Thị trường chứng khoán đang thụt lùi

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi thụt lùi, đặc biệt khi so sánh với các nước ASEAN” - nhóm Công tác thị trường vốn của VBF nhận định.
Thị trường chứng khoán đang thụt lùi
Ảnh minh họa

Hiện tại, với 91 triệu dân, thị trường Việt Nam có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán (TTCK) khoảng 46 tỉ USD, chỉ tương đương với 25% GDP của Việt Nam. Nếu đem so sánh con số này với các nước láng giềng trong ASEAN thì thị trường vốn hóa của Việt Nam còn khá nhỏ bé. Tại Singapore, với 5 triệu dân, có mức vốn hóa của TTCK khoảng 415 tỉ USD (gấp 9 lần Việt Nam), tương đương với 135% GDP của nước này. Ở Indonesia, với 251 triệu dân, có mức vốn hóa của TTCK là khoảng 397 tỉ USD (gấp 8 lần Việt Nam), tương đương với 45% GDP của nước này.

Ông Nguyễn Kiên - đại diện cho nhóm Công tác thị trường vốn của VBF - cho rằng, TTCK hiện tại của Việt Nam không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa (CPH). Ông Kiên cho rằng tổng giá trị các DNNN sẽ được CPH trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỉ USD. Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần thì thị trường sẽ cần 3,75 tỉ USD để mua số cổ phần này. Như vậy nguồn tiền trong nước sẽ chắc chắn không đủ để mua cổ phần nói trên, và Việt Nam sẽ cần một dòng tiền mới của nước ngoài để mua các cổ phần này.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay, dòng tiền mới của nước ngoài chảy vào Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ là 5 triệu USD, và vào Sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh là 113,3 triệu USD. Nhóm Công tác thị trường vốn của VBF đưa ra 3 kiến nghị để đẩy mạnh và phát triển thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, CPH và niêm yết các DNNN. Cụ thể, CPH phải đi kèm với việc niêm yết các Cty đã được CPH. Để tạo thanh khoản tốt cho thị trường, Chính phủ nên bán từ 25-30% cổ phần của doanh nghiệp được CPH thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp.

Thứ hai, tăng sở hữu nước ngoài tại các Cty đại chúng. Đây có lẽ là một trong những điều mà các nhà đầu tư nước ngoài mòn mỏi chờ đợi suốt 3 năm qua. Các nhà đầu tư nước ngoài đang đợi Chính phủ thông qua Nghị định 58/2012/NĐ-CP sửa đối về vấn đề này.

Hơn nữa, để thu hút được dòng vốn mới của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK và vào những DNNN mới được CPH, VBF cho rằng Việt Nam cần mạnh dạn, kiên quyết xóa bỏ hạn chế tỉ lệ sở hữu 49% áp dụng đối với các Cty đại chúng như hiện nay. VBF cho rằng Việt Nam nên áp dụng tỉ lệ sở hữu theo đúng cam kết WTO của Việt Nam đối với các Cty đại chúng kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Ngoại trừ những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và những lĩnh vực ảnh hưởng tới an ninh quốc gia thì Việt Nam nên mở cửa toàn bộ thị trường bằng cách cho sở hữu không hạn chế đối với các Cty đại chúng kinh doanh trong các lĩnh vực khác không nằm trong cam kết WTO.

Thứ ba, VBF có sáng kiến đề xuất Chính phủ sớm thông qua dự thảo Nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện để giảm áp lực cho quỹ Bảo hiểm xã hội. Mặt khác, việc này cũng góp phần xây dựng cho Việt Nam một hệ thống an sinh xã hội tiên tiến dựa trên mô hình đa trụ cột, là hệ thống đã được công nhận là sẽ góp phần gia tăng an sinh cho người lao động. Hơn nữa, việc thành lập quỹ này sẽ tạo thêm nguồn cầu đáng kể đối với thị trường tài chính nói chung và CPH.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật