Không thể ‘giải cứu’ nông sản bằng việc ‘Thứ trưởng đi bán dưa’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kế hoạch “giải cứu“ nông sản phải mang tính dài hơi và quy định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, chứ không thể nông nghiệp lo sản xuất, còn công thương lo bán hàng...
Không thể ‘giải cứu’ nông sản bằng việc ‘Thứ trưởng đi bán dưa’
Nông sản cứ đến hẹn lại “được mùa, rớt giá“ đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý của các bộ, ngành liên quan trong việc tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản

Quan điểm này được ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nêu lên tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 27/4.

Chuyện xuất khẩu nông sản đến hẹn lại lên "được mùa, rớt giá", rơi vào vòng luẩn quẩn bế tắc đầu ra đã tái diễn trong nhiều năm. Đáng nói, dù thực trạng này lặp đi lặp lại nhưng vẫn không có giải pháp giải quyết căn cơ. Đầu ra cho mặt hàng nông sản tới mùa vụ vẫn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Trước thực tế sụt giảm về giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sụt giảm lên tới hơn 13%, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, sự sụt giảm này một phần nguyên nhân là do cân đối cung cầu trên thị trường thế giới thay đổi nhiều so với năm 2014. Trong khi đó, giá liên tục giảm, thậm chí 1 số mặt hàng như cà phê, thủy sản… giá đã giảm sâu.

“Nhiều đối tác gia tăng xuất khẩu khiến cung đang lớn hơn cầu. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, ngay cả với một số sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh của chúng ta như gạo, cà phê, cao su…”, Thứ trưởng Tuấn Anh nói.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỏ ra lo lắng, thị trường đầu ra khó khăn, cung liên tục tăng nhưng đáng buồn là chất lượng không tăng.

“Nếu không tập trung vào tăng cường an toàn chất lượng sản phẩm thì chúng ta còn thiệt hại nữa về xuất khẩu”- ông Thừa bày tỏ, nhưng vẫn kỳ vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 vẫn “cán đích” 32 tỷ USD.

Dù thủy sản là một trong số ngành hàng cũng chịu chung “số phận” giảm sút xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm, cá biệt có mặt hàng như tôm giảm tới 38,1% sản lượng kim ngạch xuất khẩu, nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển thủy sản Việt Nam (Vasep) không tỏ ra quá lo lắng.

“Chuyện thị trường lên xuống phải được nhìn dài hạn và có biện pháp ngắn hạn để đối phó, nhưng cũng không gấp gáp tới mức phải hối hả để bù đắp quý này, quý kia” – ông Dũng nói.

Nhắc tới câu chuyện điều hành, ông Dũng cũng cho rằng, cả các giải pháp điều hành trong ngắn hạn, hay dài hạn của các bộ, ngành đều đang có vấn đề. Lâu nay “phối hợp” vẫn là điều chúng ta nói tới nhiều nhất, nhưng lại làm yếu nhất.

“Chúng ta nói tới chuyện giải cứu nông sản, tránh “được mùa, rớt giá”, nhưng không thể có ông Thứ trưởng Công thương đi bán gạo, bán cá, hay bán dưa hấu được”- ông Dũng nói thẳng. Theo ông, việc quản lý chuỗi sản xuất nông nghiệp và bán hàng phải đặt trách nhiệm về Bộ Nông nghiệp, chứ không phải bây giờ khâu sản xuất thì nông nghiệp lo, còn bán hàng thì công thương lo.

“Nếu không có một chính sách giải quyết vấn đề ách tắc thì bên vẽ cứ vẽ, bên làm cứ làm. Nhiều khi tôi ngạc nhiên, vì sao Việt Nam không thể vô địch về đá bóng, vì các bộ, ngành đã làm rất giỏi, đá bóng cũng rất giỏi” – ông Dũng thẳng thắn.

Ngay như việc tính toán, thống nhất giữa mục tiêu điều hành giữa Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và DN cũng đang “vênh” nhau. Trong khi Bộ NN&PTNT chỉ tập trung vào sản lượng, quy đổi ra tấn; thì Bộ Công thương tín bằng tỷ USD xuất khẩu, trong khi DN tính tới lợi nhuận. “Ba nhóm chỉ tiêu này cần có sự thống nhất, thong tin phù hợp thì mới tránh được chỉ đạo chồng chéo, gây khó khăn cho nhau” – ông Dũng nói thêm.

Chia sẻ quan điểm với ông Dũng, nhưng Thứ trưởng Tuấn Anh lại có cách nhìn khác. Theo ông, đúng là trách nhiệm của Bộ Công thương không phải đi bán vải, bán dưa hấu, bán cá… mà phải xây dựng chính sách, tìm hệ thống phân phối, tiếp thị, tiêu thụ.

Tuy nhiên, trách nhiệm từng bộ, ngành không nhất thiết phải quá rạch ròi như vậy. Vì chính sự rạch ròi, thiếu quy hoạch tổng thể, nên đứt đoạn về mặt thông tin giữa các bộ và chính quyền địa phương, người dân. Ngoài ra, cũng không thể bằng biện pháp hành chính như ra lệnh bắt người dân phải trồng theo quy hoạch cứng, mà phải dựa trên thị trường để tạo điều kiện cho người dân, DN phát triển.

“Quy hoạch chỉ quan niệm cứng thì rất khó”- Thứ trưởng Tuấn Anh nói. Nhưng từ thực tế câu chuyện xảy ra với mặt hàng dưa hấu, hành tím hay gần đây nhất là gạo, Bộ cũng đã rút kinh nghiệm để thay đổi chính sách điều hành tốt hơn. “Lâu nay khâu tiêu thụ thị trường nội địa, đặc biệt là ở chợ truyền thống, chợ đầu mối… còn yếu. Sắp tới, chúng ta sẽ tính tới đầu tư nâng cấp các chợ đầu mối này nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa”- lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật