Sức sống của hát xẩm trong đời sống văn hóa Hà Nội

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những chiếu xẩm dần trở lại với người dân phố cổ, “tấn công“ sân khấu lớn và được đón nhận nồng nhiệt. Loại hình âm nhạc dân gian tưởng mai một đang có đà sống dậy mạnh mẽ.
Sức sống của hát xẩm trong đời sống văn hóa Hà Nội
Chiếu xẩm đều đặn diễn ra mỗi cuối tuần tại cổng chợ Đồng Xuân.

Chiếu xẩm chợ Đồng Xuân, từ gần 10 năm nay, đã trở thành nếp văn hóa của phố cổ Hà Nội mỗi dịp cuối tuần. Diễn ra tại nơi buôn bán sầm uất, quy tụ nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, chiếu xẩm Đồng Xuân thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong đó, không ít người lần đầu được mục sở thị những màn trình diễn xẩm trên sân khấu; nhiều người trở thành khán giả trung thành, nhiều năm "lót dép" ngồi nghe xẩm mỗi cuối tuần; du khách thập phương, mỗi lần đến Hà Nội, thường tìm đến chiếu xẩm để thưởng thức loại hình nghệ thuật dân gian hiếm hoi xuất hiện giữa cuộc sống thường nhật thời nay.

Nhạc sĩ Thao Giang - người đứng đầu Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, cũng là người đã cất công đưa chiếu xẩm trở thành nét sinh hoạt văn hóa thường kỳ của người dân thủ đô từ năm 2006 - kể, có những hôm trời mưa, tưởng là không có khán giả. Thế nhưng, các nghệ sĩ vẫn diễn và không lâu sau đó, mọi người lại nườm nượp kéo đến xem. Trên sân khấu rộng chừng 20 m2, người dân được cuốn theo không khí rộn ràng của các bài xẩm Vui nhất có chợ Đồng Xuân, Chân quê, Mẹ ra thành phố thăm con, Tiễu trừ tham nhũng... rồi được lắng đọng cùng ca từ, nội dung bài hát. Người nghe đủ các thành phần, từ anh bán vải, chị bán phở tới bà hàng nước, từ dân quanh khu phố cổ tới khách du lịch gần xa...

Từ sức hút của chiếu xẩm chợ Đồng Xuân, đến nay, thành phố Hà Nội đã ủng hộ nhân rộng mô hình. Mỗi cuối tuần, gánh hát dân gian của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam biểu diễn ở ba nơi, với năm đêm diễn trong khu phố cổ.

Không chỉ được dân chúng đón nhận khi diễn miễn phí, hát xẩm được khán giả chào đón trên sân khấu lớn, trong những đêm diễn bán vé, như tất cả loại hình nghệ thuật có giá trị hiện nay. Đầu năm 2015, chương trình "Xẩm và Đời" của nhóm xẩm Hà Thành được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn. Người mẫu Trà Ngọc Hằng đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình, với vai một cô gái trẻ miền Nam tìm hiểu về nghệ thuật hát xẩm miền Bắc, trong hành trình từ xa xưa tới hiện tại. Trà Ngọc Hằng cho biết, cô đã rất bất ngờ trước lượng khán giả đông đảo yêu mến, ủng hộ nghệ thuật hát xẩm. "Khán phòng Nhà hát Lớn chật kín, đặc biệt, có một số khán giả là giám đốc câu lạc bộ ars‌enal châu Á cũng mua vé đi xem nhưng đến muộn một chút nên họ phải kê ghế nhựa ngồi tận trên tầng ba. Sau buổi diễn, nói chuyện với tôi, họ hết lòng khen. Dù không hiểu ca từ, họ thích giai điệu, thích bản sắc rất Việt Nam của xẩm", Trà Ngọc Hằng kể.

Một tín hiệu nữa cho thấy sức sống bền vững của xẩm, đó là sự đón nhận, ủng hộ của công chúng với các tiết mục xẩm trên truyền hình thực tế. Hoài Lâm trong chương trình "Gương mặt thân quen 2014" đã tạo nên cơn sốt khi hóa thân nghệ nhân Hà Thị Cầu với bài xẩm Thập Ân "Công cha ngãi mẹ sinh thành". Nhạc sĩ Thao Giang cho rằng, bản thân tiết mục đó không phải là hát xẩm mà chỉ là sự bắt chước giỏi. Tuy nhiên, tác dụng của nó là gây hiệu ứng, khiến khán giả quan tâm và tìm nghe phiên bản gốc, từ đó đến gần, hiểu và yêu hơn hát xẩm.

Hát xẩm - tiếng lòng của dân gian

Ngày 22/2 Âm lịch được xem là ngày giỗ tổ nghề hát xẩm. Trước đây, hàng năm vào ngày này, các phường hát xẩm lại tụ họp tại một địa điểm nhất định, sinh hoạt và chỉ dẫn nhau về làn điệu, chỉ dạy con cháu tập luyện. Gián đoạn mấy chục năm, đến năm 2008, nhạc sĩ Thao Giang cùng trung tâm của ông đã khôi phục ngày giỗ tổ nghề hát xẩm tại Văn Miếu, mời tất cả nghệ nhân còn sống từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Bắc Giang... tới. Trong ngày này, các cụ gặp gỡ nhau và cùng tập những bài xẩm xa xưa.

Theo nhạc sĩ Thao Giang, xẩm vốn bắt nguồn từ các làng quê miền Bắc. Sau này, khi Hà Nội hình thành 36 phố phường, nghệ nhân các làng nghề khắp nơi lên sinh sống ở Hàng Nón, Hàng Mành, Hàng Khoai, Lò Rèn... mở ra cho Hà Nội một thị trường mới, không bó hẹp trong hoạt động nông nghiệp nữa. Các nghệ nhân hát xẩm theo chân họ lên đây. Và khi đó, hát xẩm có đối tượng mới. Những bài hát xẩm ở làng quê tập hợp về đây đã được thích hợp hóa với nhịp sống Hà Nội bấy giờ. Từ đó, sinh ra dòng xẩm riêng của Hà Nội. Đặc biệt, xẩm Tàu điện ra đời, gắn với môi trường diễn xướng riêng cho đối tượng là những người đi tàu điện. Các bài hát vừa vặn một chuyến tàu từ bến này đến bến kia chứ không lê thê như ở làng quê. Về mặt văn học, nội dung các bài xẩm được đổi mới, gần gũi với người Hà Nội, đánh vào tình cảm người Hà Nội bằng thơ Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải, Tú Xương, Tú Mỡ, Tản Đà...

Nghệ sĩ Thu Phương biểu diễn tại chợ Đồng Xuân.

Trong khi hát văn dành cho những người đi theo đạo Mẫu, hát chèo là âm nhạc của sân khấu, hát ả đào dành cho những người sành thơ Đường, hát xẩm là thể loại thuộc về nhiều đối tượng, từ bình dân đến cao cấp. Về mặt nội dung, mỗi bài hát xẩm là một câu chuyện có đầu có cuối và bao giờ kết quả cũng có hậu. Hát xẩm mang nhiều tính đạo lý, răn dạy con người, mượn nhiều câu nói của dân gian đưa vào. Các làn điệu xẩm có thể chia theo môi trường diễn xướng - trong xẩm chợ thì nội dung gì hợp với không khí chợ sẽ đưa vào, hay xẩm nhà tơ, xẩm sông nước...

Ở từng vùng miền, xẩm có sự khác nhau do ảnh hưởng dân ca của địa phương. Trong Hà Tĩnh, xẩm đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh, trong khi xẩm vùng gần Thuận Thành, Bắc Ninh chịu ảnh hưởng của dân ca quan họ nhưng cơ bản vẫn mang cốt cách xẩm.

Nhạc sĩ Thao Giang hướng dẫn các học trò hát xẩm.

Âm nhạc dân gian vốn là những diễn xướng bắt nguồn và lớn lên, lưu truyền từ dân gian. Chính vì thế, khi được đưa ngược về môi trường khai sinh ra nó, xẩm giống như "cá gặp nước". Tối 27/3, chương trình "Hà thành 36 phố phường" của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Việt Nam đã đến với khán giả phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội. Chương trình diễn ra trong không gian sân đình. Khán giả là những người dân sau một ngày lao động, ăn vội bữa tối chạy ra xem. Sự tán thưởng, hưởng ứng, tương tác của người dân với các tiết mục cho thấy, âm nhạc dân gian cần được tôn vinh trên những sân khấu lớn như một loại hình nghệ thuật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật