Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Đừng để quá muộn!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện nguồn lợi thủy sản chỉ còn ở mức trung bình và đang có chiều hướng giảm dần.
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Đừng để quá muộn!
Thủy sản ngày càng khan hiếm khiến ngư dân đánh bắt gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: KT)

Nguồn lợi thủy sản ở nước ta ngày càng cạn kiệt do khai thác bừa bãi không theo quy trình cộng với sự thờ ơ của con người trong việc bảo vệ môi trường biển. Vì vậy, ngoài biện pháp bảo vệ tài nguyên biển của ngành chức năng và các địa phương thì vai trò của ngư dân là không nhỏ.

Mấy năm trở lại đây, thu nhập của ngư dân miền Trung sụt giảm mạnh. Nhiều tàu thuyền trước đây sáng ra khơi chiều trở về đất liền cũng kiếm được tiền triệu thì nay họ phải lênh đênh trên biển nhiều ngày nhưng thu nhập chỉ được vài trăm nghìn đồng. Tôm, cá đang ngày càng khan hiếm làm cho cuộc sống của những ngư dân đánh bắt gặp nhiều khó khăn.

Ngư dân Lê Trung Thành ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, người nổi tiếng ở làng biển Sa Huỳnh với 4 con tàu đánh bắt cá giờ cũng chỉ còn 2 chiếc tàu vì phải bán bớt để bù đắp cho những chuyến biển thua lỗ.

“Cách đây 5 - 7 năm, mỗi lần ra biển là tàu thuyền đầy cá, ngư dân phải lựa bỏ cá nhỏ nhưng giờ cá nhỏ cũng không còn nhiều. Rất ít chuyến ra khơi đạt được sản lượng, đa số là bị lỗ chiếm đến 50% - 60% các chuyến đi biển”, ngư dân Lê Trung Thành cho biết.

Tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản đang ở mức báo động. Điển hình như tại Quảng Ngãi, qua khảo sát của các nhà khoa học, vùng biển này có trên 160 loài cá, tôm, nhuyễn thể sinh sống, trữ lượng thuỷ sản khoảng 68.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nguồn lợi thủy sản chỉ còn ở mức trung bình và đang có chiều hướng giảm dần.

Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hàng năm, Chi cục thường xuyên tổ chức các đợt ra quân thả các loại tôm, cá ra biển, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ tài nguyên biển.

“Chi cục tiếp tục thường xuyên tuyên truyền tới bà con trong công tác bảo vệ nguồn lợi. Không dùng các trang thiết bị mang tính chất hủy diệt và đặc biệt là cấm sử dụng các thiết bị ví dụ như mìn, rồi xung điện…”, ông Sơn cho biết.

Hiện nay, tại huyện đảo Lý Sơn cũng đang hình thành một khu bảo tồn biển. Ngoài việc bảo vệ các rạn san hô để phục vụ cho việc phát triển du lịch thì đây còn là môi trường để các loại thủy sản sinh sôi phát triển.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trước mắt huyện đảo cấm tuyệt đối không cho ngư dân ra vớt các loại rong mơ trứng chuồn. Các loại rong mơ này là thức ăn cho các loài thủy sản ven bờ. Các tàu thuyến đánh bắt ven bờ bị cấm tuyệt đối việc dùng thuốc nổ đánh bắt cá.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản một cách bền vững. Thế nhưng, nếu như nguồn lợi thủy sản không được bảo vệ, tái sinh thì dù có đóng tàu to, máy lớn hay trang thiết bị đánh bắt hiện đại thì hoạt động khai thác của bà con ngư dân cũng không mang lại kết quả như mong muốn. Điều này đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ môi trường biển, giúp bà con ngư dân yên tâm làm giàu trên chính vùng biển quê hương mình

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật