Việt Nam loay hoay với mục tiêu cổ phần hóa

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việt Nam đang tụt khá xa so với với mục tiêu cải cách doanh nghiệp Nhà nước trong năm nay, đặt gánh nặng lên nỗ lực cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế, theo nhận định của Wall Street Journal.
Việt Nam loay hoay với mục tiêu cổ phần hóa
Nhà đầu tư không hào hứng với cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vì họ chỉ mua được một lượng nhỏ cổ phần, không đủ để góp mặt trong ban quản trị.

Quý đầu năm, chỉ 27 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa tại Việt Nam. Con số này tương đương 9,3% kế hoạch cả năm nay, theo số liệu mà Bộ Tài chính công bố hồi tuần trước.

"Thiếu vắng nhà đầu tư sẽ cản trở nỗ lực của Chính phủ trong việc bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước", tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Theo chuyên gia này, nguyên nhân nhà đầu tư không hào hứng là chỉ được quyền mua một phần nhỏ trong hầu hết trường hợp. Với chút cổ phần có được, họ sẽ không có cơ hội tham gia ban quản trị, không thể đóng góp nhiều vào việc thúc đẩy tính hiệu quả của doanh nghiệp.

"Cuộc IPO của Vietnam Airlines cuối năm ngoái là một ví dụ. Phiên chào bán lần đầu chỉ tung ra chút ít với 3,5% cổ phần, hầu hết được chủ nợ là hai ngân hàng nội mua hết", Tiến sĩ Doanh nói tiếp.

Việt Nam đối mặt với nhiều áp lực trong việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước, vì khu vực này đang được nhìn nhận là hoạt động kém hiệu quả, làm cản trở tăng trưởng của cả nền kinh tế. Số lượng doanh nghiệp Nhà nước tính đến cuối năm 2013 còn 949, so với 1.350 ba năm trước đó.

Trong năm nay, một trong những kế hoạch cổ phần hóa được chờ đợi nhất là Mobifone, nhà mạng lớn nhất nhì Việt Nam cùng một số công ty về điện, phát điện. Còn trong quý một, hầu hết các công ty đã được cổ phần hóa đều ở quy mô nhỏ.

Sự kém hào hứng của nhà đầu tư được minh họa một cách rõ rệt trong kết quả của những lần cổ phần hóa gần đây. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp Nhà nước chỉ bán được 44% trong số cổ phần chào bán của quý một. Trong đó, rất ít khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài.

"Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam kém hấp dẫn, phần lớn do quản trị kém và nạn tham nhũng", ông Chris Freund, người sáng lập Mekong Capital nói. Đây là công ty quản lý quỹ đầu tư hiện nắm trong tay ba quỹ ở Việt Nam. Theo ông Freund, Mekong Capital đang lên kế hoạch mở quỹ đầu tư thứ tư trị giá 150 triệu USD trong vài tuần tới, và sẽ tiếp tục chỉ tập trung vào khối doanh nghiệp tư nhân. "Hiện chúng tôi hoàn toàn không có kế hoạch đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước", ông nói.

Ông này nhận định thêm, nếu không đẩy nhanh tốc độ cải cách, Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế toàn cầu. Việt Nam sắp sửa hoàn tất đàm phán gia nhập một số hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi những hiệp định này đi vào thực thi, các công ty địa phương yếu kém sẽ khó có thể cạnh tranh trên chính sân nhà.

Hôm thứ tư vừa rồi, Đại học Quốc gia Singapore cùng Học viện Quản trị Kế toán Chartered công bố bào cáo về tính không hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước. Hai tổ chức nói trên kêu gọi Chính phủ triển khai áp dụng những quy định cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có cả những công ty mà Nhà nước đang giữ quyền sở hữu.

Báo cáo này cho rằng các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam cần thêm nhiều vốn so với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí cần gấp đôi lượng vốn đổ vào khối tư nhân thì mới đạt được sản lượng ngang bằng với thời kỳ 2008-2013. Năng suất thấp của doanh nghiệp Nhà nước không chỉ phản ánh năng lực quản trị yếu kém. Bên cạnh đó, năng suất thấp còn thể hiện những trục trặc về mặt cấu trúc trên diện rộng khi Việt Nam tập trung quá nhiều vào các ngành cần nhiều vốn, trong khi các ngành này ít tận dụng được lợi thế giá nhân công rẻ.

Markus Taussig, một nhà nghiên cứu của Đại học Singapore viết trong báo cáo rằng việc Việt Nam không thu hút được nhà đầu tư chất lượng cho thấy những nhà đầu tư nói trên vẫn không tin vào môi trường kinh doanh hiện tại, vào khả năng họ có thể áp dụng những thay đổi thực sự thông qua lượng cổ phần thiểu số. "Đây là một mất mát lớn đối với Việt Nam", ông Taussig nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật