Việt Nam phấn đấu dự báo thời tiết chính xác 85%

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngành khí tượng thủy văn đưa ra mục tiêu trên trong bối cảnh công tác dự báo khí tượng thủy văn còn nhiều hạn chế về máy móc, thiếu cán bộ.
Việt Nam phấn đấu dự báo thời tiết chính xác 85%
Việc dự báo các cơn mưa giông lớn, bất thường hiện vẫn đang gặp khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị góp ý cho dự án Luật Khí tượng thủy văn ngày 18/5, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định, công tác dự báo ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc so với 5-10 năm trước, dự báo đã chính xác và thời gian dự báo dài hơn. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế xã hội, đặc biệt là công tác dự báo bão, cảnh báo mưa lớn.

Ngoài những bất cập về thiết bị máy móc, hạ tầng kỹ thuật, lãnh đạo trung tâm khí tượng cho hay, đội ngũ cán bộ dự báo viên giỏi tại Việt Nam ngày càng ít dần. “Một trong những nguyên nhân là thu nhập thấp, đời sống cán bộ, viên chức của ngành khó khăn hơn so với các ngành nghề khác trong xã hội, khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao”, lãnh đạo ngành khí tượng phân tích.

Người đứng đầu trung tâm dự báo cho hay, sau khi củng cố hệ thống dự báo, đến năm 2020 dự báo thời tiết hàng ngày sẽ đạt độ chính xác 80-85%, đồng thời tăng thời hạn dự báo bão đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á. Mức cảnh báo lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2-3 ngày, ở Trung Bộ lên 2 ngày và ở Nam Bộ lên tới 10 ngày với độ chính xác 80-85%. Bên cạnh đó, ngành sẽ đa dạng hóa sản phẩm dự báo: dự báo khí tượng thủy văn biển hàng ngày và 5-7 ngày; dự báo khí tượng thủy văn cực ngắn (6-12h), đặc biệt là dự báo định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, nguy cơ lốc, tố, vòi rồng.

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/5, khi thảo luận về dự án luật Khí tượng thủy văn, các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập trong công tác dự báo thời tiết. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề thông tin dự báo sai thì trách nhiệm thế nào, ai chịu trách nhiệm? "Thực tế dự báo sai có rồi. Dự báo sáng mai bão vào, nhưng tối nay đã vào rồi. Bão mạnh thì nói yếu. Chưa nói đến thiệt hại mà chỉ thông tin sai thôi sẽ ảnh hưởng đến người dân, dẫn đến lần sau vận động dân đi tránh bão rất khó, có khi phải cưỡng chế. Tôi sợ nhất dự báo sai vì rất nguy hiểm”, ông Sơn nói.

Cùng chung quan điểm, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, từ trước tới nay khi dự báo sai, chưa thấy ai nhận trách nhiệm, thậm chí chưa có lấy một lời xin lỗi. Ông Lý ví von: “Nắng mưa là bệnh của trời, còn tôi dự báo tạm thời thế thôi” và đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm khi dự báo khí tượng thủy văn sai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật