Việt Nam là ‘cửa vào’ toàn bộ ASEAN và Đông Á của Nga

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc viện Viễn đông - viện Hàn lâm Khoa học Nga đã nói điều này khi được hỏi về quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam là ‘cửa vào’ toàn bộ ASEAN và Đông Á của Nga
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Vladimir Mazyrin

PV: Trước hết, ông có thể đánh giá khái quát những nét đặc trưng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga trong 65 năm qua?

GS V.Mazyrin: Phải khẳng định rằng dấu mốc 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là rất ý nghĩa. quan hệ giữa hai nước đã đi qua một chặng đường dài với không ít thăng trầm.

Giai đoạn trước năm 1990, Việt Nam và nước Nga trong thành phần của Liên bang Xô Viết đã giải quyết những nhiệm vụ chung, đó là xây dựng xã hội chủ nghĩa, hiện đại hóa và phát triển đất nước theo định hướng này. quan hệ giữa hai nước mang tính chất đồng minh, cùng một chiến tuyến chống lại kẻ thù chung.

Hai nước chúng ta cách xa nhau về địa lý, song lịch sử quan hệ cũng đã để lại nhiều dấu ấn khi Liên Xô hỗ trợ rất tích cực cho Việt Nam chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.

Sau khoảng thời gian trầm lắng khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được khôi phục từ đầu năm 2000 và ngày càng phát triển, đến nay là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Ngoài ra, một trong những đặc trưng nữa là chúng ta đã từng có chung ý thức hệ về mô hình phát triển xã hội và mặc dù tình hình hiện nay đã thay đổi rất nhiều, mỗi nước có hướng đi riêng song hợp tác vẫn rất chặt chẽ.

Có thể thấy rằng, yếu tố liên kết hai nước trong giai đoạn tồn tại hệ thống xã hội chủ nghĩa chính là cùng có chung lợi ích, hướng tới xây dựng một xã hội tiên tiến, bình đẳng và công bằng; hợp tác để bảo vệ chủ quyền quốc gia trước ngoại xâm. Tôi cho rằng, hai nhiệm vụ này đến nay vẫn là cấp thiết và rõ ràng trong điều kiện gia tăng khủng hoảng của hệ thống tư bản thế giới thì nhận thức về vấn đề này càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

PV: Hiện nay, hai nước chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Theo Giáo sư, nội hàm của mối quan hệ này là gì?

GS V.Mazyrin: Lãnh đạo mỗi nước đều nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của việc  xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả hơn trong một số lĩnh vực mà hai bên có truyền thống, thế mạnh. Đó là những lĩnh vực thực sự có ý nghĩa địa chiến lược và ngày càng tăng trong điều kiện căng thẳng quốc tế và đối đầu.

Tôi muốn nói về hợp tác kỹ thuật quân sự, an ninh quốc phòng giữa hai nước như một nhân tố bảo vệ an an ninh truyền thống của Việt Nam, tiếp theo là sự phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng - nhiên liệu, bảo đảm cho một nền kinh tế độc lập của Việt Nam.

Còn một lĩnh vực hợp tác nữa nhằm bảo đảm an ninh phi truyền thống là an ninh lương thực. Song đáng tiếc là hai nước chúng ta chưa hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này. Chúng ta có thể cùng đánh giá tình hình thị trường ngũ cốc thế giới, trước tiên là lúa mỳ và gạo. Nhu cầu ngũ cốc của thế giới sẽ ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Nếu hai nước hợp tác chặt chẽ hơn sẽ làm cho quan hệ của chúng ta có tính chiến lược hơn và ảnh hưởng hơn trong các tiến trình thế giới.

Tóm lại, có thể nói rằng, hợp tác giữa hai nước chúng ta đã có tính chiến lược, song phải cần được mở rộng, có sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa. Còn yếu tố toàn diện, thì vẫn đang là định hướng cho tương lai, hiện còn chưa đủ và cần phải khôi phục.

Đồng thời, cũng cần phải thẳng thắn đánh giá là nước Nga hiện nay chưa đủ khả năng để duy trì, phát triển hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, do đó cần tập trung vào các lĩnh vực mà Nga có đủ khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn ở mức quá thấp.

Về khối lượng và nội dung, về mức độ công nghệ thì rõ ràng Nga đang tụt hậu so với các nước phương Tây và Đông Á trong hợp tác với Việt Nam. Do đó, việc thành lập khu vực tự do thương mại và các hình thức liên kết khác sẽ góp phần thúc đẩy và mở rộng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại trong thời gian tới.

Điều quan trọng nhất là lãnh đạo hai nước đều cho thấy ý chí chính trị, sáng kiến và mong muốn tìm kiếm các mô hình, phương hướng, dự án song phương mới để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Đây chính là tiềm năng lớn trong hợp tác giữa hai nước.

PV: Bối cảnh quốc tế hiện nay diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng tới cả Liên bang Nga và Việt Nam. Theo đánh giá của ông, quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?

GS V.Mazyrin: Theo tôi, tình hình quan hệ quốc tế hiện nay đã là thử thách rất lớn đối với quan hệ giữa Nga và Việt Nam kể từ sau khi Liên Xô tan rã đến nay. Nước Nga rõ ràng không muốn xây dựng quan hệ đối đầu với các đối tác phương Tây, trước tiên là với Mỹ và EU. Trong khi đó, các nước này đang theo đuổi chính sách bao vây và trừng phạt Nga.

Trong bối cảnh này, nước Nga đang tiếp tục thúc đẩy chính sách hướng Đông, hướng sang châu Á và các nước mà Nga quan tâm trong đó có Việt Nam. Nga đánh giá cao tầm quan trọng của Việt Nam trong phát triển hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Đối với Nga, Việt Nam chính là "cánh cửa" để đi vào toàn bộ khu vực ASEAN và Đông Á. Do đó, với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và những thành tựu trong hợp tác giữa hai nước chúng ta thời gian qua, tôi nghĩ rằng hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát tục phát triển hợp tác song phương.

PV: Thủ tướng Nga D. Medvedev sắp thăm chính thức Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm này?

GS V.Mazyrin: Chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev là cần thiết để tiếp tục duy trì đối thoại tin cậy và thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Đây là một trong những điểm quan trọng nhất mang tính khác biệt trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam.

Theo đánh giá của tôi, ý nghĩa thực tế trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nga là nhằm thúc đẩy hai dự án hợp tác kinh tế lớn giữa hai nước, đó là dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và thành lập Khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu.

Ngoài ra, chúng tôi cũng rất hy vọng trong chuyến thăm lần này, cũng như trong chuyến thăm của ông Medvedev tới Hà Nội năm 2010 khi giữ cương vị Tổng thống, sẽ thỏa thuận được với các đối tác những sáng kiến mới hoặc biện pháp mới về thực hiện các kế hoạch đã thông qua trước đây trong lĩnh vực hợp tác văn hóa.

Đó là việc thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga, Đại học Nhân văn; dịch các tác phẩm văn học của nhau; trao đổi văn hóa; tiếp tục nghiên cứu các dự án và thúc đẩy hợp tác giữa các nhà khoa học trong điều kiện có nguy cơ bị gián đoạn do nguồn tài chính cấp cho viện Hàn lâm Khoa học bị cắt giảm.

Cuối cùng, yêu cầu cấp thiết đặt ra là hỗ trợ cho ngành du lịch: cần phải thảo luận các biện pháp để ngăn chặn xu hướng khách Nga đang ngày càng giảm tại các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, nếu một phần nào đó trong các nội dung nêu trên được giải quyết trong chuyến thăm thì đây là một chuyến thăm thành công và thu hút sự quan tâm của cả hai nước.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật