Xây cầu đường sắt Bình Lợi thay cầu 113 tuổi ở Sài Gòn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cầu đường sắt Bình Lợi mới thuộc dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng kết nối vào ga Sài Gòn vừa được động thổ sáng 28/4. Đây cũng là dự án đường thủy đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT.
Xây cầu đường sắt Bình Lợi thay cầu 113 tuổi ở Sài Gòn
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cùng lãnh đạo UBND TP HCM, tỉnh Bình Dương thực hiện nghi thức động thổ dự án. Ảnh: H.C.

Sáng nay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND TP HCM và tỉnh Bình Dương đã động thổ dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương).

Cầu đường sắt Bình Lợi mới được xây dựng để thay thế cầu cũ đã 113 tuổi, hiện xuống cấp làm tắc nghẽn tuyến giao thông thủy trên sông Sài Gòn. Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Sau khi hoàn thành sẽ giúp vận tốc chạy tàu qua cầu Bình Lợi đạt 100 km/h.

Cùng với việc xây dựng cầu Bình Lợi, Bộ GTVT cũng tiến hành cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn dài 71 km từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc, tỉnh Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải thủy trong khu vực Đông Nam Bộ.

Toàn bộ dự án nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ Bình Lợi đến cảng Bến Súc và xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi có tổng mức đầu tư 1.302 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và vốn ngân sách. Trong đó, vốn của nhà đầu tư là 172 tỷ đồng, TP HCM hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 156 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương cho vay không tính lãi 300 tỷ đồng, phần còn lại là vốn vay.

Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý các dự án đường thủy thuộc Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư thực hiện là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị xanh và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng STD Việt Nam.

Do tĩnh thông thuyền thấp (1,8 m) nên khi có thủy triều lên nhiều tàu thuyền bị mắc kẹt dưới gầm cầu đường sắt Bình Lợi hiện hữu. Ảnh: An Nhơn.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đang xã hội hóa nhiều lĩnh vực của ngành giao thông như đường bộ, hàng không, đường sắt. Nhưng đây là dự án đường thủy đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT.

"Việc nâng cấp luồng Sài Gòn và xây cầu Bình Lợi sau khi hoàn thành sẽ khơi thông luồng sông Sài Gòn, cho tàu có trọng tải lớn hơn ra vào các cảng dọc sông Sài Gòn được thuận lợi, giúp lưu thông hàng hóa trong vùng Đông Nam Bộ", ông Đông nói.

Cầu đường sắt Bình Lợi là đoạn quan trọng nhất của dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng để kết nối vào ga Sài Gòn được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Đây cũng là cây cầu vượt sông Sài Gòn đầu tiên.

Sau 113 năm khai thác, cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền hiện tại của cầu chỉ 1,8 m nên khi có thủy triều lên, nhiều tàu, thuyền đã mắc kẹt dưới gầm cầu. Việc này dẫn đến khả năng sập cầu nên TP HCM đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn xây đường sắt trên cao vượt sông Sài Gòn để thay thế cầu đường sắt Bình Lợi hiện nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật