm lời giải cho tình trạng lạm phát thấp
Ảnh minh họa

Câu hỏi này phần nào đã được các chuyên gia giải đáp trong tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo” do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 30/6.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng viện Kinh tế - Tài chính, vấn đề lạm phát thấp đã được nêu ra vào cuối năm ngoái khi lạm phát của tháng 12/2014 giảm xuống mức 1,84%.

Vào thời điểm đó, giá dầu thế giới giảm mạnh được quy là nguyên nhân chính khiến lạm phát xuống dưới 2%. Tuy nhiên, đến nay cách giải thích này không còn thuyết phục khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới cũng như trong nước vào thời điểm giữa tháng 6/2015 đã ở mức ngang bằng so với tại thời điểm giữa tháng 12/2014. Nghĩa là trung bình 6 tháng qua, tác động của giá xăng dầu đến chỉ số CPI là không lớn.

Trong khi đó, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm lại chịu áp lực tăng của việc tăng giá điện, tỷ giá và giá dịch vụ y tế. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ giá tăng 2% sẽ khiến CPI tăng thêm 0,6% và giá điện tăng 8,42% đã đẩy chỉ số CPI tăng thêm 0,22%.

Do các yếu tố chi phí đẩy kéo lạm phát tăng, ông Độ cho rằng tình trạng lạm phát thấp hiện nay có thể giải thích bởi yếu tố còn lại là tổng cầu.

Theo ông, tăng trưởng kinh tế từ năm 2008 đến nay luôn trong tình trạng thấp hơn mức tiềm năng (khoảng 6,5%), tức là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung, khiến chênh lệch tổng cầu–tổng cung liên tục giảm và kéo lạm phát giảm theo.

Với quan điểm đó, ông Độ cho rằng xu hướng lạm phát giảm sẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 6,5% trở lên.

Đưa ra dự báo lạm phát dựa trên cơ sở chênh lệch tổng cầu-tổng cung, ông Độ nhận định lạm phát trung bình vào tháng 12/2015 của Việt Nam có thể đứng ở mức 0,9%.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thu đặt ra câu hỏi lạm phát thấp liệu có bền vững hay sẽ lại bùng phát trở lại.

Theo phân tích của bà, bản chất của lạm phát thấp trong 6 tháng đầu năm là do cả yếu tố lương thực lẫn phi lương thực. Nhóm lương thực, thực phẩm giảm giá vì tác động của thị trường quốc tế, khiến chúng ta không xuất khẩu được nông sản.

Ngoài ra, những năm lạm phát cao đều do giá xăng dầu tăng, nhưng năm nay xăng dầu lại giảm giá.

Bà Thu cho rằng sẽ khó đảm bảo được tính bền vững của mức lạm phát đó, vì giá giảm do cung cầu hàng hóa, mà những hàng hóa đó lại không thuộc quyền kiểm soát của chúng ta, dù chúng ta là nước xuất khẩu dầu thô, xuất khẩu gạo.

Với việc lạm phát cơ bản đã ở mức 2,1%, bà Thu nhận định chúng ta phải thận trọng với việc điều tiết lượng tiền, kể cả kíc‌h thí‌ch sản xuất bằng cách giảm lãi suất, nhất là khi độ nhạ‌y cả‌m của lãi suất với đầu tư không cao sau vài lần hạ lãi suất gần đây.

Bà Thu cũng lưu ý đến thách thức của việc kiểm soát lạm phát thông qua dòng tiền. Bà cho rằng dòng tiền từ nay đến cuối năm 2015 và năm 2016 sẽ vào Việt Nam rất nhiều khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng, và đặc biệt là do nghị định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài vừa rồi. Dòng vốn vào nhiều đương nhiên sẽ dẫn đến vấn đề tăng nhu cầu đầu tư, và bản thân các ngân hàng huy động được vốn có thể nới rộng điều kiện cho vay.

Ngoài ra, việc vốn FDI đang vào nhiều khiến thu nhập của người dân tăng lên, theo đó tác động đến mặt bằng giá chung.

Còn theo Tiến sĩ Trần Kim Chung đến từ viện Quản lý Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh nền kinh tế không thay đổi mà tăng trưởng GDP trên 6% và lạm phát thấp kỷ lục là rất tốt. Ông cho rằng thời điểm này dường như rất yên tâm về lạm phát, vì cách đây 10 năm mọi người còn tranh cãi về mức lạm phát 23% hay 17%.

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, lại có quan điểm khác. Theo ông, chúng ta không thể yên tâm với CPI, cho rằng vì giá cả cao quá, không tăng được nữa, nên giá mới đứng lại.

Ông nêu ra sự bất cập trong hệ thống phân phối, khiến giá ở Hà Nội đắt đỏ 2-3 lần so với thị trường nông thôn, hay giá bán 1 kg đường cao gấp đôi so với giá sản xuất. Đó là chưa kể đến tình trạng thương lái ép giá nông sản do nông dân thiếu thông tin, thiếu thị trường, khâu chế biến nông sản của chúng ta kém, và thiếu sự vào cuộc thực sự của doanh nghiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật