Sành điệu không cần hàng hiệu

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ nhân của thương hiệu áo cưới Hạnh Vũ thường bị mọi người “phê bình” là: nhà thiết kế mà ăn vận giản dị quá!
Sành điệu không cần hàng hiệu
Ảnh minh họa

Như thói quen thông thường nhìn vào một bà chủ thành đạt người ta chú ý tới những phụ kiện, trang phục “hiệu từ đầu đến chân” để đánh giá sự sành điệu, nhưng Hạnh Vũ là một ngoại lệ. Cô cố gắng chứng minh rằng: người ta có thể vẫn thu hút mà không cần sự phụ trợ của những thứ đồ “giá trên trời”.

Quần jeans, áo pull, tóc buộc đuôi ngựa, tôi chưa nhìn thấy những nhãn mác “made in… hàng hiệu” trên trang phục của Hạnh Vũ, điều này hình như hơi khác hình thức của một bà chủ đang thành đạt trong hình dung của nhiều người?

Nếu mọi người nghĩ ai kinh doanh cũng phải xài hàng hiệu từ đầu đến chân thì Hạnh không thuộc tuýp như vậy. Đồ của Hạnh chủ yếu không phải là hàng hiệu. Thậm chí có những cái áo pull made in Việt Nam chưa đến một trăm ngàn. Đôi bông tai thì chỉ đơn giản là mấy cái vòng giấy xoắn lại.

Ngạc nhiên đấy, vì lý do kinh tế đối với những người như Hạnh dường như không phải là vấn đề nếu chi mấy ngàn đô la cho một món hàng hiệu. Vậy lý do gì khiến Hạnh không mặn mà với thứ “thuốc gây nghiện” của dân sành điệu bây giờ?

Thứ nhất, Hạnh cũng làm công việc thiết kế nên rất hiểu giá trị thật sự của hàng hiệu là ở đâu. Những món tiền chúng ta phải trả cho một món đồ cắt cổ hầu hết không phải vì giá trị thực của nó mà đấy là tiền trả cho thương hiệu.

Hạnh thấy đồ Việt Nam cũng rất tốt, thậm chí có những thứ không thua hàng hiệu, giá cả lại rất phải chăng. Bỏ ra mấy trăm ngàn mua một bộ quần áo về, Hạnh chỉ cần gia công, thêm thắt một vài chi tiết là đã thành một style khá thu hút rồi.

Thứ nữa, với tính cách của Hạnh, nếu say mê hàng hiệu một tháng Hạnh sẽ phải bỏ ra ít nhất 5000usd cho việc mua sắm. Đấy là số tiền có thể tiết kiệm để tái đầu tư và làm những việc có ích hơn.

Nhưng khi người ta thành đạt, người ta có quyền được hưởng những thành quả lao động của mình. Thú chơi hàng hiệu nhiều khi có thể coi như một sự nuông chiều bản thân, tạo cảm hứng để tái sáng tạo?

Nếu mà nói cảm hứng để sáng tạo thì với Hạnh không gì “qua mặt” được hoa tươi và tinh dầu. Mỗi tháng trung bình Hạnh phải dành 1/3 số tiền chi tiêu cá nhân cho việc mua hoa, nến và nước hoa.

Tất cả các cửa hàng, phòng làm việc, phòng ngủ của Hạnh lúc nào cũng phải có hoa tươi, nhiều hoa tươi thì đúng hơn. Khi stress hay bế tắc một điều gì, Hạnh thích tự lái xe đến chợ hoa đêm ở Quảng Bá mua cho đến đầy một ôtô thì thôi. Rồi hôm sau lại ngồi cặm cụi cắm, tỉa toàn bộ số hoa ấy.

Không hiểu sao đứng trước một bình hoa đẹp Hạnh thấy rất thư giãn, và tìm được cảm hứng làm việc từ đấy.

Đối với nhiều phụ nữ, việc nói không với hàng hiệu dường như là quá sức. Có những người thậm chí cảm thấy không tự tin khi trên người họ không có một món hàng hiệu cho ra tấm ra món. Hạnh thực sự không bị cảm giác ấy đeo đuổi sao?

Hạnh cũng có dùng hàng hiệu, ví dụ túi xách, đồng hồ, dây lưng hoặc nước hoa, nhưng ít khi là quần áo. Hạnh tự tin là mình có thể biến quần áo thành sành điệu không thua gì hàng hiệu. Thường phải đến 80% bạn bè của Hạnh nhầm khi thấy Hạnh vận đồ, họ không đoán ra đấy là hàng Việt Nam chất lượng cao nếu Hạnh không đính chính.

Những người phụ nữ phải vin vào những thứ xa xỉ phẩm để khẳng định giá trị bản thân tức là họ tự ti rồi. Mà đã tự ti thì rất khó hấp dẫn, kể cả khi bạn khoác lên người hàng trăm ngàn đô la đi nữa.

Tiêu chuẩn phụ nữ đẹp bây giờ đã khác rồi, nhan sắc chính là thần thái, là phong cách. Có thể một dáng người không chuẩn, một khuôn mặt không “mắt bồ câu mũi dọc dừa” nhưng nếu người đó có đời sống nội tâm phong phú, có khiếu hài hước thì vẫn là một phụ nữ hấp dẫn… chết người.

Nếu không phải là 5000usd cho thời trang mỗi tháng thì sẽ là bao nhiêu đối với Hạnh Vũ?

1000usd đã là quá nhiều với Hạnh.

Dường như con số này vẫn mang tính chất tiết kiệm để tái đầu tư hơn là phản ánh nhu cầu thật của một bà chủ trẻ. Như thế hẳn phải có những đam mê “đắt tiền” hơn?

(Cười). Hạnh mê xe hơi, nhất là dòng thể thao. Nhưng hiện tại vẫn dùng xe dân dụng, Hạnh cảm thấy chưa đến lúc để hưởng thụ điều ấy mặc dù mỗi khi đi trên phố thấy một cái xe thể thao lướt qua là thế nào cũng phải “ối giời ơi” một câu, rồi chép miệng, nhìn theo mê mẩn.

Hạnh luôn tự nhắc mình rằng “mọi cái không sẵn có trong cuộc sống” cho nên nếu mình muốn ngày mai có một cái gì đó thì phải lao động và tích luỹ ngay từ ngày hôm nay.

Trong đợt khủng hoảng tài chính vừa rồi, nhiều doanh nghiệp lao đao vì doanh thu giảm sút, nhưng Hạnh Vũ vẫn giữ được sự ổn định, hơn thế còn mở thêm một showroom đồ dạ hội, Hạnh có kinh nghiệm nào đối phó với “bão giá”?

Nói công việc của Hạnh không bị ảnh hưởng vì kinh tế suy thoái thì cũng không đúng. Có thời gian mấy tháng cuối năm ngoái Hạnh phải sát sao việc thu chi và cân đối tài chính rất ghê.

Để giữ người lao động Hạnh tạo mọi điều kiện để hỗ trợ lương cho họ, hỗ trợ chứ không tăng lương. Bởi vì những đợt suy thoái trước sau cũng qua, nếu mình đã tăng lương thì sau đó khi mọi thứ trở lại bình thường rất khó để nói sẽ giảm lương của nhân viên.

Những con số thu, chi của Hạnh Vũ trước và sau khi khủng hoảng tài chính có thay đổi không?

Không. Vẫn là 50% doanh thu cho tái đầu tư, 30% để tạo dựng hình ảnh các showroom, hai con số ấy không được phép suy giảm và bị “cấu véo”. Còn 20% Hạnh dành cho bản thân. Trong đó chiếm nhiều nhất là khoản mua hoa, nến, thay đổi đồ nội thất, spa.

20% tổng doanh thu dành cho nhu cầu cá nhân hình như cũng là hơi nhiều?

Cũng giống mọi người, Hạnh thích hưởng thụ thành quả lao động của mình, có điều hơi khác là không bỏ hết vào thời trang, Hạnh dành cho những giá trị tinh thần nhiều hơn.

Rạch ròi ra thì đấy cũng là một khoản tái đầu tư có sinh lợi. Khi mình khoẻ mạnh, vui vẻ, khi mình hưng phấn rõ ràng khả năng sáng tạo sẽ dồi dào hơn, có nghĩa là khả năng tăng doanh thu cũng cao hơn.

Câu chuyện về thương hiệu

Nghề nghiệp chính quy Hạnh Vũ được đào tạo là kinh tế tài chính. Trong thời gian học đại học Hạnh có theo học khoá trang điểm của chuyên gia trang điểm Lê Duy.

Một lần, Duy bận việc nhờ Hạnh đi trang điểm hộ một cô dâu vào lúc 4h sáng. Trời mưa tầm tã, mình Hạnh đi xe máy mười mấy cây số để đến trang điểm kịp giờ. Khi về, mặt mũi ướt nhèm, run run mở chiếc phong bì thù lao thì thấy vẻn vẹn có 50.000đ, trong khi đó, nếu là Lê Duy trang điểm số tiền sẽ là 500.000đ.

Lần đầu tiên Hạnh ý thức được rõ rệt: có thương hiệu thì sẽ có tiền. Đồng tiền đầu tiên ấy giờ Hạnh vẫn để trong ví, tờ 50.000đ cũ, màu xanh. Mỗi lần nhìn nó Hạnh lại nhắc mình: kiếm được đồng tiền không phải dễ, vì thế khi tiêu hãy thận trọng!

Sau này, khi bắt đầu bỏ nghề tài chính qua học thiết kế thời trang, Hạnh đã nghĩ đến một thương hiệu áo cưới của riêng mình. Thị trường áo cưới Việt Nam 5 năm trước tràn ngập hàng Quảng Châu, sang hơn là Hồng Kông và một số ít hàng châu Âu.

Không người chủ showroom áo cưới nào chấp nhận khái niệm “áo cưới Việt Nam” vì khách hàng của họ không muốn thế. Những cái mác nho nhỏ Hạnh đính vào mỗi chiếc áo của mình bị cắt đi không thương tiếc để người ta dễ dàng trà trộn số áo ấy vào hàng Hồng Kông. Không nản, Hạnh mày mò từng chút một, một ngày 24h đối với cô không đủ. Và chỉ hai năm sau cái tên áo cưới Hạnh Vũ đã bắt đầu được người tiêu dùng chấp nhận.

Hiện nay 70% các cửa hàng áo cưới ở Hà Nội chấp nhận thương hiệu Hạnh Vũ.

Theo Tiền phong

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật