16 lao động VN tại Nga “thoi thóp“ với 50.000đ tiền công mỗi ngày

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những lao động này đang phải sống trong hoàn cảnh chỉ có 100 rup Nga, tương đương 50 nghìn đồng Việt Nam, mỗi ngày.
16 lao động VN tại Nga “thoi thóp“ với 50.000đ tiền công mỗi ngày
Đại diện Vietcom, Giám đốc Lê Văn Quyền (trái) và Phó giám đốc Nguyễn Văn Thọ, cam kết sớm giải quyết tình hình.

Liên tục trong những tuần qua, hàng chục lao động xuất khẩu ở Liên bang Nga của công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom (gọi tắt là Vietcom, có trụ sở tại số 18 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội) đã gọi điện về Việt Nam nhờ người thân can thiệp do phía đối tác của Nga là công ty APC, cũng là chủ lao động, chậm trả lương hai tháng…

 

Theo những lao động này, họ đang phải sống trong hoàn cảnh chỉ có 100 rup Nga, tương đương 50 nghìn đồng Việt Nam, mỗi ngày. Ngoài ra, do không hợp với điều kiện thời tiết giá rét ở Nga, trước đó có một số công nhân đã ốm, trong khi phía chủ lao động không đảm bảo điều kiện y tế cần thiết.


Muốn về nước càng sớm càng tốt

 

Hiện nay, 16 lao động gọi điện về Việt Nam kêu cứu đang làm việc tại bệnh viện Ropdom, đường Menhia, thành phố Dmitrov cách thủ đô Matxcova khoảng 150 km. Công việc chính của họ hàng ngày là xây dựng, sữa chữa các hạng mục công trình của bệnh viện phụ sản Ropdom


Vào tối 1/4, 20h giờ Việt Nam, PV VietNam+ đã liên lạc bằng điện thoại với nhóm lao động Việt Nam tại Nga, và các lao động cho biết: Tại công trình này hiện có 22 lao động Việt Nam, đều là lao động xuất khẩu của Vietcom. Chủ đã chậm lương hơn 2 tháng, tất cả chi phí ăn uống sinh hoạt, thuốc men ốm đau đều phải trông chờ vào 100 rúp tiền ăn vào cuối ngày.


Theo lời những người lao động này, cuộc sống bên Nga cũng không ổn định khi thường xuyên bị cảnh sát Nga vào kiểm tra bất chợt. Có thời gan, họ phải chạy tới chợ lao động ASEAN để tránh sự kiểm tra của cảnh sát, do chưa làm được thẻ lao động tại Nga.


Lao động Trần Ngọc Doanh (quê Đồng Mít, Mỹ Đức, Hà Nội), cho biết cụ thể: "Ngay sau khi đặt chân tới sân bay, chúng tôi được chủ thầu xây dựng ra đón. Đã hơn 2 tháng nay, khi hỏi lương thì chủ lao động nói chậm do khủng khoảng kinh tế. Một số anh em chán nản, lấy lý do đau ốm để xin nghỉ những cũng không được. Nguyện vọng của anh em bên này là muốn được về nước càng sớm càng tốt.”


Trước những cuộc điện thoại liên tiếp của người thân gọi về nước, thân nhân của các lao động đã làm việc trực tiếp với công ty Vietcom. Ngày 4/2, ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó giám đốc công ty khẳng định: "Công ty đã tiếp thu các vấn đề phát sinh của người lao động phản ánh và sẽ làm việc với đối tác nước ngoài để giải quyết trong thời gian đến ngày 20/2."


Nhưng thời hạn đến ngày 20/2 trôi qua, bên phía người lao động đã thành lập ban đại diện và yêu cầu công ty Vietcom sớm tổ chức đưa người lao động về nước theo nguyện vọng của lao động. Từ thời gian buổi họp đầu tiên tới nay, đã có 2 buổi họp nữa.


Cho tới cuộc họp gần đây nhất, ngày 25/3, khi có sự tham dự của thanh tra cục Quản lý lao động ngoài nước, công ty Vietcom cam kết: Sẽ giải quyết vấn đề trước ngày 30/4.


Tiếp xúc với phóng viên, anh Nguyễn Văn Trung, trưởng ban đại diện của 16 lao động “kêu cứu” cho biết: "Có thời gian từ khi sau Tết, em trai tôi là lao động Nguyễn Xuân Thiện thường xuyên bị ốm. Số tiền mang theo từ nhà đã chi trả hết cho việc thuốc men. Giờ đây theo nguyện vọng của phía gia đình, công ty Vietcom sớm tổ chức cho lao động về nước sớm ngày nào hay ngày đó.”


Nước xa có cứu được lửa gần?

 

Trong cuộc trao đổi với PV Vietnam+, ông Lê Văn Quyền, Giám đốc công ty Vietcom cho biết đang gấp rút giải quyết các vấn đề của người lao động. Về phía công ty đã lập "Ban xử lý" để giải quyết những vấn đề cụ thể do Phó giám đốc Nguyễn Văn Thọ đứng đầu.

 

Trong cuộc làm việc với phóng viên, ông Thọ nói công ty xin visa cho một cán bộ, ngày 6/4 này sẽ bay sang Nga gặp lao động để giải quyết tình hình.

 

Về hướng giải quyết cụ thể ông Quyền cho biết thêm, sau khi đại diện của công ty sang Nga sẽ gặp trực tiếp người lao động. Nếu lao động nào muốn tiếp tục ở lại thì công ty sẽ tiếp tục hợp đồng, còn lao động muốn về nước thì Vietcom sẽ giải quyết các thủ tục để lao động sớm được trở về Việt Nam.

 

Nhưng ông Quyền cũng nhấn mạnh rằng việc chậm trả lương chỉ là khó khăn trước mắt. Công ty cũng đang thúc giục phía đối tác sớm trả lương đầy đủ cho người lao động. Nếu công ty đối tác APC trước mắt do khó khăn không thể chi trả, thì Vietcom sẽ ứng trước tiền trả lương cho người lao động.


Giám đốc Quyền khẳng định: Công ty luôn đứng về phía người lao động. Nhưng để giải quyết vấn đề cần sự hợp tác của cả công ty đối tác là công ty trách nhiệm hữu hạn APC.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lao động sang liên bang Nga trong thời gian khủng khoảng này, ông Quyền cũng cho rằng không thể tiên liệu hết được tình hình


Về phía trách nhiệm công ty APC, ông Quyền cũng thừa nhận đây lần đầu tiên làm việc với đối tác này. Việc sử dụng lao động là của APC, nhưng khi xảy ra vướng mắc thì Vietcom cũng có trách nhiệm.


Trong khi vấn đề chưa được giải quyết, 16 lao động xuất khẩu tại Nga vẫn phải chi trả mọi sinh hoạt hàng ngày chỉ với 50 nghìn đồng Việt Nam cho giá cả tại Nga.

 

25/4 sẽ đưa người lao động về nước?


Trước Tết Kỷ Sửu, Vietcom thông qua sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hoà Bình tuyển lao động sang Nga, với nghề nghiệp chính là xây dựng. Trước khi sang Nga làm việc, mỗi lao động đóng cho Vietcom 2700 USD tiền môi giới.


Khi sự việc chậm lương 2 tháng cho lao động xuất khẩu Nga của Vietcom diễn ra, ngày 25/3, thanh tra cục Quản lý lao động ngoài nước làm việc với Vietcom và đại diện thân nhân người lao động. Tại buổi làm việc, đại diện cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu rõ: Đại diện các gia đình người lao động cần phối hợp với công ty để đưa người lao động về nước thuận lợi.

 

Phía Vietcom cũng khẳng định: Dự kiến đưa người lao động về nước trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày 25/3.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật