T.Tâm Trẻ 14 tuổi hại chết bạn thân bán vé số

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai đứa trẻ từng là bạn thân cùng nhau chia sẻ đến ổ bánh mì cuối cùng để vượt qua cơn đói. Thế nhưng, trong một lần đùa giỡn, Nam xô bạn xuống ao nước. Trong khi bạn chới với, Nam còn dùng gạch ném vào đầu khiến nạn nhân t‌ử von‌g.
T.Tâm Trẻ 14 tuổi hại chết bạn thân bán vé số
Nam vướng vào con đường tù tội khi mới 14 tuổi.

Nỗi đau mẹ dắt con đi... đầu thú

Ngày 20/4/2015, bà Ong Thị K. (thị xã Vĩnh Châu) đến trụ sở TAND tỉnh Sóc Trăng với khuôn mặt rầu rĩ. Lòng người mẹ ngổn ngang khi chờ đứa con trai Danh Quốc Nam (SN 2000) được công an dẫn giải vào phòng xét xử. Chân bà líu díu, nước mắt lăn dài khi vừa nhìn thấy mặt con trai. Bà nói với theo: “Khỏe không con?”. Nam chỉ kịp gật đầu rồi đi nhanh đến vành móng ngựa.

Đã tham dự hàng trăm phiên xét xử về tội giết người nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một bị cáo bị truy tố về tội giết người như Nam. Khuôn mặt kẻ mang tội giết người vẫn còn hiện rõ sự ngơ ngác. Nam đưa mắt nhìn quanh, có lẽ bị cáo này vẫn chưa hình dung hết những gì mình sắp phải đối diện trong vài giờ tới.

Bà K. ngồi sụp xuống, đôi tay run rẩy, ánh mắt nhìn vào tấm lưng gầy guộc của con trai. Bà nghẹn đắng chia sẻ, vợ chồng bà sinh được bốn đứa con, trong đó, Nam là kế út. Suốt thời tuổi trẻ bà K. chỉ biết cặm cụi lao động cùng chồng kiếm ngày ba bữa cơm cho các con. Nhưng lắm lúc, các con vừa đơm lượt đầu thì nồi cơm đã cạn. Bậc cha mẹ chỉ kịp vét ít cháy dưới nồi chống chọi qua cơn đói.

Thời gian trôi, hai đứa con đầu của vợ chồng bà K. lần lượt kết hôn rồi ra sống riêng mà chẳng giúp được gì. Vài năm trước, chồng bà bỗng dưng đổ bệnh. Căn nhà lá trống tuếch, xập xệ chẳng có vật gì giá trị để bán mà thuốc thang cho chồng. Lúc này, bà cảm thấy bất lực trước số phận. Nhiều đêm không ngủ, câu hỏi: “Làm sao có tiền nuôi con và lo cho chồng?” cứ quẩn quanh trong đầu. Sau cùng, bà K. quyết định đi bán vé số. Bà bảo: “Con đói, chồng đau ốm thì chẳng có gì phải ngại ngùng”.

Từ đó, sáng sớm, bà đến đại lý lấy vé số rồi đi bán đến tối mịt mới về. Được khoảng hơn một tháng, Nam thủ thỉ: “Mẹ cho con đi theo bán với”. Bà không đồng ý, bởi Nam còn quá nhỏ. Dường như hiểu được ý mẹ, Nam nói: “Con còn nhỏ, dáng nhỏ thó nên dễ khiến mọi người động lòng và mua vé số hơn". Suy tính thiệt hơn, sau cùng bà đồng ý.

Cứ thế, Nam đồng hành với mẹ trên con đường mưu sinh. Trong thâm tâm, bà muốn nuôi hai đứa con còn lại học đến nơi đến chốn. Bà hiểu, chỉ có con chữ mới cứu thoát con cái mình ra khỏi cơ cực. Nhưng, mơ ước và sự thật là hai phạm trù khác nhau. Vào năm 2013, chồng bà trở bệnh nặng, tiền thuốc thang cần nhiều hơn. Trong khoảng thời gian này, Nam phải đóng tiền học. Nam hiểu, hoàn cảnh của gia đình hiện tại ra sao nên nói với mẹ: “Nếu con tiếp tục học thì mẹ không thể lo. Con nghỉ, để em trai đang học lớp 3 tiếp tục đến trường là phương án hay nhất”. Nghĩ là làm, Nam từ bỏ con đường đến trường.

Không phải đến trường, Nam có nhiều thời gian hơn, mỗi ngày đều đến đại lý lấy một xấp vé số để đi bán riêng. Đến tối, Nam lại đưa hết số tiền bán được trong ngày cho mẹ. Bà K. xót xa khi thấy khuôn mặt con trai đen sạm, hốc hác. Nhưng, với hoàn cảnh hiện tại, bà chỉ biất chấp nhận mà thôi.

Đầu năm 2014, chồng bà K. qua đời vì không đủ tiền thuốc thang. Nước mắt người vợ cứ trôi dài. Bà day dứt vì bệnh chồng vẫn có thể chữa trị, nhưng bất lực vì túi trống rỗng. Ngày đưa tang chồng, bà nhìn hai đứa con thơ và tự nhủ lòng phải vượt qua mọi chuyện. Bà K. không thể ngờ, nỗi đau mất chồng nguôi ngoai thì lại nhận được tin sét đánh ngang tai, con trai giết người.

Ước mơ chỉ là một bát canh xương hầm

Bà K. nhớ lại, tối 9/10/2014, bà thấy Nam đi bán vé số về với vẻ mặt thất thần, bà liền hỏi có chuyện gì. Nam chỉ nói: “Con mệt , rồi vào giường nằm. Sáng hôm sau, bà nghe tin có một cháu bé bán vé số chết thì thấy nghi ngờ. Hôm sau nữa, Nam đưa gạo về nấu cơm và thú nhận: “Con đánh nhau, đứa bạn bán vé số chết rồi”. Người mẹ hỏi gấp; “Mày đánh nhau với ai? ở đâu?”. Nam rơm rớm nước mắt: “ở chỗ nó chết”. Bà run rẩy, chợt lóe lên ý nghĩ: “Không thể che giấu cho con trai được . Do đó, bà đưa Nam đến cơ quan công an trình báo sự việc. “Chính tay mình đưa con đi đầu thú, tôi xót xa lắm, nhưng không còn cách nào khác. Muốn nó trở thành người tốt thì phải để nó cải tạo thôi”, bà K. thở dài.

Trong phiên tòa, bà chết lặng khi lắng nghe từng lời khai rành rọt của con trai. Nam khai, cách đây hai năm, Nam quen biết với Phùng Minh T. (13 tuổi) vì là bạn bán vé số cùng. Đôi bạn thân thiết như anh em. Không ít lần, cả hai chia nhau ổ bánh mì lót dạ. Ngày 9/10/2014, T. đi cùng Nam và đứa cháu của Nam. Khi đến ao nước cạn đối diện công trình chi cục Thuế thị trấn Vĩnh Châu, thấy Nam và người cháu đi vệ sinh, T. lấy đất ném có ý trêu đùa.

Nam cho rằng T. hiế‌p đáp cháu mình, liền cự cãi và đẩy T. xuống ao nước. Khi thấy nạn nhân chới với dưới ao, Nam lấy cục gạch ném trúng vào đầu khiến T. ngất và chết do ngạt nước. Nam cho rằng T. giả vờ chết nên lục giỏ, lấy 12 tấm vé số và 60.000 nghìn đồng. “T. là bạn, cháu không hề có ý định giết. Cháu không ngờ mọi chuyện lại xảy ra như thế, giọng bị cáo nghèn nghẹn.

Hôm ấy, ông nội của T. là Phùng Hải Th. (60 tuổi) xót xa chia sẻ: “Dù còn nhỏ nhưng cuộc đời T. khổ lắm, chưa kịp hưởng được chút sung sướng nào thì đã mất rồi”. Còn đang tuổi ăn, tuổi chơi, nhưng T. phải chịu cảnh cha mẹ chia tay. Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, người cha lên tỉnh Bình Dương làm thuê, gửi T. lại cho ông nội.

Trước đây, ông Th. làm việc tại một cơ sở chế biến hành tím nên đôi mắt bị mờ, giờ sức khỏe yếu, ông không làm gì được. T. hiểu hoàn cảnh của mình, chưa một lần cất lời ca thán. Chính T. tâm sự, muốn kiếm thêm tiền để đóng học phí chứ không muốn trở thành gánh nặng cho cha và ông nội. Do đó, T. đi bán vé số buổi sáng và buổi chiều đi học.

Bình thường, mỗi ngày, T. bán được chừng 50 vé. Hôm nào đắt khách, cậu bán được khoảng 100 vé. Toàn bộ số tiền kiếm được, cậu đưa về cho ông nội. Không ít lần, T. rủ rỉ với ông: “Con sẽ cố kiếm tiền để mua thuốc, chữa bệnh cho ông nội”; hay “ Con sẽ học thật giỏi, sau này làm bác sỹ chữa bệnh cho ông”. Ông Th. xúc động vô cùng khi nghe những lời ấy của cháu.

Hôm xảy ra vụ án, ông Th. ở nhà nấu cơm. Buổi trưa, gần đến giờ đi học mà chưa thấy T. về nên ông gọi điện giục. T. nói: “Chỉ còn vài tờ nữa thôi, con cố bán nốt thì sẽ về”, ông dọn cơm ra bàn, chờ cháu về ăn. Nhưng, nửa tiếng, rồi một tiếng trôi qua vẫn không tháy T. về. Ông nóng ruột, gọi điện thì không liên lạc được. “Tôi không ngờ, đó là lần cuối cùng trò chuyện với cháu của mình”, giọng ông Th. lạc đi.

Ông Th. kể một câu chuyện khiến chúng tôi cứ day dứt hoài. Trước khi vụ án xảy ra chừng một tuần, T. về nhà kể, đi ngang tiệm hủ tiếu thấy có nhiều xương heo rất ngon. T. bảo, sẽ cố bán vé số nhiều hơn bình thường để có tiền mua ít xương về hầm cho hai ông cháu ăn. Thế nhưng, xương chưa kịp mua thì T. đã ra đi tức tưởi. Ước mơ đơn giản của T. đã mãi mãi không thành hiện thực.

Huy Linh

7 năm 6 tháng tù cho phút bốc đồng đại dột

HĐXX nhận định, hành vi của Danh Quốc Nam là đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ vì đùa giỡn mà Nam đã tướt đoạt mạng sống của T, sau đó còn cướp tài sản của bạn. Tuy nhiên, tòa cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo thành khẩn khai báo, hối hận, đầu thú, lần đầu phạm tội, khi gây án đang ở tuổi v‌ị thà‌nh niê‌n... Cuối cùng, tòa tuyên phạt Nam 6 năm tù tội giết người và 1 năm 6 tháng tù tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là 7 năm 6 tháng tù giam. Ngoài ra, do bị cáo chưa thành niên nên gia đình phải liên đới bồi thường cho gia đình bị hại 50 triệu đồng

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật