Sáp nhập ngân hàng đã có hiệu quả bước đầu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại TP HCM đã tiến hành 3 thương vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng thành công và bước đầu phát huy hiệu quả.

TPHCM có 12 hội sở và 400 chi nhánh ngân hàng. Thực hiện Đề án 254 của Chính phủ về việc Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 -2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM đã và đang tích cực tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tính dụng. Thành phố đã tiến hành 3 thương vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng thành công và bước đầu phát huy hiệu quả.

Sáp nhập để ngân hàng mạnh hơn

Thương vụ hợp nhất đầu tiên vào cuối năm 2011 của 3 ngân hàng là: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đệ Nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). 3 ngân hàng này thuộc diện yếu kém, bắt buộc phải tái cơ cấu. Sau khi hợp nhất, các ngân hàng này lấy tên là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, sau khi sáp nhập, Ngân hàng SCB đã đi vào ổn định, thanh khoản tốt và bắt đầu có lợi nhuận.

Tiếp theo là thương vụ sáp nhập của Đại Á Bank vào HDbank. Việc sáp nhập này hoàn toàn tự nguyện, không thuộc dạng bắt buộc tái cơ cấu. Hai đơn vị này sáp nhập để nâng cao tiềm lực tài chính, tạo ra ngân hàng lớn mạnh hơn. Hiện HDbank nằm trong top 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam.

Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cho biết: “Sau khi sáp ngân hàng, Hdbank lớn mạnh hơn; tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành, quản trị”.

Việc sáp nhập giữa các ngân hàng phù hợp sẽ phát huy tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, tận dụng được thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, nguồn khách hàng… Ngoài ra, việc hợp tác, sáp nhập cũng giúp cho các ngân hàng tiết giảm được nguồn lực xã hội, chi phí đầu tư và vận hành, thời gian phát triển mạng lưới… để nhanh chóng vươn tới tầm vóc, vị thế thị trường vững chắc. Việc sáp nhập không chỉ dừng lại ở các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn tư nhân mà cả ở các ngân hàng lớn mạnh của nhà nước.

Mới đây, vụ sáp nhập tự nguyện giữa ngân hàng MHB vào BIDV sẽ tăng tiềm lực lớn mạnh và phát huy lợi thế của các ngân hàng. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết: “MHB chuyên về bán lẻ nên chiến lược của BIDV cũng phát triển trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại. Trong 3 năm tới chúng tôi sẽ gia tăng dư nợ tín dụng cho khu vực ĐBSCL 100.000 tỷ đồng”.

Xây dựng ngân hàng có thể cạnh tranh ở khu vực ASEAN

Đề án Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hướng tới xây dựng 1 đến 2 ngân hàng hàng đầu Việt Nam với quy mô ngang tầm khu vực. Việc mua bán, sáp nhập các ngân hàng nhỏ với nhau, hoặc ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn là tất yếu. Điều này thể hiện ở việc, bên cạnh sáp nhập tự nguyện thì gần đây, có một số ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại. Việc mua lại này có ưu điểm giúp củng cố lòng tin của thị trường cũng như bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.

Động thái của Ngân hàng Nhà nước trong chủ trương tái cấu trúc ngành năm nay đã thể hiện sự quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Tiến sĩ Trần Du Lịch,  Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết: “Trong đề án tái cấu trúc có mục tiêu tổ chức một số ngân hàng thương mại Việt Nam có năng lực tương đương một số ngân hàng khư vực Đông Nam Á. Ví dụ, lĩnh vực đầu tư, BIDV và MHB bản chất gần giống nhau và đều là nhà nước, không có lý do gì để tồn tại cả 2. Trong tương lại, một số ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank… cũng như vậy. Mục đích là lấy nòng cốt các ngân hàng này để hình thành một số ngân hàng có quy mô, có thể cạnh tranh  khu vực  ASEAN”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM đang tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc các ngân hàng. Từ nay đến cuối năm, tại TP HCM sẽ có thêm một vụ sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam vào Sacombank.  Hiện các ngân hàng đang tập trung vào tái cơ cấu vốn điều lệ, cổ phần, cổ phiếu, quản trị điều hành và mạng lưới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM, “Ngân hàng Nhà nước TP HCM đang đẩy mạnh giải pháp cơ cấu ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phi tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, thúc đẩy, tạo điệu kiện sáp nhập, hợp nhất,  nhằm giảm bớt các tổ chức tín dụng yếu kém. Những ngân hàng hoạt động bình thường cũng đang tích cực việc tái cơ cấu”.

Việc sáp nhập các ngân hàng tại TP HCM vừa qua cho thấy chủ trương đúng đắn của Nhà nước và xu hướng phát triển tất yếu của thị trường tiền tệ. Nó làm lành mạnh hệ thống tài chính, loại bỏ những ngân hàng yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Đồng thời, tạo ra những ngân hàng lớn mạnh, đủ  sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật