Tâm điểm đối đầu Mỹ - Trung

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khu vực có mối lo ngày càng lớn về một châu Á bị chi phối bởi Trung Quốc, làm lung lay trật tự hiện tại.
Tâm điểm đối đầu Mỹ - Trung
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc tại Đối thoại Shangri-LaẢnh: THANH TUẤN

Sự vắng mặt rõ nhất ở Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 14 là cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu không thể có mặt như mọi năm. 13 năm trước, tại Đối thoại Shangri-La lần đầu năm 2002, ông Lý Quang Diệu là người phát biểu dẫn đề. Khi đó, ông nhắc tới vụ đâm nhau giữa máy bay chiến đấu của Trung Quốc với máy bay do thám EP-3 của Mỹ trên bầu trời biển Đông năm 2001, làm phi công Trung Quốc tử nạn. Tình hình sau đó theo ông Lý là được “giải quyết ổn thỏa” và “chúng ta thở phào nhẹ nhõm”.

Cân bằng chiến lược thay đổi

Nhưng khi Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai ông Lý Quang Diệu, tuyên bố khai mạc đối thoại năm nay, tình hình không hề “nhẹ nhõm” chút nào. Căng thẳng đang ngày càng tăng giữa Trung Quốc với Mỹ ở biển Đông cũng như giữa Trung Quốc với các nước còn lại quanh việc Bắc Kinh lấn đất với quy mô kinh hoàng ngoài biển.

Ông Lý Hiển Long đánh giá “cân bằng chiến lược ở châu Á đang thay đổi” và Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội. “Thực tế, cạnh tranh giữa các nước lớn là không tránh được. Câu hỏi là cạnh tranh sẽ đi theo hướng nào” - ông đặt vấn đề.

Ông Lý Hiển Long chỉ ra rằng cạnh tranh có mặt từ ở Ngân hàng Đầu tư hạ tầng (AIIB) của Trung Quốc - mà Mỹ từng cản đồng minh tham gia - cho đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ - nhiều người cho rằng dựng lên để ngăn không cho Trung Quốc vào - và cho đến trên biển. Trong bài phát biểu cố gắng không nghiêng về chỉ trích bên nào, ông Lý nói ở biển Đông và biển Hoa Đông, các mâu thuẫn này ngày càng nóng trong vài năm gần đây... Ở biển Đông, các bên đang hành động đơn phương ở khu vực tranh chấp, khoan thăm dò dầu khí, lấn đất, xây dựng đồn trạm và tăng cường sự hiện diện quân sự.

Theo nhận định của Thủ tướng Lý Hiển Long, Mỹ đang phản ứng với những hành động của Trung Quốc bằng việc tăng thêm các chuyến bay và hoạt động tàu chiến vào gần khu vực đang tranh chấp, bắn tín hiệu là họ không chấp nhận các tuyên bố đơn phương về chủ quyền ở biển Đông. Trước tình hình này, ông Lý cho rằng các bên không liên quan (ở biển Đông) không nên chọn lựa phe nào nhưng họ có lợi ích trong các tranh chấp trên biển, đặc biệt là cách giải quyết mâu thuẫn. “Mọi nước châu Á đều tổn thất nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa. Nếu để như diễn tiến hiện tại thì nó sẽ chỉ dẫn tới thêm căng thẳng và hậu quả xấu” - ông Lý nói.

Mỹ ngày càng cứng rắn hơn

Tâm điểm của Đối thoại Shangri-La năm nay được chờ đợi sẽ là cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ bắt đầu phiên mở rộng đầu tiên trong sáng 30-5 với chủ đề “Nước Mỹ và thách thức an ninh khu vực”. “Nước Mỹ sẽ tiếp tục lập luận rằng họ cần bảo vệ tự do hàng hải” - ông John Chipman, Tổng Giám đốc viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), nhận định. Ngày tiếp theo, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cũng bắt đầu phiên thảo luận về “Củng cố trật tự khu vực tại châu Á - Thái Bình Dương”.

Trong lúc này, tình hình đã có biến chuyển ngay cả ở Washington cũng như trong các đồng minh của Mỹ. “Đã có sự không hài lòng ngày càng tăng đối với phản ứng chậm chạp của Lầu Năm Góc trước việc Trung Quốc vươn xa ảnh hưởng ở Đông Nam Á” - ông Alexander Neil, chuyên gia cao cấp về châu Á - Thái Bình Dương của viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La), nói. Theo ông Neil, kể từ sau khi ông Carter được bổ nhiệm và có chuyến thăm châu Á tháng trước thì động thái đối đầu của Mỹ với Trung Quốc đã tăng hẳn. Nhưng ông Neil nhận định nhiều thành viên Quốc hội Mỹ vẫn coi các hành động này là “quá ít và quá chậm”.

Trong khu vực có mối lo ngày càng lớn về một châu Á bị chi phối bởi Trung Quốc, làm lung lay trật tự hiện tại, đặc biệt khi các hành động của Bắc Kinh ngày càng quyết liệt và bất chấp các nước xung quanh. Giáo sư James Kraska của Trường ĐH chiến tranh Hải quân Mỹ đánh giá thế khó của Mỹ: “Nếu làm quá mức thì các nước được “đi tự do” nhờ Mỹ, làm quá ít các nước sẽ sợ hãi và bỏ theo Trung Quốc”.

Cùng lúc, Washington đang ngày càng cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Lầu Năm Góc đang cân nhắc đưa tàu và máy bay vào trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép, vừa thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc vừa bảo đảm quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở khu vực được luật pháp quốc tế công nhận.

Bài phát biểu của ông Carter được dự đoán sẽ đưa ra các chính sách nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc mở rộng các khu vực lấn đất ngoài biển. Nhưng theo giới quan sát, Mỹ hiện có rất ít giải pháp để cản Trung Quốc vì bất cứ hành vi cứng rắn hơn nào cũng có thể dẫn tới xung đột quân sự trực tiếp với Bắc Kinh - điều mà cả 2 bên đều muốn tránh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật