Lời kể của người chăm Bác những năm tháng cuối cùng

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tung tá Trương Thị Thanh Trúc, cựu diễn viên múa đoàn nghệ thuật Quân khu V, luôn kể lại những kỷ niệm, những câu chuyện và lời dạy của Bác Hồ, với cháu con, với bạn bè, đồng đội không biết bao nhiêu lần, về quãng thời gian khi bà được Bộ Quốc phòng biệt phái về công tác ở Phủ chủ tịch với nhiệm vụ tổ chức bữa ăn và các hoạt động văn nghệ phục vụ Bác Hồ từ năm 1964-1969.
Lời kể của người chăm Bác những năm tháng cuối cùng
Bà Trương Thị Thanh Trúc bên những kỷ vật về Bác Hồ - Ảnh: M.Hương

Lúc vào nhận nhiệm vụ ở Phủ chủ tịch, bà Trúc mới 24 tuổi nhưng đã góa chồng và có một con gái nhỏ. Tin chồng hi sinh đến với bà trước giờ lên sân khấu biểu diễn văn nghệ, cũng là lúc bà vừa biết mình đang mang thai.

Nuốt ngược nước mắt, hôm đó bà vẫn múa trọn bài múa khi bên dưới sân khấu nhiều ánh mắt xót thương nhìn lên.

Sinh con xong, bà định gửi con vào Trường mồ côi Đống Đa, tập đeo balô đựng gạch và sẵn sàng lên đường đi B với suy nghĩ: “Là đảng viên có chồng hi sinh, phải ở vậy suốt đời nuôi con và phụng sự lý tưởng”.

Biết được chuyện này, một hôm Bác gọi bà Trúc lên và bảo: “Bé Bích Trâm phải có bố. Đảng không phải là khổ hạnh, cháu à!”.

Rồi bà kể chuyện với Bác về một đồng đội đặt vấn đề tình cảm với mình, Bác chăm chú lắng nghe rồi bảo: “Người con trai đó tốt”.

Ngày vợ chồng bà quyết định đến với nhau và ra mắt anh em đồng chí, Bác gửi tặng một đôi chiếu. Bà nói: “Chúng tôi sống với nhau hạnh phúc cho đến bây giờ. Chính nhờ quan điểm cởi mở, bao dung và rất nhân văn của Bác mà tôi đã tìm thấy được hạnh phúc”.

Bà Trúc kể tiếp: “Cả đời lo cho hạnh phúc của nhân dân nhưng có nhiều khi tôi nhận ra Bác rất cô đơn. Có lần, sau khi đọc bản tin của Thông tấn xã cho Bác nghe xong, tôi với tay định tắt chiếc radio thì Bác bảo: “Cháu cứ để thế cho có tiếng người”.

Giữa đêm khuya, căn phòng chìm vào bóng tối, khu nhà sàn vắng lặng, chỉ có hoa dạ hương ngào ngạt tỏa trong vườn. Tiếng của cô phát thanh viên trong radio rơi vào khoảng không tĩnh mịch. “Tôi để đài cho Bác mà thương Bác đến chảy nước mắt” - bà Trúc nhớ lại.

Nhớ Bác, suốt đời cố gắng sống tốt, làm việc tốt

Bác sống giản dị và tiết kiệm. Bà Trúc nói có sống gần Bác, hiểu Bác mới cảm nhận được sự giản dị đó là máu thịt, là cốt cách, là tâm hồn của Người chứ không phải cố làm ra như vậy.

Quần áo Bác chỉ có mấy bộ sờn cũ mà lần nào anh em phục vụ xin may thêm áo mới, Bác cũng không cho.

“Chiếc chiếu Bác nằm lâu ngày thủng một lỗ khá to. Tôi xin Bác cho thay chiếu mới thì Bác bảo: “Con lấy vải khâu vào, hãy còn dùng tốt”. Bác không thích nằm máy lạnh. Có chiếc quạt giấy to của các cụ già tặng, Bác hay dùng để quạt khi trời nóng.

Khi Bác bệnh nặng, cũng chiếc quạt đó, tôi đứng quạt cho Bác. Gần sáu năm sống gần Bác, nhiều lần tôi được ăn cơm với Bác. Bác bảo đã ăn món gì phải ăn cho hết. Nếu thấy ăn không hết thì để nguyên lại cho người khác ăn” - bà Trúc kể.

Trong nhà bà Trúc, đối diện với bàn thờ gia tiên, bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hình Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lồng khung lớn treo lên trang trọng.

Tấm hình cô văn công Trương Thị Thanh Trúc ngày còn trẻ được gặp Bác Hồ trong Đại hội thanh niên tích cực vượt mức kế hoạch toàn miền Bắc, tấm hình con gái nhỏ Bích Trâm chụp trong trường âm nhạc ngày Bác Hồ đến thăm nay đã ố vàng bà vẫn gìn giữ như một báu vật.

“Nhớ Bác, suốt đời tôi cố gắng sống tốt và làm những việc tốt cho con cháu, cho cuộc đời. Bây giờ, nơi nơi đều thấy phát động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi chỉ mong sao cho cán bộ, lãnh đạo mình học được cái tâm, tấm lòng của Bác với dân với nước” - bà Trúc, người đảng viên có 55 tuổi Đảng, tha thiết.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật