Hai cha con lính hải quân xây nhà trên đảo Trường Sa

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã có 28 năm tuổi quân, 17 năm bám biển và gắn bó với nhiều công trình xây đảo, trung tá Nguyễn Văn Lâm tiếp tục thuyết phục con trai đầu lòng theo nghiệp lính hải quân.
Hai cha con lính hải quân xây nhà trên đảo Trường Sa
Những người lính trung đoàn 131 Công binh Hải quân chuyển đá xuống tàu ra Trường Sa xây đảo.

Trung tá Nguyễn Văn Lâm, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 131 Công binh Hải quân bắt đầu gia nhập đội quân đi Trường Sa xây đảo dựng nhà từ năm 1996. Để có những ngôi nhà mang hình Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, những người lính công binh nắng cũng như mưa, ngày đêm, mùa biển lặng hay bão tố, cứ có lệnh là lên tàu đi xây đảo.

“Việc xây nhà ở Trường Sa vô cùng khó khăn gian khổ, một mặt điều kiện thời tiết khắc nghiệt, một mặt phải dựa vào nước thủy triều lên xuống. Lính công binh nói đến ngày nghỉ là khái niệm quá xa vời, kể cả lễ, chủ nhật, thậm chí phải làm cả đêm", trung tá Lâm cho biết.

Một công trình ở đất liền có thể hoàn thành trong vòng hai tháng nhưng ở đảo chìm có khi cần thời gian gấp ba lần. Trước đây chỉ xây theo mùa từ khoảng tháng 3 đến tháng 9, còn nay lính công binh thi công suốt, tùy theo hạng mục. Có những lúc thời tiết thuận lợi, toàn bộ công binh phải dồn sức gấp nhiều lần để chạy đua với công trình và thời gian.

Viên trung tá quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, chia sẻ, làm nhà ở Trường Sa khó khăn nhất là xây ngầm dưới lòng biển. Công đoạn đầu tiên là phải chọn thời cơ thuận lợi, tức khi thủy triều xuống thấp nhất mới bỏ được móng. Đá san hô rất chắc, phải dùng búa chim đào móng. Đào xong móng phải nhanh chóng xây luôn để kịp thời gian cho đá và hồ kết dính đông cứng, khi nước biển dâng tràn móng đủ độ chắc và không bị sóng cuốn trôi. Lính công binh làm việc không có khái niệm thời gian ngày nghỉ là vì thế.

Là cán bộ quản lý, công việc chủ yếu động viên tư tưởng, tinh thần cho các chiến sĩ, nhưng trung tá Lâm sẵn sàng quần quật với lính trẻ vác đá từ sáng tới chiều. Anh không ngại ngâm mình trong biển mặn cùng đồng đội mở luồng vào đảo với tâm niệm “mình phải luôn làm gương, làm trước cho chiến sĩ noi theo". Gian khổ, khi mỗi công trình xây xong, ai cũng thấy tự hào và quên hết mệt nhọc.

“Gian khổ nhưng những ngày xây đảo Trường Sa là quãng thời gian đẹp đẽ và ý nghĩa nhất trong đời lính. Càng tôi luyện trong gian khó, càng trưởng thành, càng gắn bó với đảo càng thấy thương yêu Tổ quốc”, người lính 28 năm tuổi quân chia sẻ.

Dãy nhà tập thể khu gia đình ở đảo Song Tử Tây do những người lính công binh Hải quân Trung đoàn 131 xây dựng. Ảnh: Mai Thắng.

Cũng vì yêu Trường Sa, trung tá Lâm đã thuyết phục con trai đầu lòng là Nguyễn Tuấn Anh vào bộ đội hải quân. Không phải con trai anh không có năng lực vào những trường đại học dân sự, mà anh muốn con mình trưởng thành trong môi trường quân ngũ, biết hy sinh sức trẻ cho đất nước. Chàng trai nối nghiệp cha hiện mang quân hàm binh nhất đóng quân cùng trung đoàn với bố, rất tự hào hãnh diện vì được thỏ‌a mã‌n ước mơ.

“Được làm chiến sĩ Trường Sa là một điều vinh dự, tự hào. Nối nghiệp cha, tôi xung phong ra đảo, muốn mình là một chiến sĩ kiên cường ở nơi tuyến đầu Tổ quốc”, binh nhất Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật