“Nhà văn trẻ cần yêu thật, sống thật và hôn sâu“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Nếu được khuyên, tôi xin phép đề nghị các bạn nhà văn trẻ quay lại gốc xuất thân của mình, chứ đừng minh hoạ lối sống thành thị hời hợt. Mà tốt nhất là cần yêu thật, sống thật, hôn cũng nên hôn sâu và thật thì mô tả tình yêu sẽ chinh phục được bạn đọc“, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.
“Nhà văn trẻ cần yêu thật, sống thật và hôn sâu“
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Trước khi ra mắt tiểu thuyết “Quyên” ông đã đưa dần dần từng chương lên blog của mình. Phải chăng ông cũng tiếp cận được với cách PR, tiếp thị như các cây viết trẻ thuộc lứa 8X bây giờ?

- Tôi bắt đầu phổ biến các sáng tác của tôi từ những năm cuối thập kỷ 90 trên mạng. Tại Đức, khi đó đầu thế kỷ 20, có thêm mạng của Hội sinh viên và thanh niên, tên là Avys, tôi là nhà văn đầu tiên công bố truyện và bút ký trên mạng ở đó cho lớp trẻ đọc. Như vậy tôi đi trước các bạn trẻ ở Việt Nam nhiều năm. Đây là một vấn đề nhiều nhà văn trang lứa tôi chưa quan tâm lắm.

Thực tế cho tôi thấy, cách tìm bạn đọc này chủ động hơn, nó có thể giúp cho nhà văn nhiều, nếu tỉnh táo và không bảo thủ. Tôi nhờ blog và mạng mà sửa chữa được Quyên cho tới khi hoàn thiện. Có nhiều độc giả yêu mến tôi, đã góp ý, phê bình rất quyết liệt. Nhưng dám chơi trò này, xin nhớ là đừng mất bình tĩnh, kẻo lại rơi vào câu chuyện đẽo cày giữa đường.

- Lại một lần nữa, ông có buổi ra mắt sách mới khá ầm ĩ, hoành tráng và đông đúc tại Việt Center Art.  Những ầm ĩ hào nhoáng kiểu này có giúp ích được nhiều cho văn chương?

- Tôi sống ở châu Âu 20 năm. Việc ra mắt sách là việc bình thường của nhà văn trên thế giới. Xin nhớ rằng, khách đến buổi ra mắt sách tôi vừa qua gồm nhiều nhà văn đàn anh và cùng trang lứa, là bạn bè, báo giới - các em xinh tươi. Họ đến chia vui và mang nhiều hoa tới. Tôi cũng muốn nhân dịp này bày tỏ lời cám ơn nhiều người một cách công khai. Khách ra về, không phân biệt nghề nghiệp, thân sơ, chỉ nhận ở đó có một cuốn sách và một buổi sáng sảng khoái mà thôi.

Ở xã hội thị trường hôm nay, đó là sự tôn vinh nhà văn, giao lưu văn và báo, theo tôi là cần và đủ… Sau buổi đó, tôi chia hoa cho nhiều nhà văn khác với tấm lòng trân trọng. Điều này, nếu suy nghĩ sâu sắc, thiết tưởng, nó góp phần cho sinh hoạt văn chương thêm phong phú. Còn bán sách ư? Tôi nghĩ là ít nhiều là có thể nhờ báo giới quan tâm bạn đọc biết nhiều hơn sẽ mua nhiều hơn, song sự lâu bền không nằm ở ch‌ỗ ấ‌y. Sách viết kém, ẩu thì dù có làm ầm ĩ cũng không lừa được bạn đọc, lại mang tiếng giả dối. Mà nếu lừa dối vậy thì còn viết văn làm gì nữa?

-  Ông lựa chọn điều gì, sách phát hành thật tốt hay nhận được những lời ngợi khen từ các nhà phê bình trên văn đàn?

- Tôi lấy thương hiệu của Nhà xuất bản Hội nhà văn để ra tiểu thuyết Quyên, viết hết sức cẩn thận hơn hai năm, trước hết nhằm vào đối tượng bạn đọc là lao động ở ngoài nước và gia đình cha mẹ thân nhân của họ trong nước, sau mới là giới trí thức người Việt toàn cầu. Như vậy, Quyên cần tới với bạn đọc hơn là chỉ các lời khen của các nhà phê bình trên văn đàn. Song cũng mong rằng, các nhà phê bình mua và đọc, khen chê khách quan, vì có được giới chuyên môn chú ý thì bạn đọc lại càng biết tới nhiều mà đọc tôi. Đó là hai mặt trong dây chuyền của con đường văn học.

- Ám ảnh của ông trong văn chương là gì?

- Ai cũng có tuổi thanh xuân. Tuổi thanh xuân của tôi và bè bạn nhiều người mất đi vì cuộc chiến tranh bảo vệ lòng tự  tôn của một dân tộc. Sao lại không nhớ tới  tuổi thanh xuân của chính mình? Tại đó còn ghi dấu biết bao hạnh phúc và bất hạnh, cả hơi thở thanh tân còn thơm tới tận bây giờ. Sao có thể phụ bạc quên nó đi?

Bìa tiểu thuyết Quên.

- Hiện, điều quan tâm nhất của ông là gì?

- Đời sống của nông dân và sự giáo dục thanh thiếu nhi trong xã hội hiện tại ở Việt Nam. Tôi sẽ đi để nạp năng lượng mà viết báo về hai vấn đề này.

- Ông thấy điều gì cần hơn trong cuộc đời: những chuyến đi, tiền bạc, gia đình, hay sự ngưỡng mộ của đám đông công chúng?

- Tôi quan tâm nhất tới một gia đình yên ấm. Song người vợ phải là người thông minh, như nhà thơ Đồ Bạch Mai nói, nôm na: Người đàn bà dẫn người đàn ông đi bằng trái tim minh triết… Thật hạnh phúc nếu như có một mái ấm mà người vợ biết chia sẻ vui buồn và dám đi tới cùng trong cuộc sống vốn còn nhiều bất trắc. 

- Lứa nhà văn các ông thường sẵn lợi thế về sự trải nghiệm. Chính sự trải nghiệm đó đã tạo nên sức nặng cho những trang viết. Vậy các cây viết trẻ bây giờ, ít vốn sống, sự trải nghiệm chưa có, họ phải bù đắp lại thiếu hụt đó như thế nào?

- Bắt đầu đọc chậm lại các pho sách của ông cha một cách cẩn trọng. Đừng nên quên mấy bộ sách của Trung Hoa cổ. Ở đó có nhiều quy luật đã được người đi trước phát hiện, đúc rút, hợp với người Việt, mà phải từng trải mới hiểu hết, để mở ra cánh cửa cuộc sống. Văn hoá gốc vững trãi là điều quan trọng bậc nhất của một nhà văn.

Nếu được khuyên, tôi xin phép đề nghị các bạn quay lại gốc xuất thân của mình, chứ đừng minh hoạ lối sống thành thị hời hợt. Vốn sống gốc và văn hoá gốc vững, có lề sẽ giúp chúng ta đào vỉa vàng ngay trong mỗi chúng ta tốt hơn là chúng tôi cứ phải trả giá quá đắt mới viết được. Mà tốt nhất là cần yêu thật, sống thật, hôn cũng nên hôn sâu và thật thì mô tả tình yêu sẽ chinh phục được bạn đọc.

- Ông có bao giờ tĩnh lặng để nghĩ xem, chỗ đứng của mình trên văn đàn Việt là ở đâu?

- Ở Đức, tôi có nhiều thời gian để không nói hàng tháng, không bè bạn, không tụ tập bia bọt như bè bạn ở Việt Nam hay mồi khi về nhà. Tôi im lặng gần như tuyệt đối nhìn vào chính tâm hồn mình mà suy nghĩ. Viết Quyên, tôi có thời gian 6 tháng không ra khỏi nhà.

Nhưng chưa khi nào tôi nhìn xuống chân mình xem tôi đang ở đâu trong văn đàn cả. Cái đó không là thói quen nếp nghĩ của tôi. Nó thuộc về bạn đọc và thời gian thì quan tâm làm gì. Có hai việc tôi cần hiện nay là: sao cho sức khoẻ tốt để yêu và viết nốt các dự định, thế thôi! Nếu văn đàn là sông, em xin đi sau cùng chị ạ! Các cụ bảo "lội nước đi sau". Đôi khi cũng nên khôn lỏi một chút. Nhất là chả thiệt hại tới ai thì tại sao không?

Nguyễn Văn Thọ định cư ở Ðức và tham gia cùng nhiều tạp chí văn chương trong nước và hải ngoại. Ông đã xuất bản một số tác phẩm như "Mảnh vỡ" (thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, 1988), "Cửa sổ" (thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, 1999), "Gió lạnh" (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, 1999).  Nguyễn Văn Thọ nằm trong số 4 tác giả được trao phần thưởng dành cho những truyện ngắn xuất sắc trong hơn 100 truyện ngắn tham dự cuộc thi truyện ngắn hai năm 2001-2002 của tạp chí "Văn nghệ Quân đội" với  tác phẩm "Nhà ba hộ" và "Ngọn lửa".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật