Chiêm ngưỡng bộ xương cá voi khủng khắc hình Bác tại Quảng Bình

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách đây 200 năm, người dân Sa Động xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) may mắn được đón ’Ngài’ (Cá voi) lụy bờ. Từ đó đến nay, người dân thờ tự ngài như một báu vật của thôn.
Chiêm ngưỡng bộ xương cá voi khủng khắc hình Bác tại Quảng Bình
Cá voi rất to lớn làm cho ngư dân không thể đưa được Ngài vào bờ

Dẫn chúng tôi tới đình làng Sa Động, nơi đã thờ “Ngài” từ 200 năm nay, ông Trương Phương Xa - người thủ từ đình làng Sa Động từ tốn mở cánh cửa. Đập vào mắt chúng tôi là đốt xương cá Ông được khắc hình Bác Hồ đặt nghiêm trang trong tủ kính. Ông Xa nói: “Hiện nay làng Sa Động đang thờ 2 đốt sống của cá Ông, trong đó có một đốt được khắc hình Bác, nặng khoảng 20kg”.

 

Đình làng Sa Động, nơi ngư dân thờ tự Ngài kể từ khi Ngài lụy bờ đến nay

Từ khi lớn lên, các thế hệ ngư dân ở làng Sa Động nghe các bậc cha ông kể lại, cách đây 200 năm, vào một ngày tháng tư âm lịch tại vùng biển cửa sông Nhật Lệ, ngư dân phát hiện một con cá Voi to lớn trôi dạt vào bờ. Ngư dân làng Sa Động liền căng buồm tiến sát về phía Ngài (cá Voi), rồi thông báo cho các ngư dân xung quanh. Cùng lúc đó, ngư dân vùng Đông Hải (Hải Đình ngày nay) cũng biết và đến chung tay góp sức đưa ngài vào cửa biển Nhật Lệ. Cá voi rất to lớn, xung quanh lại có nhiều đàn cá hung dữ như cá xà, cá mập vây quanh, làm cho ngư dân không thể đưa được Ngài vào bờ.

Khi đó, vạn chài có một ông tên là Khóa Thép thắp hương “lên đồng”, khi “lên đồng” ông đã hô lớn: “Ngài linh thiêng thì nổi gió và dâng nước lên cao để con dân đưa ngài vào bờ chôn cất và thờ phụng”. Ông Khóa Thép vừa dứt lời khẩn, tự nhiên thấy trời nổi gió lớn, mặt biển sóng to dữ dội và lúc sau Ngài vào được đến cửa sông Nhật Lệ.

Đưa được ngài vào, việc đầu tiên là người dân vượt sông vận chuyển đất sét cách xa mấy cây số về để đắp một con đập nhỏ chặn dòng lạch nhằm ngăn nước mặn xâm nhập. Lễ an táng ngài được thực hiện linh đình, có phường bát âm, có múa bông, chèo cạn....

Ông Trương Văn Đuốc (79 tuổi) nhớ lại chuyện ông nội từng kể khi còn nhỏ: “10 năm sau khi chôn cất Ngài, người ta thấy lênh láng mỡ vàng sóng sánh nổi trên mặt nước. Đến năm thứ 11 khi dòng nước trong xanh, làng mới cất bốc đưa hài cốt Ngài vào thờ tại đình làng Sa Động”.

Vùng nước phía trước đình làng Sa Động là nơi người dân chôn Ngài

Khắc hình Bác trên đốt xương lớn nhất

Trong hai cuộc chiến tranh, một thời gian dài TP.Đồng Hới bị san phẳng, xã Bảo Ninh cũng bị tàn phá nặng nề nhưng kỳ lạ thay, trong mưa bom, bão đạn, khu hậu tẩm nơi cất giữ bộ xương của Ngài cũng không hề bị ảnh hưởng.

Hiện tại, Bộ xương cá voi đang được trưng bày tại Bảo tàng biển Đồ Sơn (Hải Phòng)

Nghe tin làng Sa Động có thờ một trong mười bộ xương cá Voi lưng gù lớn nhất thế giới, năm 1968, Trung ương có giấy mượn bộ xương ngài ra triển lãm. Những ngư dân Sa Động vốn thờ tự ngài như một niềm tín ngương vô cùng lớn lao đã đứng ngồi không yên. Họ lo lắng, rồi đây nếu đưa Ngài đi thì liệu Ngài có quay trở về với dân làng nữa không? Ngày đưa Ngài đi, những ngư dân nước mắt lưng tròng. Muốn lưu giữ một cái gì đó của Ngài để thờ tự, người dân âm thầm giữ lại 2 đốt xương sống lớn nhất của Ngài sang một ngôi nhà giữa xóm để cất giữ. Cũng kể từ ngày ấy, ngư dân bặt vô âm tín về bộ xương của Ngài.

Năm 1969, người làng Sa Động nhận tin Bác Hồ qua đời. Với niềm tiếc thương khôn nguôi, dân làng đã họp bàn rồi quyết định khắc hình Bác lên Ngài để cùng thờ tự cho thế hệ mai sau ghi nhớ công ơn của người.

Đốt tạc hình ảnh Bác Hồ được thờ trong tủ kính rất đẹp và trang nghiêm

Làng Sa Động có họa sỹ tài hoa Phạm Minh Trường được phân công làm nhiệm vụ trọng đại ấy. Ông đã mất gần ba ngày để chọn lựa hình của ảnh Bác và khắc lên đốt xương sống của Ngài rồi thỉnh vào đình làng. Đốt tạc hình ảnh Bác Hồ được thờ trong tủ kính rất đẹp và trang nghiêm. Đốt còn lại cũng đặt thờ trong khu hậu tẩm như một vật báu của làng.

Theo ông Xa, sở dĩ người dân lựa chon khắc hình tượng Bác lên đốt xương của Ngài vì người dân quan niệm, Cá Voi là ân nhân của ngư dân khi gặp nạn trên biển, mang lại cuộc sống bình yên, may mắn của họ trên đất liền. Còn Bác Hồ là vị anh hùng của dân tộc, giúp hàng triệu con người Việt Nam thoát khỏi ách n‌ô l‌ệ thực dân phong kiến, mang lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như ngày nay. Vì vậy cả hai đều được dân làng tôn kính, thờ phụng.

Ông Trương Phương Xa, bên đốt xương cá voi khắc hình tượng Bác Hồ

Trải qua năm tháng, người dân thôn Sa Động luôn có nguyện vọng tìm được Ngài và đưa Ngài hồi hương về chốn đang thờ tự. Quá trình tìm kiếm gian lao, cuối cùng dân làng Sa Động cũng tìm được hài cốt Ngài tại Bảo tàng biển Đồ Sơn. Ông Xa nhớ lại giây phút xúc động: “Khi chúng tôi nhìn thấy hài cốt của Ngài, trong đoàn không ai nói với ai một lời, bất chợt nước mắt rưng rưng, chắp tay vái lạy bộ xương mà bao thế hệ trong làng xem đó là bậc uy linh”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật