Chữa trị “Mùi Quá Thơm“ ở nách và “Đóng Bỉm“ ở chân

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mồ hôi đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trong đó có một nhiệm vụ là thải các chất độc hại trong c‌ơ th‌ể ra ngoài. Những thành phần trong mồ hôi thực sự là “món ăn ngon“ cho các vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn Corynebacterium Minitissumum chuyên chuyển hóa axit béo và tạo ra các điểm đen về... mùi trên c‌ơ th‌ể.
Chữa trị “Mùi Quá Thơm“ ở nách và “Đóng Bỉm“ ở chân
Phụ nữ thường đối mặt với căn bệnh hôi nách nhiều hơn nam giới

Diểm đen 1: Nách

Chị Hoàng Hà (Hà Tĩnh) khổ sở với căn bệnh hôi nách của mình từ rất lâu. Chỉ cần vận động mạnh, trời hơi nóng nực, là sau 5 đến 7 phút, người chị đã "tỏa" ra một thứ mùi khắm đặc trưng của hôi nách. Vào mùa hè, chị rất ngại đứng trong đám đông, và chỉ cần một cử chỉ tránh xa, chun mũi... của người đối diện là chị mất hết tự tin để làm việc.

Chị cũng phải từ bỏ những áo sặc sỡ, sáng màu và hợp mốt vì sợ mồ hôi ra nhiều, thấm ướt vùng nách khiến mọi người dễ nhận ra. Quanh năm, chị mặc đồ thun tối màu. Chốc lát, chị lại phải vào toalet để dùng lăn khử mùi. Chị cũng thường xuyên phải tránh xa các hoạt động mạnh, sôi nổi mà cơ quan tổ chức.

Hôi nách là căn bệnh mà nữ gặp nhiều hơn nam. BS Trần Quang Hà - Trưởng khoa da liễu bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Có nhiều người có mùi hôi kinh hoàng mà chỉ cần họ lướt qua thôi đã thấy mùi khét bay ra làm mọi người phải quay mặt sang hướng khác. Đặc biệt khi người hôi nách cởi áo để chúng tôi khám bệnh, nếu như không phải vì công việc chắc chắn tôi phải vùng chạy ra ngoài ngay tức thì vì mùi hôi nồng nặc".

Nguyên nhân của hôi nách được lý giải là do tuyến mồ hôi đầu hủy (apocirine) tập trung rất nhiều tại nách. Tuyến mồ hôi đầu hủy này chứa nhiều axit béo và là "nguồn thức ăn" ngon cho các loài vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn Corynebacterium Minitissumum. Sau khi chuyển hóa các axit béo, vi khuẩn sẽ sản sinh ra nhiều mùi khó chịu, tạo nên mùi hôi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng bị hôi nách. BS Nguyễn Hữu Sáu - Phó trưởng khoa Lasez phẫu thuật - viện Da liễu TW lý giải: "Mỗi người thải ra nhiều loại axit béo khác nhau về nồng độ. Bản chất các axit béo này là không mùi. Nhưng sự khác nhau về nồng độ đó đã khiến khi vi khuẩn phân hủy chúng, sẽ tạo ra các mùi khác nhau. Ngoài ra, mật độ vi khuẩn, loại vi khuẩn cư trú trên mỗi người khác nhau cũng góp phần tạo ra "cách thưởng thức" và "thải" mùi của các vi khuẩn này cũng khác nhau".

Việc chữa trị hôi nách chủ yếu nhằm hạn chế sự hoạt động của vi khuẩn, nấm tại vùng hố nách hoặc làm giảm sự bài tiết của tuyến mồ hôi vùng nách. BS Quang Hà cho biết: "Các biện pháp được sử dụng hữu hiệu nhất vẫn là vệ sinh da, cạo lông nách nhằm hạn chế vi khuẩn cư trú; Mặc áo bằng chất liệu vải dễ thấm mồ hôi và bôi các chất diệt khuẩn và giảm tiết mồ hôi  vốn có trong các lăn khử mùi.

Nếu tất cả những biện pháp trên vẫn không làm giảm mùi hôi, các bác sĩ sẽ đặt vấn đề phá huỷ tuyến mồ hôi vùng nách bằng cách tiêm các chất làm liệt dây thần kinh vùng nách như Botox, Dysport giúp làm giảm tiết mồ hôi tại chỗ tiêm; phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi vùng nách; Dùng tia laser chiếu chọn lọc vào tuyến mồi hôi vùng nách chúng phá huỷ vĩnh viễn các tuyến mồ hôi bị đốt.

Điểm đen 2: Chân

Hoạt động của tuyến mồ hôi phụ thuộc vào hệ thống thần kinh giao cảm.

Có ba yếu tố kích thích thần kinh giao cảm chi phối tuyến mồ hôi là nhiệt độ, tâm lý và vị giác.

Mỗi ngày c‌ơ th‌ể bài tiết khoảng 500 – 600 ml mồ hôi.  Nếu bị kích thích tâm lý, mồ hôi sẽ tăng tiết ở lòng bàn chân và lòng bàn tay. Khi bị kích thích tối đa c‌ơ th‌ể có thể bài tiết ra 12 lít mồ hôi trong 24 giờ. Thậm chí 3 lít trong 1 giờ.

BS Trần Quang Hà - Trưởng khoa da liễu bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc

Với chị Tú Nga (Hà Nội) thì cuộc sống luôn bị "tr‌a tấ‌n" với mùi hôi chân của chồng. Có lần, khi chưa phát hiện ra chồng chị bị hôi chân, chị đã phải lục tung cả nhà để tìm xác chuột chết. Tuy nhiên, tìm chẳng thấy đâu, chỉ thấy đôi tất chưa kịp giặt của chồng đang lặng lẽ tỏa mùi chuột chết đó.

Sau khi phát hiện, chị luôn sống trong cảm giác "căng thẳng" mỗi khi sắp đến giờ anh về nhà. Nỗi ám ảnh đó khiến chị ngửi thấy mùi hôi chân khi anh vừa bước vào cửa, tăng lên khi anh cởi giày và khốn khổ khi lao vào giặt ngay đôi tất cho chồng. Giặt tất cho chồng chị phải giặt theo chế độ đặc biệt: nước nóng, ngâm với chất tẩy và khử mùi, sau đó ngâm chất xả làm thơm vải.

Gặp phải anh chồng lười rửa chân, nhiều hôm cứ thế để nguyên tất và chân thối lên giường, thì ngay ngày mai, chị phải lôi chăn chiếu đi giặt vì tất cả đều ám cái thùi thum thủm đó. Chị cho biết, nếu có điều kiện, chắc một ngày giặt một lần chị cũng phải làm. Nhưng giải pháp hiện nay của chị là anh chị ngủ riêng, vì chị quá ám ảnh và không thể có bất cứ cảm hứng gì với chồng, nếu còn phảng phất chút mùi... chuột chết.

Mùi hôi chân được các bác sĩ ví như mùi khai của nước tiểu, như mùi bỉm trẻ con sau một đêm đái sũng nước. Lý do là tuyến mồ hôi có ở chân là tuyến mồ hôi tiết ra nước (eccrine) giúp thải nhiệt, thải chất cặn bã tương tự như đi tiểu. Thành phần nước ra qua đường da này có 98 - 99% là nước và 1 - 2% là chất vô cơ, hữu cơ (chứa những sản phẩm chuyển hoá của protein như urê, amoniac, lactat, sunfat, phốt phát và một số điện giải như Na+ , Cl - , K+...

Với các thành phần này, mồ hôi sau khi ra ở vùng chân, gặp môi trường bí vì đi giày, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, phân huỷ chất hữu cơ trong thành phần mồ hôi và phân huỷ tế bào da tạo thành mùi hôi.

BS Quang Hà cho biết: "Cách chữa trị mùi hôi chân là cần phải ngăn cản sự phát triển của nấm trong giày đồng thời không cho tiết mồ hôi nhiều ở bàn chân. Để hạn chế hôi chân, bạn cần vệ sinh tại chỗ bằng cách đi dép thoáng quai vào mùa hè; dùng tất bằng chất liệu vải dễ thấm mồ hôi và thường xuyên thay tất khi mang giầy. Hạn chế nguy cơ tiết mồ hôi chân nhiều bằng cách tránh kích thích thần kinh giao cảm (ăn ít gia vị nóng, nhiệt; giữ cảm xúc bình thản). Nếu bị nấm da ở chân, bạn nên rắc thêm ít thuốc diệt nấm dạng bột vào trong giầy trước khi đi và cần điều trị căn bệnh này thật triệt để"

Khi các biện pháp trên không cải thiện được tình hình, các bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc làm liệt các nhánh thần kinh vùng lòng bàn chân bằng thuốc tiêm tại chỗ hoặc phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm. Tuy nhiên nhiều trường hợp chỉ cần thực hiện vệ sinh và sinh hoạt điều độ, một thời gian sau, hiện tượng tăng tiết mồ hôi tự hết và như thế mùi hôi cũng cải thiện tốt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật