Gà trống loay hoay khi muốn hôn con

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gà trống nói: “Cho cha hôn cái nào. Má bên phải nào..., má bên trái nào... và trán nào...”. Gà con nói: “Cho con hôn cha cái nào...“.
Gà trống loay hoay khi muốn hôn con
Ảnh minh họa

Gà con hôn gà trống không phát ra tiếng kêu, nhưng gà trống cảm nhận được hơi ấm và mùi sữa của gà con, cái mùi thơm mà không có cái mùi nước hoa nào sánh nổi. Ôm gà con vào lòng, gà trống thấy thật ấm áp tình thương, cảm giác hạnh phúc ấy càng lớn hơn khi sau lưng có gà mái đang đứng nhìn say sưa.

Gà trống sinh ra ở vùng quê miền Trung nắng gió, ngày tháng vui vẻ với trồng lúa, gặt lúa và ăn lúa. Lúc mười tám tuổi, hăng hái tòng quân với mong muốn bay qua hàng rào vườn nhà, nhưng tài hèn chí đoản, gà trống lại về trồng lúa, ăn lúa. Hơn 30 tuổi, gà trống theo các em học cao đẳng tại một trường làng, sau khi tốt nghiệp vào TP HCM với hy vọng có được hạt lúa lớn hơn khi làm cho một công ty xây dựng. Sau hai năm, gà trống gặp gà mái, tuổi tương đương, là cán bộ công chức, sinh ra và lớn lên ở TP HCM. Một đám cưới đơn sơ diễn ra sau hơn hai năm. Cùng năm đó, một chú gà trống con ra đời.

Gà chíp con càng đáng yêu bao nhiêu thì tình cảm của gà trống và gà mái càng khó thương bấy nhiêu. Lỗi là ở gà trống khi định đưa cặp “cựa cùn” của mình ra để tặng cho gà mái cái sừng, nhưng chưa kịp tặng thì gà mái sinh gà con và cái sừng chưa kịp mọc thì đã biến mất. Thời gian ở cữ, gà mái “mọc cựa”, cái cựa cực lớn khi gà con được 6 tháng. Gà trống từ đây ở nhà chăm sóc gà con để cho gà mái quay lại công việc sau khi nghỉ thai sản. Gà trống biết lỗi là đã để cho lúa, gạo và sạn trộn lẫn vào nhau, biết là không thể nuốt nổi nên đã hàng ngày âm thầm phân loại lúa ra lúa, gạo ra gạo.

Thay vì giúp đỡ gà trống, gà mái chỉ thích đá vì đã mọc cựa rồi, cái cựa mà gà trống không biết là đã có mầm mống, chỉ đợi thời cơ là mọc ra. Ngày thì gặp cái gì vướng chân là gà mái đá, nhiều đêm không biết suy nghĩ gì tự nhiên cũng đá, không những đá gió mà đá vào tay, vào chân và thậm chí cả mặt. Cựa gà mái không có thì thôi chứ có thì sắc thật, thỉnh thoảng làm cho gà trống thương tích. Dù thương tích nhưng gà trống biết mình có lỗi nên âm thầm chịu đựng và thương gà mái hơn. Gà trống chịu được ít trận, chứ trường kỳ thì làm sao chịu nổi, đặc biệt hơn là “đá móc họng” cả họ hàng nhà gà trống. Họ hàng gà trống cũng dạy con họ hết khả năng, tại con họ không học hết những gì họ dạy thôi. Vậy họ có lỗi gì chứ?

Gà con được tuổi rưỡi thì trong nia trong thúng không còn hạt lúa hạt gạo nào vì bung ra ngoài hết rồi. Không còn gì để lượn nhặt nên gà trống quay đi và gà mái cũng đi về hướng khác, để lại chú gà con mới biết đi mà chưa biết gáy, loay hoay ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra, chỉ biết dang tay ra bắt không được nên khóc thôi.

Sau hơn một năm quấn quýt, cha con gà làm sao rời nổi nhau, thương gà con vô cùng. Gà trống muốn ôm hôn gà con đến hết cuộc đời này lắm, nhưng ngặt một nỗi là sau một năm nghỉ việc chăm gà con, gà trống xem như trắng tay. Nếu đưa gà con về nội thì khó khăn cho gà con vì đó là vùng quê sỏi đá, đi quá xa mới tới trường. Đón bà nội vào Sài Gòn thì không thể vì bà đang có trọng trách nặng với hai đứa cháu gái. Điều đáng nói nữa là gà trống bắt đầu công việc mới thì cũng khó, quay lại với công việc kỹ thuật xây dựng là phải đi công trường.

Gà mái thuận buồm xuôi gió hơn khi công việc đang ổn định và nhà ngoại lại ở Sài Gòn. Oái oăm thay gà mái lại là người không thương con và không muốn nuôi con. Đáng thương hơn cho chú gà con dễ thương, hay cười có đôi lúm đồng tiền lại phải nhận sự sỗ sàng trong thể hiện lòng không thương con của gà mái... Xin hỏi các bạn là gà trống phải hôn gà con như thế nào đây?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật