Canh lá lằng nấu tép thấm đượm tình quê

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giữa cái nóng oi bức ngột ngạt của mùa hè trong lòng thành phố, mỗi bữa cơm tôi chỉ ao ước được ăn món canh lá lằng nấu với tép khô ăn kèm với cà muối mà ở quê cứ mỗi trưa hè mẹ thường hay nấu cho cả nhà ăn.
Canh lá lằng nấu tép thấm đượm tình quê
Canh lá lằng ăn với cà muối

Chao ôi! chỉ nghĩ đến đó thôi là tôi đã thấy nhớ cái vị đăng đắng, ngọt bùi của món canh dân dã thấm được tình quê ấy.

Tôi nhớ lúc thơ bé cứ tới đầu tháng năm là tôi cùng lũ trẻ trong làng lại rủ nhau lên đồi hái lá lằng. Cây lá lằng thân gỗ cao chừng 3 m - 4 m, lá chia thùy 5 đến 6 cánh giống như chân chim nên có nơi gọi là cây chân chim.

Cây lá lằng mọc hoang rất nhiều trên triền núi ở quê tôi. Chiều về, trên xe đạp của mỗi đứa đều chở một bó lá lằng, vừa đi vừa nghêu ngao hát những ca khúc tự chế rồi cười nắc nẻ.

Lá lằng ấy mẹ đem phơi khô sau đó vò nát lấy lá, bỏ cuống, gói vào túi ni lông bọc kín. Mỗi sáng ngày hè, ba chị em tôi thường dậy sớm để đi chao tép.  Lúc ấy, trời mát mẻ cá và tép ở các mương nước nổi lên rất nhiều nên dễ bắt.

Lúc mặt trời mọc buông xỏa những tia nắng rực rỡ cũng là lúc giỏ tép đầy. Chúng tôi vội vàng mang về khoe với mẹ chiến tích của mình.

Mẹ đem mớ tép rửa sạch rồi phơi dưới cái nắng chói chang của mùa hè, chỉ qua hai cái nắng là  đã có một mẻ tép khô để dùng.

Có thể nấu lá lằng với cá trích hay tôm đồng nhưng tôi vẫn thích nhất cách nấu của mẹ. Mẹ đun sôi nước, cho một nhúm lá lằng cùng một nhúm tép khô vào rồi thả ba bốn quả cà chua đỏ (quê tôi còn gọi là cà kiu) xắt múi cau vào, nấu thêm khoảng 5 phút là xong.

Cây lằng. Ảnh: Internet

Lá lằng có vị nhẫn rất đặc trưng nên ai lần đầu tiên ăn sẽ thấy khó khăn nhưng nếu ăn quen rồi lại thích vị đắng lạ của món canh dân dã này.

Mẹ thường  bảo vị của món canh  cũng như hương vị của cuộc sống có đắng cay mới có ngọt bùi, qua những ngày dông bão là bình minh thức giấc.

Món canh không có dầu mỡ  lại có vị đăng đắng của lá lằng  hòa quyện cùng  vị ngọt bùi của tép khô thêm vị chua dịu của cà kiu nên ăn vào những ngày hè rất thanh mát giúp giải nhiệt. Ngoài ra, lá lằng còn là một vị thuốc  có tác dụng kíc‌h thí‌ch tiêu hóa, bổ máu, mát gan, lặn rôm sảy mụn nhọt...

Và món canh thêm tròn vị khi ăn cùng cà muối. Tôi nhớ khi còn bé nhà nghèo, trên mâm cơm chỉ con cá đồng kho, bát cánh lá lằng nấu tép khô và vài quả cà muối nhưng với gia đình tôi lúc bấy giờ đó là bữa cơm thịnh soạn nhất.

Tôi đã đi rất nhiều nơi, được ăn nhiều món ngon ở các vùng miền, nhiều sơn hào hải vị đã  nếm qua nhưng tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó rất khó diễn tả thành lời. Hôm rồi tới nhà đứa bạn cùng quê chơi, được bạn đãi món canh lá lằng nấu tép khô  ăn xong  mà rơi nước mắt. Ở thành phố được ăn món canh mang hương vị quê nhà không có niềm hạnh phúc nào có thể diễn tả nổi. Lòng chợt dâng tràn nỗi nhớ nhà, nhớ dáng mẹ hao gầy giữa cánh đồng đầy nắng, nhớ tuổi thơ nghèo khó,...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật