‘Nóng’ lộ trình mua bán, sáp nhập ngân hàng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bước vào quý II, nhiều ngân hàng đồng loạt tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Qua mùa đại hội này, dần lộ diện nhiều cặp đôi ngân hàng chính thức hợp nhất, sáp nhập.
‘Nóng’ lộ trình mua bán, sáp nhập ngân hàng
Ảnh minh họa

Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, đây là giai đoạn mà lộ trình mua bán, sáp nhập ngân hàng được đẩy nhanh và quyết liệt.

Dồn dập sáp nhập Sau một thời gian dài xuất hiện thông tin đồn đoán trên thị trường thì mới đây, phương án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đã được các cổ đông thông qua. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Southern Bank Mạch Thiệu Đức, tiến trình sáp nhập hai ngân hàng này đã đi được 90% quãng đường.

Dự kiến, kế hoạch sáp nhập sẽ được hoàn thành trong nửa đầu năm 2015. Còn theo ông Trầm Bê, cố vấn cao cấp của Southern Bank, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực Sacombank, phương án sáp nhập giữa hai bên sẽ thực hiện trong quý II-2015.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 diễn ra giữa tháng 4, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà cũng cho biết, thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 5 tới. Trong khi đó, tại Đại hội cổ đông thường niên của VietinBank, các cổ đông của ngân hàng này cũng đã thông qua đề án sáp nhập PGBank. Theo Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ, sau khi có chấp thuận về nguyên tắc, hai bên sẽ thành lập ban điều phối và hoàn thành quá trình sáp nhập. Dự kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chấp thuận về nguyên tắc sáp nhập vào tháng 6-2015.

Như vậy, sau một thời gian dài thương thảo, các thương vụ mua bán, sáp nhập đang dần lộ diện một cách rõ ràng. Những động thái này cũng phần nào chứng minh quyết tâm của cơ quan quản lý khi ngay từ đầu năm Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: Việc tái cơ cấu, hợp nhất ngân hàng sẽ được NHNN triển khai quyết liệt trong sáu tháng đầu năm 2015. Giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ có những tổ chức tín dụng mạnh hơn và thông qua đó để xử lý ngân hàng yếu như ngân hàng lớn phải nhận ngân hàng nhỏ; hoặc có những tổ chức tín dụng sẽ do NHNN trực tiếp xử lý.

Đánh giá về tiến trình này, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng, hiện nay Chính phủ đã có Nghị định về việc xác lập lại rõ ràng vai trò của NHNN trong quá trình tham gia vào các tổ chức tín dụng (TCTD), định giá lại giá cổ phiếu để NHNN như là một chủ thể Nhà nước tham gia vào quá trình cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức đó hoặc chính NHNN có thể chỉ định các ngân hàng thương mại tham gia vào. Đây cũng là một bước đi phù hợp.

Tuy nhiên, ẩn sau mỗi thương vụ là một quá trình vô cùng phức tạp không dễ gì giải quyết trong thời gian ngắn. Những khúc mắc của các cổ đông như vấn đề hoán đổi cổ phần hay câu chuyện "hậu sáp nhập" sẽ diễn ra như thế nào,... vẫn là vấn đề quan tâm. Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, với tỷ lệ mà Ban lãnh đạo đề xuất với cổ đông hiện nay là 1 cổ phiếu của PGBank tương đương 0,9 cổ phiếu của VietinBank, qua đó cũng đã phản ánh những giá trị của hai ngân hàng cũng như những tiềm năng, triển vọng trong quá trình hợp nhất. Trong khi đó với BIDV và MHB, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng này ngang nhau 1-1.

Cơ hội sau sáp nhập Theo thông tin từ NHNN, đây là giai đoạn NHNN chủ trương thực hiện theo đúng lộ trình của Đề án Tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 đã được phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong năm 2015 này, sẽ có một số ngân hàng thương mại hợp nhất, sáp nhập với nhau để làm sao cố gắng trong vòng một vài năm nữa, sẽ đạt mục tiêu Việt Nam chỉ còn lại khoảng 20 ngân hàng. Việc sắp xếp, thu gọn lại hệ thống để giảm bớt về mặt số lượng ngân hàng đang được NHNN và các ngân hàng ráo riết triển khai. Nhưng theo nhiều ý kiến, để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động và có một vài ngân hàng tầm cỡ khu vực thì việc nâng cao chất lượng, quy mô và vị thế của các ngân hàng đang trở thành yêu cầu cốt lõi cho tiến trình tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo.

Nhìn về tương lai, phần lớn các ngân hàng chính thức công bố kế hoạch sáp nhập như đã nêu ở trên đều bày tỏ sự lạc quan về các thương vụ này. Dự kiến sau khi sáp nhập PGBank, tổng tài sản của VietinBank sẽ tăng thêm hơn 25 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỷ đồng. Cùng với việc tăng vốn, cuộc "hôn nhân" với PGBank cũng mang lại cho VietinBank cơ hội mở rộng mạng lưới trong bối cảnh hiện tại, NHNN chỉ khuyến khích mở rộng mạng lưới ở khu vực nông thôn, hạn chế phát triển chi nhánh ở đô thị.

"Thông qua việc tận dụng các trạm xăng của Petrolimex và nhiều đại lý, VietinBank sẽ cung cấp đa dạng dịch vụ tài chính - ngân hàng, bán chéo sản phẩm; mở rộng cơ sở khách hàng để đẩy mạnh hoạt động dịch vụ và tạo đà phát triển mạnh mảng ngân hàng bán lẻ cho VietinBank qua việc cung cấp và phát triển dịch vụ tài chính cho nhóm khách hàng là nhân viên của Petrolimex, đối tác và khách hàng mua xăng; nâng tầm mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài với các tổng công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng, tăng quy mô tín dụng và đầu tư, doanh số và số dư tiền gửi, tạo nguồn thu ổn định, lâu dài cho VietinBank", Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ nhận định.

Trong khi đó, BIDV cũng rất lạc quan khi sáp nhập với MHB. Theo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà, sau sáp nhập, thị giá cổ phiếu BIDV sẽ không những không thay đổi mà còn tốt hơn.

Cùng với đó, dù cổ phiếu MHB chưa niêm yết nhưng thị giá giao dịch trên OTC đang nhích lên.

"Việc sáp nhập MHB vào BIDV không chỉ giúp BIDV mở rộng mạng lưới, nền khách hàng, mà còn tăng cường năng lực của BIDV trong mảng nông nghiệp - nông thôn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của BIDV trở thành định chế tài chính Việt Nam vững mạnh, có chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập với các ngân hàng trong khu vực và thế giới", ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh.

Những cơ hội mở ra sau sáp nhập của các TCTD trong những tháng đầu năm 2015 cho thấy phần nào mục tiêu tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại hoạt động và quản trị đã đạt được kết quả khích lệ bước đầu.

Đây cũng là xu hướng cần thiết và tất yếu trong quá trình hội nhập.

Đánh giá về một số thương vụ sáp nhập của các nhà băng trong thời gian gần đây, Hãng tín nhiệm Moody’s cho rằng việc tăng cường sáp nhập các ngân hàng của Việt Nam là một tín hiệu tích cực, bởi nó sẽ giúp loại bỏ một số ngân hàng yếu kém và trong vài trường hợp -là những nhà băng yếu nhất trong hệ thống. Việc giảm số lượng các ngân hàng này, ngoài tránh lây lan nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống, còn giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc thực thi các quy định và giám sát hệ thống.

"Thực tế thời gian qua có thể thấy, mặc dù chúng ta không tuyên bố phá sản nhưng sự ra đi của một số ngân hàng tên tuổi đã diễn ra. Thứ nhất là bằng cách mua bán, sáp nhập, gần đây có một số ngân hàng "biến mất" do bị NHNN mua lại. Việc mua lại này có ưu điểm giúp củng cố lòng tin của thị trường cũng như bảo đảm quyền lợi người gửi tiền. Ngoài ra, do NHNN biết rõ nhất các ngân hàng yếu kém, cho nên họ có thể cùng một đội ngũ chuyên nghiệp hơn tham gia xây dựng lại chiến lược, cơ cấu lại những ngân hàng này".

TS VÕ TRÍ THÀNH Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư

"Việc sáp nhập ngân hàng phải giải quyết được những vấn đề tồn đọng nhiều năm để lại, nên cần một thời gian đủ dài để tất cả các hoạt động này đi vào thực chất. Sáp nhập ngân hàng không chỉ đơn thuần là loại bỏ về mặt số lượng các ngân hàng tồn tại trên thị trường, mà cần mang lại sự ổn định cho hệ thống ngân hàng một cách thực chất nhất".

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU Chuyên gia ngân hàng

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật