Nhà biên kịch, đạo diễn Thu Phương: Tri ân quá khứ bằng những lời thề

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Đó là câu chuyện của 40 năm trước, nơi cửa ngõ phía đông Sài Gòn có một tổ chiến đấu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, rồi một người trong số họ đã hy sinh…” - Nhà biên kịch - đạo diễn Thu Phương (đoạt nhiều giải thưởng văn học, sân khấu và truyền hình) chia sẻ với Lao Động về vở kịch “Lời thề độc lập” mà chị dàn dựng nhân dịp kỷ niệm 30.4, sắp sửa lên sóng HTV.
Nhà biên kịch, đạo diễn Thu Phương: Tri ân quá khứ bằng những lời thề
Ảnh minh họa

Nhớ chuyến xuyên Việt đầu tiên theo xe bộ đội…

Phương có thể nói rõ hơn về vở kịch?

- “Lời thề độc lập” là kịch bản gốc của anh Mai Quốc Thành - một tác giả ở miền Trung - viết về Ninh Thuận quê anh ấy, nhưng do cần làm một vở cho ngày 30.4 của Đài Truyền hình TPHCM (HTV) nên tôi quyết định điều chỉnh kịch bản thành câu chuyện của Sài Gòn. Đó là câu chuyện của 40 năm trước, nơi cửa ngõ phía đông của Sài Gòn có một tổ chiến đấu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, một người trong số họ đã hy sinh.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, người lính rời quân ngũ về với cuộc sống đời thường nhưng ký ức của một thời đạn bom vẫn còn đeo đẳng họ suốt quãng đời còn lại. Trong vùng ký ức ấy, có những lời hứa, những lời thề thiêng liêng của đồng đội giữa mịt mù thuốc súng vẫn theo người sống sót trở về và là sợi dây kết nối họ với những người nằm lại. Và hình ảnh của thế hệ trẻ hôm nay, như một sự tiếp nối, kế thừa thế hệ đi trước, giờ đây, bằng sức trẻ và kiến thức, cùng chung tay dựng xây đất nước mà cha ông đã đổ máu xương để giữ gìn, bảo vệ...

Những tác phẩm của Phương như “Cười trong mơ”, “Phiêu linh trắng”, “Chỉ cần nhìn thẳng vào mắt”, “Mắt thủy tinh”… luôn hàm chứa sự lãng mạn. Vậy khi viết đề tài cách mạng, chị có sợ khô khan và khó hấp dẫn không?

- Đề tài “khô” đã đành, phần nữa là chiến tranh đã lùi xa, mọi điều khi nhắc lại luôn có vẻ như “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...

Kịch truyền hình - nhất là với Đài Truyền hình TPHCM (HTV) có lợi thế là dựng cảnh trí đẹp, quay 3 máy, nên nhiều khi tôi cũng dựa vào đấy để làm cho nội dung mềm mại lại. Như năm ngoái tôi làm vở “Hồi ức vinh quang”, có những cảnh chiến trường bom đạn rất ấn tượng nhờ vào xử lý ánh sáng. Hay vở “Đường sáng” - chào mừng ngày thành lập Đảng, cũng chính là nhờ cảnh trí “gỡ” lại và nhờ diễn viên diễn giỏi, nên cũng đỡ “khô” hơn.

Vừa viết vừa làm đạo diễn có làm tăng áp lực nhiều cho Phương?

- Tự tôi làm đạo diễn sẽ có sự linh động trong việc xử lý kịch bản, cái gì nhẹ thì thêm, cái gì nặng thì bớt, biết nhấn nhá vào đâu cho hấp dẫn, biết phát huy tối đa những lợi thế của kịch truyền hình. Nhưng khó nhất là khâu duyệt vở, phát trên sóng truyền hình mà, nhất là đề tài cách mạng thì luôn bị “soi” đến bao nhiêu lần (có vở ngay trước giờ quay hình còn phải chỉnh kịch bản) cho nên tôi thường bị căng thẳng, và tự thấy mình quá “gan” mới dám nhận làm (cười). Sáng tạo nghệ thuật thì cần bay bổng, nhưng cũng cần tỉnh táo là vậy!

Thế Phương xả stress bằng cách nào?

- Đi đây đó, vui vầy với thiên nhiên chính là cách xả stress hiệu quả nhất và quan trọng là... không ngừng yêu.

Trên cả phản ánh, là nâng tầm hiện thực

Với Phương, ấn tượng về chiến tranh đậm nhất là gì?

- Tôi sinh ra ở Hà Nội, chiến tranh với tôi không có ấn tượng sâu đậm nhiều, vì lúc ấy tôi còn nhỏ. Tôi chỉ nhớ tôi phải đi sơ tán với mẹ, lúc đi chưa biết nói (thật ra là nghe mẹ kể lại). Khi ba tôi lên thăm, tôi chỉ nói được mấy câu ngọng líu ngọng lô, thế mà ba tôi khóc. Ba tôi lúc ấy là chú bộ đội đáng yêu nhất, đẹp nhất trong đôi mắt trẻ thơ của tôi. Miền Nam giải phóng, ba tôi vào Nam trước, sau đó mới trở ra đón hai mẹ con. Chuyến xuyên Việt đầu đời của tôi là theo xe bộ đội từ Bắc vào Nam - xe tải, năm đó là năm 1976, đường sá còn rất “trần ai”.

Tôi cũng nhớ đêm bắn pháo hoa mừng đất nước thống nhất ở hồ Gươm, ba mẹ cho tôi đi xem. Hòa chung vào dòng người mừng vui, ba công kênh tôi trên vai, tôi hò hét khản cả tiếng. Khi về quê nội (Bình Dương, thời ấy là Sông Bé), nhà bà nội ở trong ấp chiến lược, có rào thép gai bao quanh, có bảng treo trước nhà: “Gia đình Việt Cộng” (vì ông nội và ba tôi đi tập kết theo đường Trường Sơn), bà tôi ngạc nhiên lắm vì có đứa cháu nội nói rặt giọng Bắc Kỳ. Tiếc là tôi chưa đưa được vào tác phẩm nào của mình những chi tiết này, tôi hứa với ba tôi mà chưa làm được, giờ ba mất đã gần 5 năm....

Cuộc sống vô cùng phong phú và đầy ắp chất liệu. Có bao giờ chị cảm thấy bất lực với hiện thực không? Một hiện thực hoặc quá đẹp hoặc quá tàn bạo, khốc liệt?

- Trước đây tôi cũng thỉnh thoảng bị, nhưng rồi cũng cố vượt qua. Giờ thì thấy hình như sức mình cũng có hạn thật. Tôi không thể làm như trước, vì sẽ là lặp lại chính mình, mà nếu làm hơn nữa thì quá sức. Tôi thừa kinh nghiệm đến mức bị biến thành “rào cản”. Tôi tự thấy khả năng mình hạn chế, không phản ánh và chuyển tải hết thực tế vốn dĩ như nó có, và còn phải nâng tầm nó lên. Tôi đang tự mâu thuẫn với mình, muốn bỏ nghề để sống bình an, yên ổn hơn, nhưng mặt khác vẫn yêu nghề, đam mê quá...

Chị nói nhiều đến tình yêu.Vì chị rất yêu cuộc sống hay vì chị thấy cuộc sống có nhiều chuyện mệt mỏi, thiếu vắng tình yêu?

- Ồ, cả hai ý anh nói đều đúng mà!

Chị có hay nằm mơ không? Và trong giấc mơ thời 5, 10 năm nữa, chị sẽ như thế nào?

- Ối, tôi sợ tuổi già lắm! Sợ nhất là một lần hậu phẫu, có lẽ do thuốc mê nhiều (tôi thuộc dạng khó gây mê nên phải dùng liều cao), tôi bị sốc thuốc. Lúc thuốc gần hết tác dụng mà vẫn không tỉnh hẳn được, cứ lơ mơ như thế, tôi mơ thấy hồn tôi bay ra khỏi xác, bay lên cao và nhìn xuống, thấy thân xác mình nằm đó. Tuổi già là nhiều thứ bị mất kiểm soát, muốn mà không làm được… Một giấc mơ quá buồn mà không tránh được. Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ cố để làm.... một người già vẫn còn đẹp và vui vẻ, cho con cháu đỡ phiền…

“Tôi nhớ đêm bắn pháo hoa mừng đất nước thống nhất ở hồ Gươm, ba mẹ cho tôi đi xem. Hòa chung vào dòng người mừng vui, ba công kênh tôi trên vai, tôi hò hét khản cả tiếng. Khi về quê nội (Bình Dương, thời ấy là Sông Bé), nhà bà nội ở trong ấp chiến lược, có rào thép gai bao quanh, có bảng treo trước nhà: “gia đình Việt Cộng” (vì ông nội và ba tôi đi tập kết theo đường Trường Sơn), bà tôi ngạc nhiên lắm vì có đứa cháu nội nói rặt giọng Bắc Kỳ…”
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật