“Điều quan trọng là mọi người cùng hát lên”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là tự bạch của nhạc sĩ Trần Cường, thành viên của nhóm nhạc sĩ ba người gồm: Lê Nguyên Thêm, Lê Đăng Vệ, Trần Cường - cả ba đều là người Hòn Gai cũ và là ba anh em cùng huyết hệ, cùng tụ lại, làm nên một đêm nhạc hoành tráng với chủ đề “Lời ca tôi hát” nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng Vùng Mỏ.
“Điều quan trọng là mọi người cùng hát lên”
Nhóm nhạc sĩ (từ trái qua phải) Lê Nguyên Thêm, Trần Cường, Lê Đăng Vệ đang lên chương trình cho đêm nhạc “Lời ca tôi hát”.

Đêm 23.4, Nhà văn hóa lao động Việt - Nhật (TP.Hạ Long) 800 ghế ngồi chật kín, khán giả không có giấy mời ngồi cả xuống bậc tam cấp và đứng ken nhau nêm cứng hai cửa chính ra vào. Có lẽ đã khá lâu, sân khấu biểu diễn của nhà Việt - Nhật mới lại có một đêm sôi sục, thu hút đông người như vậy. Tham gia chương trình, bên cạnh các ca sĩ chuyên nghiệp đến từ Hà Nội: Quang Thọ, Việt Hoàn, Ngọc Anh, Tân Nhàn, Hồng Chinh, Tô Minh Thắng và nhóm Thạch Anh Tím, còn có Đội văn nghệ Cty Than Hòn Gai, một trong số đơn vị xuất sắc nhất của phong trào văn nghệ quần chúng Tập đoàn Than - Khoáng sản VN và tập thể học sinh Trường Mầm non Bạch Đằng.

Đêm nhạc được trải rộng với 16 ca khúc của ba nhạc sĩ. Lê Nguyên Thêm: Vùng Than nhớ Bác, Yêu người thợ mỏ, Hạ Long thu sang, Ngẫu hứng thợ lò; Cây đàn Hạ Long... Lê Đăng Vệ: Cẩm Phả tôi yêu, Sao hôm sao mai, Nhớ về phương Nam, Mùa xuân Tiên Yên, Bài ca bóng đá Than Quảng Ninh. Trần Cường: Bài ca Trường Mầm non Bạch Đằng, Hạ Long thành phố tôi yêu... Hầu hết các ca khúc được trình diễn trong đêm nhạc đều xoay quanh chủ đề về tình yêu - mảnh đất - con người.

Trong đó hình tượng người thợ mỏ và thiên nhiên vùng di sản là những vẻ đẹp nổi bật nhất được nhắc tới bằng những giai điệu hào sảng nhưng cũng rất sâu lắng, mượt mà. Đơn giản, Lê Nguyên Thêm vốn là một kỹ sư khai thác mỏ đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của ngành Than; Lê Đăng Vệ gắn đời mình với câu lạc bộ bóng đá và sân khấu ca nhạc của Vùng Mỏ suốt tuổi trẻ và cho đến tận hôm nay. Trần Cường là một người lính đã đi qua chiến tranh và phần đời còn lại của anh giờ đây là dành cho âm nhạc thiếu nhi và các sáng tác về thành phố quê hương trong thực tại.

Hiếm có một chương trình biểu diễn nào, các ca sĩ trên sân khấu hát, khán giả đồng thanh vỗ nhịp cùng hát theo. Thật xúc động khi trong màn biểu diễn sau cùng - bài hát: “Hạ Long thành phố tôi yêu” (sáng tác của Trần Cường) - người xem tràn lên sân khấu cùng cất tiếng. Cả khán phòng bỗng trở thành một dàn hợp xướng nghìn người. Có lẽ đây là thời khắc ý nghĩa và thăng hoa nhất của đêm biểu diễn. Khoảng cách giữa ca sĩ và khán giả bị xóa nhòa. Tất cả chỉ còn có âm nhạc và tiếng hát vang lên kết nối tình yêu thương giữa con người với con người và con người với thành phố nơi họ đang sống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật