Nâng cao chất lượng dược liệu từ đầu vào

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đặt mục tiêu ban hành tiêu chuẩn GMP, nâng cao chất lượng thuốc dược liệu trong năm 2015, tiến tới áp dụng quy định thực hành tốt nuôi trồng dược liệu (GACP) với 60 loại dược liệu vào năm 2020.
Nâng cao chất lượng dược liệu từ đầu vào
Diệp Hạ Châu một trong những dược liệu có doanh thu tăng trưởng so với năm 2010.

Theo thống kê của Cục Quản lý Dược tại Hội thảo vừa được tổ chức tại Quảng Ninh về quy hoạch vùng dược liệu, Bộ Y tế vừa ban hành thêm một số quy định để thuốc từ dược liệu có chất lượng tăng cơ hội trúng thầu vào bệnh viện. Theo đó, các thuốc dự thầu sản xuất từ nguyên liệu đạt GACP sẽ được cộng thêm 5 điểm, sản phẩm của nhà máy đạt GMP dược liệu cũng sẽ được cộng thêm 5 điểm khi xét thầu.

Cục Quản lý Dược cho biết, doanh thu nhóm thuốc từ dược liệu trong nước đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo đó, doanh thu năm 2012 đã tăng gần gấp đôi năm 2010 đạt 3.500 tỷ đồng. Các dược liệu được dùng nhiều nhất cho sản xuất thuốc trong nước là artiso, đinh lăng, rau đắng đất, bạch quả, kim tiền thảo, bách bộ... Việt Nam có lợi thế về khí hậu và hệ sinh thái với hơn 4.000 loài thực vật cho công dụng làm thuốc, có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới như: sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai…

Sâm ngọc linh là vị thuốc quý nổi bật khi phần thân rễ của cây chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh lên 52 loại. Hàn Quốc với lợi thế về khoa học kỹ thuật đã ứng dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, sản xuất được nhiều loại sản phẩm khác nhau từ sâm Triều Tiên và mang lại lợi nhuận nhiều tỷ đô la Mỹ. Trong khi sâm Ngọc Linh ở nước ta mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu bước đầu.

Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho rằng: “Việt Nam nếu phát triển thành công một số loài cây dược liệu, cho ra vài trăm sản phẩm chất lượng cao cũng đã đủ để giúp ngành dược phát triển mạnh mẽ. Có thể nói dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai”.

Dược liệu Việt Nam phát triển giai đoạn năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Phát triển thuốc từ dược liệu là một trong những quan điểm chính trong chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 bên cạnh những mục tiêu khác về thuốc generic, công nghiệp hóa dược, tự sản xuất vắc xin. Bộ Y tế sẽ chú ý nâng chất lượng thuốc từ dược liệu, bắt đầu từ tiêu chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào. Đến 2020, mục tiêu Bộ Y tế đặt ra là có 60 loại dược liệu được nuôi trồng theo tiêu chuẩn GACP, 2030 là 120 dược liệu. Các nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn hóa nguyên liệu, với 80% dược liệu tiêu chuẩn hóa vào 2020 và 100% vào 2030. Đây chính là giải pháp để bảo đảm chất lượng nguyên liệu dược liệu và cũng là yêu cầu quan trọng với sản xuất thuốc từ dược liệu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật